Một phần ba trong số hơn 20 tàu chiến thuộc lực lượng hải quân Ukraine ở Crimea giờ đây không thể di chuyển, do hải quân Nga đã đánh chìm 2 con tàu cũ để chặn đường ra Biển Đen. Bên cạnh đó, tuần dương hạm Moskva cũng đang tuần tra khu vực gần đó.
Sáu tàu chiến khác của Ukraine cũng đang bị kẹt lại trong tình thế tương tự, khi mà Nga đang tăng cường sự hiện diện của mình tại Crimea, ngay trước cuộc trưng cầu dân ý ở khu vực tự trị này. Do nhiều khả năng sau cuộc trưng cầu, Crimea sẽ trở thành một phần của Nga nên Ukraine hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị "mất trắng" lực lượng hải quân của mình.
Đại tá Vitaly Zvyagintsev khi trả lời phóng viên của tờ New York Times (Mỹ) đã cho biết ông vẫn chưa thể tin là Hạm đội Biển Đen của Nga lại trở thành kẻ thù khi mà họ và hải quân Ukraine cho đến gần đây vẫn thường tập trận chung. Ông nói: “Tôi cho rằng có 2 khả năng. Một là họ muốn ngăn không cho tàu chiến Ukraine rời vị trí. Hai là họ muốn rằng khi Crimea trở thành một phần của Nga, các tàu chiến ở đây sẽ không còn thuộc về Ukraine nữa.”
“Gruzia hiện giờ không còn hải quân, và điều tương tự có thể xảy ra với Ukraine”, ông Zvyagintsev đề cập đến cuộc chiến Nga-Gruzia hồi năm 2008, mà trong đó 1/5 lãnh thổ Gruzia đã bị chiếm đóng.
Hải quân Ukraine hiện nay có khoảng 25 tàu chiến, bao gồm 1 tàu ngầm, 15 tàu hậu cần, với tổng quân số khoảng 15.000 người, trong đó 10.000 đóng tại Crimea. Zvyagintsev và các sĩ quan cao cấp khác từ chối xác nhận số lượng thủy thủ đang ở trên những căn cứ bị phong tỏa, nhưng cho biết họ không có các thiết bị cần thiết như máy cắt, cần cẩu, để di chuyển những con tàu bị Nga đánh đắm.
Tuy phải đối mặt với tình cảnh được đánh giá là ‘rất phức tạp’, nhưng ông Zvyagintsev vẫn tìm thấy một góc nhìn lạc quan của vấn đề: “Người Nga chắc phải đánh giá các tàu chiến của chúng tôi rất cao nên mới phải điều động Moskva, con tàu được thiết kế để tấn công tàu sân bay, việc này cũng đáng để vui mừng”. Ông cũng cho biết thêm là ban đầu có 8 tàu chiến Nga làm nhiệm vụ phong tỏa, tuy nhiên sau khi họ đánh chìm 2 con tàu cũ để chặn lối ra thì giờ chỉ còn chiếc Moskva ở lại.
"Tình hình đã thay đổi"
Theo ghi nhận của tờ New York Times, lính Nga đã đến đóng quân trong một nhà khách bỏ hoang gần căn cứ hải quân trên và trương cờ Nga. Họ cũng đào hào chiến đấu ngay trước khu nhà kho của căn cứ, và được những người dân địa phương thân Nga tiếp tế thực phẩm. Một lính Nga bịt mặt, trang bị súng trung liên, nói với phóng viên: “Tình hình đã thay đổi. Căng thẳng đang lên cao. Các anh phải đi ngay, không được quay phim ở đây”.
Các chỉ huy Ukraine cho biết chỉ có khoảng 100 lính Nga, nhưng họ rất hung hăng. Theo lời ông Vadim Filipenko, phó chỉ huy trưởng căn cứ trên, thì: “Tình hình rất khó khăn. Lính Nga đe dọa và chĩa súng vào chúng tôi khi chúng tôi tiếp tế thực phẩm cho lính của mình. Họ chặn xe của chúng tôi và đe dọa sẽ nổ súng bất cứ lúc nào”.
Tuần dương hạm Moskva chốt chặn ở cảng Sevastopol
Khi lính Nga được triển khai tại đây vào ngày 2/3, họ yêu cầu phía Ukraine giao nộp vũ khí. Dĩ nhiên là phía Ukraine từ chối yêu cầu này. Trong khi đó, bộ tư lệnh hải quân Ukraine ở Sevastopol cũng đang trong vòng phong tỏa của lính Nga và những nhóm thân Nga.
Khinh hạm Hetman Sahaidachny, soái hạm của hải quân Ukraine, sau khi vừa trở về từ chiến dịch chống hải tặc trên Ấn Độ Dương đang an toàn tại cảng Odessa, bên ngoài Crimea. Một tuần trước truyền thông Nga dẫn tin rằng tàu này đã “đào ngũ” theo Nga, nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Các chỉ huy Ukraine giờ đây đang lo ngại việc chuẩn đô đốc Denys Berezovsky, người đã đào ngũ sang phía Nga, đang chuẩn bị nắm quyền chỉ huy các tàu chiến của họ tại Crimea và biến chúng thành hải quân Crime.
Zvyagintsev cho biết ông và lính của mình sẽ không phản bội lại lời thề trung thành với Ukraine và sẽ không giao nộp vũ khí. Ông nói mình không có ý định bỏ vị trí: “Chúng tôi không có gì để mất. Tôi biết rõ mình sẵn sàng chết vì điều gì, còn lính Nga thì sao? Tôi sinh ra ở Sevastopol, cha mẹ tôi được chon cất ở đây. Tôi sẽ không rời khỏi Crimea”.