Thuật ngữ "Stealth technology" (Công nghệ tàng hình) trở nên nổi tiếng thế giới, qua chiến dịch "Bão táp sa mạc" vào đầu năm 1991 tấn công Iraq. Suốt 6 tuần lễ liền, các phi đội cường kích F-117A Nighthawk (Chim ưng đêm) thuộc Không lực Mỹ bình thản vượt qua hệ thống phòng không dày đặc của Iraq, ồ ạt tấn công các mục tiêu ở thủ đô Baghdad rồi trở về căn cứ an toàn.
Kết cục khiến quân đội Iraq phải triệt thoái vô điều kiện khỏi Kuwait, đã chứng tỏ ưu thế vượt trội của kỹ thuật tàng hình, làm mạng lưới radar của đối phương "có mắt như mù".
Nguyên lý hoạt động của radar phòng không là phát lên trời chùm xung vô tuyến với cường độ lớn, khi gặp vật thể hoặc chướng ngại vật, sóng vô tuyến sẽ phản xạ về lại máy thu. Qua phân tích sóng phản xạ, các chuyên gia kịp thời phát hiện và xác định vị trí vật thể bay. Còn phi cơ tàng hình áp dụng công nghệ phân tán sóng bức xạ theo những hướng khác, để sóng vô tuyến không thể trở về máy thu.
Một khi không nhận được sóng phản xạ thì radar không thể phát hiện mục tiêu, mà không có radar dẫn đường thì hệ thống tên lửa đất đối không dù hiện đại đến đâu cũng trở nên vô dụng. Do vậy bí quyết "làm chủ bầu trời" đã thuộc về công nghệ tàng hình.
Máy bay ném bom tàng hình B-2
Để máy bay có thể "biến mất" khỏi màn hình radar, các nhà thiết kế đã chọn giải pháp tăng khả năng tán xạ sóng vô tuyến, bằng cách tạo hình dáng cùng kết cấu đặc biệt cho các kiểu phi cơ tàng hình, nên chúng luôn có hình dáng "kỳ dị - không giống ai" so với các loại máy bay cùng mục đích quân sự tương tự. Ví như loại phi cơ cường kích tàng hình F-117A do Hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, có hình thù ở phần thân giống như các góc cạnh của một ngôi kim tự tháp thu nhỏ, còn phần cánh đuôi gấp khúc giống hình chữ "V"; hay máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit của Công ty Mỹ Northrop Grumman, lại giống như một con dơi khổng lổ không có cánh đuôi, còn 2 sải cánh chính được kéo dài bất thường… Những kiểu thiết kế độc đáo này khiến sóng radar bị "trượt" đi theo hướng khác, thậm chí hấp thụ triệt tiêu sóng phản xạ làm cho hình dáng phi cơ không tồn tại trên màn hình radar.
Ngoài ra, các nhà thiết kế còn tăng khả năng triệt tiêu sóng radar, bằng cách sử dụng vật liệu có tính hấp thụ mạnh như sợi carbon dệt thành tấm mỏng, kết hợp với cao su chịu nhiệt để bọc thân, cánh và các cạnh giáp với các mặt phẳng cấu thành vỏ phi cơ. Đồng thời trên máy bay tàng hình cũng sử dụng các loại vật liệu đặc biệt khác như composite chịu nhiệt, sơn phản quang chịu ma sát… phủ lên bề mặt thân khiến phi cơ tạo ra phát xạ nhiệt tối thiểu khi bay, cản trở các khí tài hồng ngoại hoạt động trên cơ sở bức xạ nhiệt của đối phương. Riêng hệ thống động cơ máy bay tàng hình được thiết kế làm giảm nhiệt độ tối ưu.
Ví như loại tiêm kích tàng hình F-22 Raptor (Chim ăn thịt) của Hãng Lockheed Martin chẳng hạn, ở phần đuôi động cơ có cấu tạo hình răng cưa với 600 lỗ nhỏ phun sương giúp giảm nhiệt độ tới 40%; hay động cơ máy bay B-2 Spirit được lắp bộ trộn khí, dẫn không khí lạnh vào buồng đốt làm hạ thấp nhiệt độ, khiến khí tài hồng ngoại tầm nhiệt khó phát hiện ra.
"Chim ăn thịt" F-22
Giá thành của loại F-117A Nighthawk là 45 triệu USD/chiếc, đắt gấp 3 lần so với loại phi cơ cường kích F-16 Fighting Falcon (Chim ưng chinh chiến) cùng tính năng. Còn kiểu máy bay ném bom B-2 Spirit có giá "khủng" xê dịch từ 1,1-2,2 tỉ USD/chiếc, đắt hơn hàng chục lần so với loại B-52 Stratofortress (Pháo đài chiến lược) đời mới nhất.
Tuy với giá thành thành cao chót vót như vậy, nhưng thế hệ phi cơ tàng hình vẫn tồn tại nhiều nhược điểm như không thể vận chuyển vũ khí khí tài với số lượng lớn, có tốc độ thấp và tầm bay hạn chế, cũng như việc duy trì thông tin liên lạc với mặt đất bị gián đoạn nếu không muốn bộc lộ chân tướng tàng hình của mình.
Thực ra công nghệ tàng hình không hoàn toàn "vô hình" như chúng ta vẫn tưởng, đôi mắt tinh tường của những chiến sĩ trinh sát phòng không dày dạn kinh nghiệm có thể phát hiện ra bất cứ loại máy bay nào. Chính nhờ ưu thế này, kết hợp với loại tên lửa đất đối không di động ZRK P-125 "Pechora" do Nga chế tạo, quân đội Nam Tư đã bắn hạ một chiếc F-117A vào cuối tháng 3/1999, trong thời gian có các cuộc oanh kích của khối Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào nước này.
Theo lời Đại tá Zoltan Dani, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Phòng không 25 của quân đội Nam Tư, thuật lại trong một buổi trả lời phỏng vấn truyền hình vào năm 2007, thì Trung sĩ Dragan Matic thuộc trạm radar hoạt động theo cơ chế thụ động của lữ đoàn do Liên Xô sản xuất, đã sử dụng bước sóng dài kịp thời phát hiện ra máy bay địch.
"Thời cơ chỉ diễn ra trong khoảnh khắc kéo dài khoảng 17 giây đồng hồ, đúng vào thời điểm chiếc F-117A mở khoang chứa bom chuẩn bị ném xuống thủ đô Belgrade. Đây chính là lúc tính năng tàng hình tối ưu bị vô hiệu hóa - Đại tá Z. Dani cho biết - Tức thì tôi hạ lệnh khai hỏa phóng cặp tên lửa hướng tới mục tiêu. Quả đầu trúng cánh bên, còn quả thứ 2 ngay giữa thân khiến chiếc phi cơ rơi tại chỗ. Đây cũng chính là chiếc máy bay sử dụng công nghệ tàng hình đầu tiên bị bắn rơi trong lịch sử quân sự thế giới".
Xác chiếc phi cơ tối tân đắt tiền rơi xuống cánh đồng làng Budanovci, thuộc tỉnh Vojvodina phía bắc Belgrade, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Belgrade ở Cộng hòa Serbia. Về phần Trung tá Dale Zelko lái chiếc F-117A, người từng tham gia chiến dịch "Bão táp sa mạc" 8 năm trước, đã được trực thăng của Mỹ ứng cứu kịp thời. Sau khi cuộc chiến Nam Tư kết thúc, giữa 2 nhân vật "kỳ phùng địch thủ" là Đại tá Z. Dani người Serbia và Trung tá D. Zelko người Mỹ đã hình thành tình bạn hữu hảo.