Đầu thập niên 70, Liên Xô đã từng điều hơn 50.000 quân sang Ai Cập để giúp đỡ nước này trong cuộc chiến với Israel.
Chiến tranh 6 ngày
"Chiến tranh 6 ngày" là cuộc chiến giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập: Ai Cập, Jordan, và Syria diễn ra từ 5/6-10/6/1967.
Trong cuộc chiến này, phía Ai Cập đã chịu tổn thất nặng nề. Toàn bộ vũ khí trị giá khoảng 700 triệu rúp mà Liên Xô cho Ai Cập "vay" đã bị phá hủy và vứt bỏ lại khắp nơi trên bán đảo Sinai. Bán đảo này đã rơi vào tay Israel.
Chính quyền Ai Cập khi đó bị "sốc" với thất bại nặng nề đó. Thật kỳ lạ, thất bại trong "chiến tranh sáu ngày", không chỉ đổ lỗi cho sự chỉ huy kém cỏi của các vị tướng, lãnh đạo các nước Ai Cập, Jordan, Syria còn đổ tại...vũ khí Liên Xô.
Tuy nhiên, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Nikolai Podgornyi có mặt ở Cairo ngay sau cuộc chiến đã thẳng thắn nói:" Vấn đề không phải là xe tăng hay máy bay của chúng tôi chất lượng kém, mà là ở chỗ người Ả Rập không đủ trình độ sử dụng".
Hình ảnh binh sĩ Liên Xô ở Ai Cập.
Đại sứ Liên Xô tại Beirut là Asinev khi đó cũng nói với Tổng thống Lybia Kh. Assad:
"Chúng tôi đã cung cấp cho các ngài một số lượng khổng lồ các loại vũ khí mà các đồng chí Việt Nam của chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy.
Tuy nhiên, Quân đội Việt Nam, được trang bị những loại vũ khí lạc hậu hơn nhiều so với các ngài, đang chiến đấu và chiến thắng một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới (Mỹ)”.
Ngày 11/6/1967, chỉ một ngày sau khi Chiến tranh kết thúc, Chính phủ Liên Xô tuyên bố xóa nợ để bù đắp tất cả những tổn thất của Ai cập trên bán đảo Sinai.
Liên Xô tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ai Cập và chỉ đôi năm sau, số lượng tăng của Quân đội Ai Cập đã vượt mức trước chiến tranh.
Nhưng như thế chưa đủ. Một số lượng lớn cố vấn quân sự và chiến sĩ Xô viết chuẩn bị lên đường sang Ai Cập để tham dự vào một cuộc chiến bí mật mà mãi đến 15 năm sau khi kết thúc, nó mới được hé lộ phần nào vào năm 1988.
Nguyên nhân của sự xuất hiện Quân đội Liên Xô trên đất Ai Cập, sau này được biết là do sự đề nghị của Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser với Tổng bí thư ĐCSLX L.Breznev và Bộ trưởng Quốc phòng Grechko, vào cuối 1969 khi ông này đến thăm Moskva.
Hình ảnh binh sĩ Liên Xô ở Ai Cập.
Tham chiến
Những ngày đầu năm 1970, các chiến sĩ Xô Viết được lệnh đến cảng Nikolaev. Tại đây, họ được phát thường phục và visa du lịch. Các tàu vận tải được ngụy trang chở máy kéo, máy cày, nhưng sâu phía dưới là các loại vũ khí tối tân nhất thời bấy giờ.
Tháng 3/1970, chuyến tàu đầu tiên "Georghi Chicherin" cập cảng Aleksandria của Ai Cập. Ngay trong đêm, các chiến sĩ Liên Xô được cấp phát quân phục Ai Cập và trở thành chiến sĩ của quân đội nước này.
Chiến dịch quân sự mang mật danh "Kavkaz" bắt đầu. Đã có khoảng 50.000 quân nhân Xô Viết đã tham gia chiến dịch này trên xứ sở Kim Tự Tháp.
Trong thời gian tham chiến ở Ai Cập, quân đội Liên Xô giành quyền kiểm soát 5 cảng biển và 8 sân bay.
Chỉ huy quân đội Liên Xô ở Ai Cập là tướng Okunev, một vị tướng dày dạn kinh nghiệm. Ông là một tên tuổi lớn trong lực lượng Phòng không không quân.
Hình ảnh binh sĩ Liên Xô ở Ai Cập.
Quân đội Xô Viết đã nhanh chóng thiết lập hệ thống phòng không gồm 270 hệ thống tên lửa, 450 máy bay và các hệ thống radar. Các chuyên gia, binh sĩ Xô Viết đảm nhiệm hầu như hoàn toàn các hệ thống tên lửa và trực tiếp lái MiG và Su.
Sự tham chiến của Liên Xô đã có những kết quả tức thì. Từ mùa xuân 1970, các máy bay Israel do sợ "va chạm" với phi công Liên Xô, đã chấm dứt các chuyến bay trên bầu trời Cairo và Aleksandria.
Nhưng các trận không chiến trên bầu trời vùng kênh đào Suez vẫn tiếp diễn... Ngày 3/8/1970, các chiến sĩ tên lửa thuộc tiểu đoàn của Đại tá K.I.Popov đã bắn hạ 5 máy bay của Israel... Sau này, Popov đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Khi tình hình ở Ai Cập đã lắng dịu, Liên Xô bắt đầu rút quân về nước từ tháng 3/1971 và rút hết vào năm 1973. Khi về nước, tất cả các quân nhân phải ký cam kết giữ tuyệt đối bí mật về "chuyến du lịch" của mình trên đất Ai Cập.
Phải chờ đến 15 năm sau, tháng 11/1988, Liên Xô mới công bố một phần thông tin về cuộc chiến bí mật này.
Theo các số liệu công bố, 166 cố vấn, chiến sĩ đã được nhận các huân chương cao quý của Nhà nước Liên Xô vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế. Từ 1962-1974, trên đất Ai Cập đã có hàng chục chiến sĩ Xô Viết hy sinh.