Thông tấn xã Hồng Kông ngày 20/11 đăng bài bình luận, chuyến công du Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi tái đắc cứ "không thể động đến chân tường của Trung Quốc" bởi Thái Lan, Myanmar và Campuchia có vẻ như đã trở thành 3 "đồng minh chuẩn" của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm chính thức Myanmar
Chuyến thăm của ông Obama kéo dài từ ngày 17/11 đến ngày 20/11 tới 3 nước Thái Lan, Myanma và Campuchia trong bối cảnh đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính trong nước đang đẩy Mỹ đến bờ vực, đây có thể nói là một động thái hiếm gặp, Thông tấn xã Hồng Kông bình luận.
Trong 3 quốc gia ông chủ Nhà Trắng ghé thăm, theo lẽ thường thì Campuchia và Thái Lan không có gì đáng chú ý, bởi lẽ ông Obama đi dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Phnom Penh thì nhân cơ hội thăm Campuchia và "tiện đường" rẽ qua Thái Lan.
Chuyến thăm mà giới phân tích Hồng Kông chú ý nhất là việc vị Tổng thống Hoa Kỳ này đặt chân lên đất Myanmar nhằm cổ vũ cho quốc gia này. Vài năm trở lại đây, nền chính trị Myanma có nhiều cải tổ mang tính lịch sử sau nhiều năm bị cấm vận Mỹ và phương tây. Lần đầu tiên sau 46 năm Tổng thống Myanma đã đến thăm Mỹ vào tháng 9 vừa qua.
Người dân Myanmar chen nhau đón chào Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ tới thăm đất nước của họ
Nhưng tất cả những động thái này, theo CNA Hồng Kông, nó chỉ là bề nổi. Ẩn ý sâu xa trong chuyến công du của ông Obama tới Myanma là nhằm "lôi kéo các đồng minh của Trung Quốc tại Đông Nam Á" và làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.
Cũng CNA bình luận rằng, cả thế giới đều biết Campuchia, Thái Lan và Myanma là 3 quốc gia Đông Nam Á có "quan hệ không bình thường" với Trung Quốc, mà là 3 đồng minh thân thiết của Bắc Kinh khác hẳn với 7 thành viên còn lại của khối ASEAN.
Thông tấn xã Hồng Kông nhận định, trong số đó Campuchia là "đồng minh trên cạn" có quan hệ mật thiết nhất với Trung Quốc, mức độ tin cậy lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Phnom Penh rất cao, trong khi quan hệ của một số "quốc gia ven Biển Đông" với Trung Quốc lại khá phức tạp và đang tồn tại tranh chấp, mâu thuẫn.
Ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc tới Campuchia dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á được Thủ tướng nước chủ nhà đón tiếp nồng nhiệt
Chính bởi lẽ đó, Campuchia trở thành đồng minh đắc lực của Trung Quốc ngăn chặn mọi nỗ lực của các quốc gia ven Biển Đông đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra diễn đàn khu vực ASEAN và ASEAN mở rộng.
Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là việc một Hội nghị Ngoại trưởng của ASEAN không ra được tuyên bố chung lần đầu tiên hồi tháng 7 vừa qua sau 45 năm tồn tại của tổ chức này.
Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là việc một Hội nghị Ngoại trưởng của ASEAN không ra được tuyên bố chung lần đầu tiên hồi tháng 7 vừa qua sau 45 năm tồn tại của tổ chức này.
Sự phối hợp giữa Phnom Penh với Bắc Kinh ở những thời điểm quan trọng đã "phát huy hiệu quả", Thái Lan và Myanmar, 2 thành viên còn lại của ASEAN đối với Trung Quốc cũng sẽ như vậy.
3 quốc gia này đối với chiến lược quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực. Chuyến thăm của ông Obama theo CNA Hồng Kông, rõ ràng mang một thông điệp "lôi kéo" 3 nước này về phía Mỹ nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, Thông tấn xã Hồng Kông khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột, dù Mỹ có cố gắng đến đâu cũng không thể lay động 3 đồng minh "ASEAN trên cạn" của Bắc Kinh.