Công ty vũ khí Đức lách luật, sản xuất đạn dược tại Nam Phi

Mai Hà |

Một công ty vũ khí Đức lách luật, sản xuất đạn dược tại Nam Phi là vì chính phủ Đức hạn chế xuất khẩu vũ khí, khiến công nghiệp quốc phòng Đức bị vắt kiệt, theo báo The Wall Street Journal.

Rheinmetall là công ty vũ khí Đức lách luật bằng cách lập liên doanh Rheinmetall-Denel Munition Ltd ở Cape Town (Nam Phi) để sản xuất lựu đạn, súng cối, đạn pháo và tên lửa.

Rheinmetall - hãng vũ khí lớn nhất Đức tính về doanh thu hồi tháng 11 cho biết họ nắm đa số cổ phần ở trung tâm sản xuất đạn dược mới này.

Tránh né luật quyền sở hữu trí tuệ

Kế hoạch này vào lúc Bộ Kinh tế Đức xem xét lại chủ trương xuất khẩu vũ khí, vốn "treo" giấy phép hoạt động của Rheinmetall và các công ty khác, vì họ đã bán vũ khí cho các nước không thuộc liên minh quân sự NATO và có thành tích nhân quyền xấu.

Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel thuộc đảng Dân chủ Xã hội đã nói việc xuất khẩu vũ khí không phải là một phương diện trong chính sách kinh tế, mà là chủ trương an ninh của Đức

Trong quý đầu năm 2014, xuất khẩu vũ khí của Đức giảm 24%, xuống còn 2,2 tỉ euro (2,7 tỉ USD) so với cùng kỳ, theo Bộ này.

Từ năm 2009-2013, Đức là nước xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga, theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp.

Các chuyên gia chính sách và phân tích tài chính nói:

"Nhà máy mới ở Nam Phi cùng 4 nhà máy khác đã xây, sẽ cho phép Rheinmetall tiếp tục bán vũ khí cho các nước có thành tích nhân quyền xấu ở Trung Đông,bất chấp sự kiểm soát xuất khẩu vũ khí nghiêm ngặt của Đức".

Rheinmetal thành lập năm 2008, chủ yếu sản xuất vũ khí cho các quốc gia tại Trung Đông, châu Á, Nam Mỹ và châu Phi.

Liên doanh mới giữa Rheinmetall và Denel (đã lập từ lâu) cho phép Rheinmetall lách luật quyền sở hữu trí tuệ của Đức. Luật này thường hạn chế các công ty quốc phòng chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất ở nước ngoài.

"Miễn là quyền sở hữu trí tuệ cho công nghệ vũ khí mới không được tạo ra bên trong nước Đức mà ở ngoài nước Đức, thì các sản phẩm đó không phải chịu sự kiểm soát của Đức".

Theo Henrik Heidenkamp, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hoàng gia United Services ở London cho biết.

Thụ hưởng sự dễ dãi của Nam Phi

Theo Norbert Schulze, giám đốc điều hành các cơ sở tại Nam Phi của Rheinmetall, Nam Phi có vị trí đặc biệt thuận lợi trong việc xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược, khi những quy định cho quá trình xuất khẩu vũ khí vẫn bị chính phủ Đức kiểm soát nghiêm ngặt.

Ông nói Ủy ban kiểm soát vũ khí quy ước quốc gia (NCACC, Nam Phi ) rất sẵn sàng hỗ trợ công nghiệp quốc phòng hơn Đức.

Báo cáo hàng quý gần đât nhất của NCACC gần đây cho biết ủy ban này phê duyệt số vũ khí xuất khẩu trị giá 1,1 tỉ rand Nam Phi (90 triệu USD) trong quý 3 tính đến ngày 30.9. Lô hàng vũ khí xuất khẩu lớn nhất là 229,2 triệu Rand bán cho Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Andrew Feinstein, cựu nghị sĩ thuộc đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền ở Nam Phi, nói: “Nam Phi là một trong những địa chỉ dễ dãi nhất, nơi mà xuất khẩu vũ khí ít bị giám sát nhất”.

Ông từng là một người chỉ trích kịch liệt một vụ mua bán vũ khí do chính phủ ANC thực hiện những năm 1990, còn nói: "Đó là một lý do quan trọng để Rheinmetall muốn lập liên doanh với Denel".

Denel từng là nguồn vũ khí cho chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, chủ yếu sản xuất xe bọc thép vốn được sử dụng phổ biến tại Trung Đông hiện nay.

Kế hoạch xây nhà máy sản xuất đạn dược ở Nam Phi của Rheinmetall được xem là "giải pháp linh động", vào lúc công ty này đang nỗ lực vực dậy mảng quốc phòng đang thoi thóp, trong khi mảng sản xuất linh kiện xe ô tô lại tăng trưởng đều.

Hồi tháng 10, công ty này ra cảnh báo lợi nhận trong năm nay, và hạ dự báo doanh số của mảng vũ khí từ 2,3 tỉ USD xuống còn 2,2 tỉ USD, với lý do "chủ yếu vì sự trì trệ của mảng xuất khẩu".

Armin Papperger, tổng giám đốc Rheinmetall, nói công ty sẽ tiếp tục chuyển mảng nghiên cứu-sản xuất ra nước ngoài, vì chưa có sự thỏa thuận rõ ràng với chính phủ Đức.

Trang web của công ty xác định Nam Phi là “điểm đến quốc tế vì có nhiều tiềm năng tăng trưởng”.

Nhưng Rheinmetall vẫn phải phụ thuộc sự phê duyệt của chính phủ Đức, khi xuất khẩu các thiết bị hiện đại hơn, như xe bọc thép vốn được sản xuất tại Đức.

Trước đó, vào tháng 8.2014, Đức từng cấm Rheinmetall xuất khẩu các thiết bị tập chiến đấu ảo cho Nga. Nhưng một tháng sau, chính phủ Đức lại duyệt kế hoạch của công ty là xây một nhà máy sản xuất xe tăng cho Algeria.

Hồi tháng 10, Rheinmetall bị hoãn giấy phép xuất khẩu các loại xe vũ trang, súng máy và nhiều vũ khí khác đến Qatar và Saudi Arabia (chủ yếu là các hợp đồng đã lỡ ký), và chính phủ Đức nhắc lại sự phản đối xuất khẩu tăng hạng nặng cho Saudi Arabia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại