Cơ hội nào cho F-16 Đài Loan khi đối đầu J-20 Trung Quốc?

Đức Anh |

J-20 Trung Quốc nắm lợi thế về tàng hình, radar và vũ khí tầm xa, trong khi đó cơ hội duy nhất cho F-16 là khai thác chiến thuật đột kích tốc độ cao bằng tên lửa hồng ngoại.

Theo National Interest, sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc cùng với việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Đài Loan khiến cán cân quân sự đang thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Đại Lục.

Đảo Đài Loan tách khỏi Trung Quốc từ năm 1949. Kể từ đó, họ đã xây dựng được lực lượng không quân và hải quân khá mạnh.

Nếu Trung Quốc vẫn nghèo, Đài Loan có thể duy trì ưu thế. Nhưng hiện nay Bắc Kinh đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang xây dựng quân đội mới ngày càng hiện đại.

Bắc Kinh sản xuất nhiều máy bay, tàu chiến hơn những gì Đài Loan có thể được hỗ trợ. Trung Quốc đang bắt tay phát triển cùng lúc hai chương trình chiến đấu cơ thế hệ 5, trong đó Chengdu J-20 là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với an ninh của Đài Bắc.

Mối hiểm họa từ J-20

J-20 đặt ra nhiều mối đe dọa đối với Không quân Đài Loan. Ảnh: Offiziere
J-20 đặt ra nhiều mối đe dọa đối với Không quân Đài Loan. Ảnh: Offiziere

J-20 là một máy bay cỡ lớn, 2 động cơ với tính năng tàng hình, có thể được sử dụng như một chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không tầm xa.

Các tiêm kích trước đó của Trung Quốc có phạm vi hoạt động tương đối ngắn và số lượng hạn chế so với Đài Loan.

Nhưng J-20 với thân dài và rộng, có nhiều không gian chứa nhiên liệu bên trong, nó có thể xuất kích từ các căn cứ trên đất liền để tiến hành săn lùng máy bay chiến đấu của Đài Loan.

Nếu khả năng tàng hình của J-20 phát huy hiệu quả, radar của Đài Loan sẽ gặp khó khăn trong việc phát hiện và theo dõi chiến đấu cơ thế hệ 5 này.

Cảm biến chính của J-20 là một radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) lắp ở mũi. Bên cạnh đó là hệ thống tìm kiếm và phát hiện mục tiêu bằng hồng ngoại (IRST), cho phép theo dõi máy bay đối phương ở chế độ thụ động.

J-20 có 3 khoang vũ khí, trong đó 2 khoang chứa tên lửa tầm ngắn, 1 khoang dành cho tên lửa tầm trung và tầm xa. Khi làm nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, J-20 có thể mang 4 tên lửa tầm ngắn PL-9 cùng 4 tên lửa tầm xa PL-15 tầm bắn 150 - 200 km.

Chim Ưng F-16 già nua

F-16 block 20 đã có thời gian sử dụng gần 20 năm. Ảnh: Defence News
F-16 block 20 đã có thời gian sử dụng gần 20 năm. Ảnh: Defence News

Trong khi đó chiến đấu cơ hiện đại nhất của Đài Loan là F-16 Fighting Falcon, họ đặt hàng 150 chiếc F-16 block 20 vào năm 1992, giao hàng trong khoảng thời gian 1997 - 2001, chiếc "già" nhất có tuổi đời phục vụ đã gần 20 năm.

F-16 Block 20 được trang bị radar AN/APG-66 có khả năng dẫn hướng cho tên lửa AIM-7 Sparrow và AIM-120C. Hệ thống tác chiến điện tử do Raytheon cung cấp và động cơ F-100-PW-220 là của Pratt & Whitney.

Trong năm 2011, Đài Loan dự định mua thêm 60 tiêm kích F-16 block 60 nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc.

Sau đó, Đài Loan và Mỹ tập trung vào việc nâng cấp phi đội F-16 hiện có. Hầu hết các cải tiến sẽ được thực hiện theo kiểu “dưới mui xe”, bao gồm nâng cấp về cảm biến, hệ thống điều hướng và vũ khí.

Các máy bay sẽ được lắp đặt radar AN/APG-83, đây là hệ thống radar mới với phần cứng và phần mềm có nguồn gốc từ F-22 và F-35. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng đang xem xét trang bị cảm biến nhắm mục tiêu gắn ngoài SNIPER.

Ngoài ra, Đài Loan cũng sẽ mua tên lửa không đối không tiên tiến nhất của Mỹ là AIM-9X. Trong cấu hình tiêm kích đánh chặn, F-16 của Đài Loan có thể mang 4 tên lửa AIM-9X và 2 tên lửa AIM-120.

J-20 nắm ưu thế không chiến tầm xa


Tính năng tàng hình là một lợi thế rất lớn cho J-20 khi đối đầu với F-16. Ảnh: Popsci

Tính năng tàng hình là một lợi thế rất lớn cho J-20 khi đối đầu với F-16. Ảnh: Popsci

Nếu có cuộc đấu tay đôi giữa F-16 và J-20, chiến đấu cơ nào sẽ thắng? Xét ở không chiến ngoài tầm nhìn, J-20 có nhiều lợi thế hơn. Nếu các nhà thiết kế Trung Quốc đã thành công khi tạo ra sự kết hợp đáng gờm giữa tàng hình, radar và tên lửa tầm xa.

F-16 với radar mới có thể phát hiện J-20 ở khoảng cách nhất định, nhưng công bằng mà nói máy bay Đài Loan sẽ gặp bất lợi vì tên lửa AIM-120 có năng lực rất yếu trong môi trường nhiễu nặng.

Trong khi đó J-20 được trang bị tên lửa PL-15 cùng khả năng tàng hình. Về mặt lý thuyết, nó sẽ tấn công F-16 trước khi phi công Đài Loan phát hiện ra máy bay Trung Quốc.

Trong không chiến tầm gần, J-20 kém cơ động hơn. F-16 có tính linh hoạt cao, kết hợp với tên lửa AIM-9X có thể tiêu diệt J-20. Tuy nhiên việc phát hiện J-20 trước vẫn là một trở ngại cần vượt qua.

Đài Loan cần phải khai thác lợi thế địa hình nhiều đồi núi của hòn đảo này để che giấu máy bay khỏi tầm trinh sát của radar trên J-20.

Nếu triển khai radar tần số thấp trên mặt đất hoặc dựa vào máy bay cảnh báo sớm E-2T Hawkeye với radar băng tần UHF, họ sẽ phát hiện được J-20 từ xa. Khi đó, Đài Loan có thể sử dụng F-16 với chiến thuật phục kích để có cơ hội trước máy bay đại lục trong không chiến tầm gần.

Những nhận định trên đây dù sao cũng chỉ là lý thuyết, mọi việc sẽ phải được quyết định trong thực tế chiến trường nếu xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại