Thông số kỹ thuật của xe tăng T-64:
Kích thước (dài x rộng x cao): 9,225 x 3,600 x 2,172 (m)
Động cơ: diesel 5DTF, 700 -750 mã lực
Tổ lái: 3 người
Tỷ lệ công suất trên khối lượng (hp/t): 17,85
Thể tích khoang nhiên liệu: 1.270 L
Tầm hoạt động: 500 km
Lội nước: 1,8m
Vũ khí: 1 pháo nòng trơn D-81T 125mm (40 viên), 1 súng máy đồng trục PKMT 7,62mm (1.250 viên), 1 súng máy phòng không NSVT 12,7mm (300 viên).
Sinh ra để trở thành cuộc Cách mạng xe tăng
Xe tăng T-64
Vào đầu những năm 1950, các nhà thiết kế đã tìm kiếm những ý tưởng để phát triển một loại xe tăng mới theo yêu cầu của quân đội Soviet. Cũng như các lần trước, khi yêu cầu về một loại tăng hoàn toàn mới được đưa ra, Cục thiết kế tăng ở Kharkiv luôn dẫn đầu cuộc đua bằng việc giới thiệu một loại tăng trái với quy ước, nếu không muốn nói là một cuộc Cách mạng về thiết kế xe tăng.
Nguyên lý thiết kế loại xe tăng mới này thể hiện ở chiếc T-64, nó được thiết kế vào đầu những năm 1960 dưới sự chủ trì của Aleksandr A. Morozov, chính thức chấp nhận đưa vào biên chế tháng 12/1966 và trở thành dòng xe đầu tiên trong thế hệ xe tăng mới của Liên Bang Soviet.
Mặc dù bề ngoài không có nhiều thay đổi khi giữ lại kết cấu khung thấp như họ T-54/55/62, T-64 chính là chiếc xe tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống nạp đạn tự động giúp cho tổ lái giảm đi một người, chỉ còn lại lái xe, pháo thủ và trưởng xe. Bên cạnh đó, trên xe còn có những đột phá công nghệ khác như vỏ giáp phức hợp nhiều lớp, hệ thống bảo vệ NBC, động cơ turbin khí mạnh mẽ …
T-64 với giáp phản ứng nổ (ERA)
T-64 được đánh giá có tính cơ động tốt hơn T-62. Mặc dù động cơ diesel 5 xy-lanh công suất 700 - 750 mã lực của T-64 nhỏ hơn so với động cơ của T-72, nhưng chiếc T-64 nhẹ hơn (36 tấn) được cho rằng có thể đạt được quãng đường hành trình và vận tốc tương đương với T-72.
Giáp của T-64 tốt hơn hẳn so với T-62, cả thân xe và tháp pháo đều được đúc sau đó mới hàn áp lực cao lại với nhau, lớp giáp là sự kết hợp giữa thép và các miếng gốm gọi là “Hỗn hợp K”, giúp tăng khả năng bảo vệ trước những mối nguy hiểm từ đạn xuyên lõm (HEAT).
Bên cạnh sở hữu lớp giáp trước vững chắc hơn rất nhiều nhờ sử dụng kết cấu nhiều lớp, T-64 còn có thể lắp thêm các tấm giáp bảo vệ xích 2 bên hông xe hay các tấm chắn dài. Một miếng “gạt” to lắp phía trước xe giúp T-64 có thể tự đào công sự trong một vài phút, đồng thời có thể bổ sung khả năng bảo vệ cho giáp trước bằng cách nâng nó lên.
T-64 của quân đội Liên Xô diễn tập
Khả năng chống tác hại vũ khí hủy diệt hàng loạt NBC của T-64 được đánh giá khá cao nhờ hệ thống dò tìm phóng xạ PAZ và hệ thống điều áp mới. T-64 lúc đầu sử dụng chung hệ thống phun khói ngụy trang giống như dòng T-54/55/62, tuy nhiên sau đó một số phiên bản cải tiến đã sử dụng các ống phóng đạn khói gắn trên tháp pháo tương tự T-72 và T-80.
Hỏa lực cực nhanh và mạnh trên chiến trường
Hỏa lực chính của T-64 là khẩu pháo 125mm D-81T nòng trơn có góc nâng hạ từ -6° đến +14° với tháp pháo quay bằng máy 360°. Pháo D-81T của T-64 có thể bắn đạn xuyên giáp sơ tốc cao HV-APFSDS, được tin rằng có vận tốc đầu nòng lên tới 1.750 m/s và tầm bắn ít nhất 2.000m. Khoang xe có sức chứa 40 viên đạn pháo 125mm với cơ cấu phân bổ gồm 12 APFSDS - 6 HEAT - 22 HE. T-64 cũng sử dụng hệ thống vứt vỏ đạn tự động giống như trên T-62.
Ngoài ra, pháo 125mm của T-64 còn bắn được tên lửa chống tăng có điều khiển AT-8 Songster, thông thường trên xe có 6 quả AT-8. Hệ thống nạp đạn của T-64 giống với hệ thống nạp đạn tự động trên T-72, ngoài chức năng giảm bớt một pháo thủ nó còn giúp cho tốc độ bắn của chiếc tăng đạt được 8 phát/phút.
Vị trí trưởng xe của T-64 đã có sự cải tiến hơn so với T-62 khi anh ta có thể sử dụng mọi loại vũ khí trong chiếc tăng từ chỗ ngồi của mình. Bên cạnh đó, T-64 cũng có hệ thống kiểm soát hỏa lực kết hợp gồm 1 máy tính gắn trong xe liên kết với thiết bị đo xa laser gắn ngoài.
Đuôi xe T-64 với cửa xả khói nằm giữa
Năm 1976 phiên bản nâng cấp T-64B ra đời, được tích hợp hệ thống điều khiển “COBRA” giúp nâng tầm bắn lên 4.000m nhờ sử dụng hệ thống đo xa laser với kính nhìn đêm mới. Tuy vậy, trọng lượng xe cũng tăng lên tới 39 tấn. T-64 bị ngừng sản xuất vào năm 1987 nhưng việc nâng cấp thì vẫn được thực hiện đến tận ngày nay.
Xe tăng T-64 mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, ví dụ như hệ thống nạp đạn tự động tuy giúp giảm biên chế tổ lái đi 1 người nhưng cũng chiếm dụng một diện tích bên trong tháp pháo, khiến cho không gian làm việc của tổ lái chẳng được tăng lên là bao. Bên cạnh đó vấn đề hạn chế của việc hạ thấp nòng pháo vẫn chưa được cải thiện nhiều. Hay như ở phiên bản xe tăng chỉ huy T-64K, khi sử dụng cột anten thì xe buộc phải đứng im bởi vì cột anten muốn hoạt động tốt bắt buộc phải được gắn chặt xuống đất.
T-64BM Bulat của Ukraine
Dòng xe tăng T-64 có một số phiên bản phổ biến gồm:
T-64R: Model đầu tiên với pháo nòng trơn 115mm D-68. Có khoảng hơn 600 chiếc được sản xuất nhưng không có chiếc nào được sử dụng.
T-64: Phiên bản đầu tiên với pháo 125mm D-81T, sau chủ yếu nâng cấp lên chuẩn T-64A.
T-64K: Phiên bản xe tăng chỉ huy với cột anten cao 10m và thiết bị quan sát TNA-3, không có súng máy 12,7mm.
T-64A: Đã có nhiều cải tiến bao gồm kính ngắm cho pháo thủ và sử dụng ống phóng đạn khói ngụy trang.
T-64B: Phiên bản nâng cấp lớn với giáp khung và tháp pháo mới, nhỏ hơn lớp giáp “hỗn hợp K” thế hệ đầu tiên trên T-64A nhưng khả năng bảo vệ cao hơn. T-64B còn được trang bị hệ thống đo xa laser tiên tiến.
T-64BV: T-64B với giáp ERA.
T-64B1: Là những chiếc T-64A nâng cấp lên chuẩn T-64B.
T-64BM Bulat: Phiên bản nâng cấp toàn diện T-64 của Ukraine, được đánh giá có sức mạnh tương đương T-80U.
T-64BM Bulat của Ukraine trong lễ duyệt binh
T-64BM Bulat - Biến thể hiện đại nhất của dòng xe tăng T-64 huyền thoại
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA