Trung Quốc đối mặt với mối đe dọa
Thời báo Hoàn Cầu dẫn một bài viết trên trang mạng Stratfor (Mỹ) cho hay, trong các cuộc xung đột có thể xảy ra, Hải quân Trung Quốc (PLAN) phải đồng thời đối mặt với mối đe dọa tàu ngầm đến từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc…
Vì vậy, nước này đang đầu tư mạnh để tăng cường khả năng tác chiến chống ngầm, bù đắp cho những thiếu sót của hải quân.
Tuy những nỗ lực này giúp khả năng tác chiến chống ngầm của Trung Quốc nâng cao nhanh chóng nhưng khả năng tác chiến chống ngầm hiện có của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách lớn so với lực lượng tác chiến tàu ngầm của Mỹ và Nhật Bản.
Khoảng cách này đủ để tạo ra thách thức với chiến lược của PLAN trong nhiều năm tới.
Theo bài viết, mục tiêu của Trung Quốc là trở thành “cường quốc khu vực và bảo vệ Trung Quốc đại lục” nên nước này cần xây dựng một chiến lược trên biển Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực 2 chuỗi đảo.
Trong đó, Trung Quốc cần phải thiết lập khả năng tác chiến chống ngầm mạnh để ngăn chặn tàu ngầm đối phương từ ngoài chuỗi đảo thứ nhất.
Một khi tàu ngầm đối phương vào chuỗi đảo thứ nhất, tầm tấn công của nó có thể bao phủ nhiều mục tiêu trên đất liên và trên biển của Trung Quốc.
Khả năng săn ngầm còn hạn chế
Bài viết nhận định, hiện nay PLAN chưa có thiết bị, cũng như kiến thức chuyên môn cần thiết để đối phó hiệu quả với mối đe dọa từ tàu ngầm.
Chẳng hạn, gần đây PLAN khi thực hiện nhiệm vụ chống ngầm vẫn chỉ có thể dựa vào tàu săn ngầm Type 037.
Tàu này chỉ có thể đối phó với tàu ngầm ở khu vực nước nông hoặc tàu ngầm hoạt động tại khu vực ven biển. Khi gặp phải tàu ngầm hạt nhân lặn sâu và di chuyển nhanh, Type 037 dường như không thể phát huy được gì.
Không thể săn tàu ngầm hiệu quả, Trung Quốc không thể tạo thành thách thức đối với tàu ngầm hạt nhân hiện đại của Mỹ.
Mãi đến năm 2014, Trung Quốc mới bắt đầu có được tàu tuần tra hiện đại hơn như tàu hộ vệ Type 056.
Hình ảnh phiên bản chống ngầm của Type 056 với cửa lớn để lắp đặt thiết bị thủy âm kéo dây ở phía đuôi tàu.
Tuy Trung Quốc bắt đầu phát triển ngư lôi chống ngầm từ những năm 1980 nhưng PLAN lại không có tàu chống ngầm chuyên dụng mang vũ khí này.
Trong khi đó, trực thăng chống ngầm của Trung Quốc, chủ yếu là Z-9C và Ka-28, có số lượng không đáng kể. Tình trạng thiếu trực thăng chống ngầm đã buộc PLAN phải luôn phiên triển khai trên các tàu chiến khác nhau.
PLAN chưa có thiết bị chống ngầm hiện đại mà vẫn dựa vào các vũ khí trang bị cũ như thủy lôi để thực hiện nhiệm vụ chống ngầm.
Trung Quốc thậm chí từng có kế hoạch triển khai thủy lôi dọc tuyến hàng hải và gần cảng đối phương để gây trở ngại cho hoạt động của tàu chiến mặt nước và tàu ngầm đối phương nhưng chiến thuật này cho đến này vẫn chưa thực hiện.
Trực thăng chống ngầm Z-9C.
Đầu thế kỷ 21, khả năng chống ngầm của Trung Quốc bắt đầu được nâng cao.
Tàu chiến mặt nước đa nhiệm của PLAN trang bị nhiều sonar và ngư lôi chống ngầm, ngoài ra còn tăng cường trực thăng.
Dù vậy, trước khi trang bị tàu khu trục Type 052C vào năm 2005, tàu chiến của PLAN vẫn không được trang bị hệ thống sonar kéo.
Hơn nữa, Trung Quốc vẫn còn thiếu máy bay tuần tra chống ngầm chuyên dụng.
Hiện nay, do PLAN tăng cường hoạt động tại Biển Đông và Hoa Đông, nhu cầu về tác chiến chống ngầm của nước này càng được tăng cường.
Có điều, do vẫn còn thiếu tàu ngầm, máy bay tuần tra, trực thăng và trang thiết bị khác nên khả năng tác chiến chống ngầm của PLAN không thể bao phủ tất cả khu vực.
Ngay cả là khu vực nằm trong phạm vi bao phủ thì khả năng tác chiến chống ngầm của PLAN cũng không đủ mạnh và hiện đại.
Tuy khả năng chống ngầm của PLAN đủ để đối phó với các nước và vùng lãnh thổ tương đối yếu như Đài Loan nhưng nước này vẫn thiếu khả năng tác chiến tại khu vực biển nước sâu và vùng biển quốc tế.
Điều này đồng nghĩa với việc PLAN không có khả năng đối phó với tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, thậm chí là các tàu ngầm diesel như của Nhật Bản.
Chống ngầm trở thành ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc
Tàu ngầm Mỹ không phải là mối đe dọa duy nhất đối với an ninh Trung Quốc.
Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia đều phát triển hoặc trang bị lượng lớn tàu ngầm diesel hiện đại, trong đó bao gồm tàu ngầm trang bị hệ thống AIP. Tàu ngầm này có thể lặn với thời gian dài dưới nước.
Điều này khiến Trung Quốc phải đồng thời đối mặt với nhiều mối đe dọa tàu ngầm.
Bài viết nhận định, nâng cao khả năng tác chiến chống ngầm đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.
Ngoài xung đột tiềm tàng có thể xảy ra ở Tây Thái Bình Dương thì trong vấn đề duy trì khả năng răn đe hạt nhân, khả năng tác chiến chống ngầm đối với Trung Quốc cũng rất quan trọng.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Mỹ có thể định vị và ngăn chặn tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Nga và Trung Quốc.
Để đảm bảo lực lượng hạt nhân trên biển trong “bộ 3 hạt nhân” còn nguyên vẹn, Trung Quốc cần duy trì tăng cường khả năng tác chiến chống ngầm tại cảng, dọc tuyến hàng hải và khu vực tác chiến.
Nước này gần đây đã trang bị máy bay tuần tra chống ngầm Cao Tân 6 cho Hạm đội Bắc Hải. Loại máy bay này trang bị radar tìm kiếm, cùng với thiết bị chống ngầm và vũ khí khác.
Trung Quốc đã trang bị máy bay chống ngầm GX-6 cho Hạm đội Bắc Hải. Trong tương lai, các máy bay này cũng có thể được trang bị cho Hạm đội Đông Hải và Nam Hải.
Theo báo cáo, máy bay Cao Tân 6 (GX-6) có thể ngang với máy bay tuần tra chống ngầm P-3C do Mỹ chế tạo.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn đang tăng cường đóng tàu hộ vệ chống ngầm và trang bị thiết bị tìm hiện đại, chẳng hạn thiết bị định vị thủy âm kéo chủ/bị động.
Trung Quốc cũng đang tiến hành mở rộng khảo sát và lập bản đồ đối với các khu vực biển và đang thiết lập một mạng lưới thiết bị cảm biến dưới nước để săn tìm tàu ngầm hoạt động tại Biển Đông và Hoa Đông.
Bên cạnh đó, hải quân nước này còn đang thử nghiệm thiết bị lặn không người lái trang bị ứng dụng tác chiến chống ngầm.