CIA học phát xít Đức đầu độc điệp viên Liên Xô như thế nào?

Suốt nhiều năm liền sau Thế chiến II, tại một khu vực tối tăm và bí mật, CIA và các điệp viên Mỹ đã thử nghiệm LSD và các kỹ thuật thẩm vấn khác lên những điệp viên Liên Xô bị bắt.

Khoảng từ năm 1948-1953, các nhà khoa học từng làm việc cho phát xít Đức và các điều tra viên của cơ quan tình báo Mỹ (CIA) đã bắt đầu sử dụng một loại axit đặc biệt, và coi đó là công nghệ tiên tiến sử dụng trong thẩm vấn.

Loại chất độc này có tên Lysergic acid diethylamide (LSD).

Theo cuốn sách mới xuất bản của nhà báo Annie Jacobsen có tựa đề ‘Operation Paperclip’, đó là một khoảng thời gian kỳ lạ trong lịch sử thế giới, khi mà những người từng đứng trong hàng ngũ phát xít lại trở thành các nhà khoa học của Mỹ. CIA đã nhầm tưởng rằng Liên Xô có thể đầu độc hàng triệu người dân Mỹ bằng loại chất độc trên thông qua hệ thống nước của Mỹ, và các điệp viên giỏi giang nhất của Mỹ đã tìm cách biến loại thuốc độc này thành vũ khí bằng cách đầu độc 'đồng minh' cũ.

Suốt nhiều năm liền sau Thế chiến II, tại một khu vực tối tăm và bí mật, CIA và các điệp viên Mỹ đã thử nghiệm LSD và các kỹ thuật thẩm vấn khác lên những điệp viên Liên Xô bị bắt – tất cả những việc này đều có sự trợ giúp của các bác sĩ từng làm việc cho phát xít Đức.

Đó là vào khoảng năm 1946 và Thế chiến II đã kết thúc từ hơn một năm trước. Những biên bản ghi nhớ Tối Mật được truyền tay nhau trong giới lãnh đạo của Lầu Năm Góc, Bộ Tổng tham mưu Liên quân đang chuẩn bị cho một ‘cuộc chiến tổng lực’ với Liên Xô – trong đó bao gồm cả hình thái chiến tranh hạt nhân, hóa học và sinh học. Họ thậm chí còn đặt ra thời điểm bắt đầu cuộc chiến này là vào năm 1952.

Bộ Tổng tham mưu tin rằng Mỹ có thể giành phần thắng trong cuộc chiến tương lai này, nhưng không phải vì một lý do mà nhiều người vẫn hằng nghĩ. Kể từ khi cuộc chiến chấm dứt, trên khắp bãi đổ nát của Đế chế thứ Ba, các quân đội Mỹ đã bắt giữ và sau đó thuê lại những nhà chế tạo vũ khí của Hitler trong một chương trình Tối Mật sau đó được biết với tên gọi ‘Operation Paperclip’.

Sau đó, hơn 1.600 người đàn ông cùng với gia đình của họ đã được sống với ‘giấc mơ Mỹ’, ngay tại nước Mỹ. Từ những nhà khoa học của Phát xít Đức, các tổ chức quân sự và tình báo của Mỹ đã chọn lọc ra những loại vũ khí nguy hiểm nhất của Hitler, trong đó có khí độc thần kinh sarin và 'vũ khí' dịch hạch.

Khi Chiến tranh Lạnh leo thang, chương trình này được mở rộng và sau đó bất ngờ dừng lại. Năm 1948, Thiếu tướng Charles E. Loucks - Giám đốc kế hoạch Chiến tranh Hóa học của Mỹ tại châu Âu - đã làm việc với các nhà hóa học cũ của Hitler khi một trong số họ là người từng đạt giải Nobel Richard Kuhn chia sẻ với Tướng Loucks thông tin về một loại thuốc có khả năng được sử dụng trong quân sự. Khi đó, các nhà hóa học Thụy Sĩ cũng đang phát triển loại thuốc này.

Loại thuốc này là ma túy gây ảo giác, có các đặc tính đáng kinh ngạc nếu như được phát triển thành công thành vũ khí. Theo tài liệu mới đây được tìm thấy tại Trung tâm Di sản Quân đội Mỹ ở Pennsylvania, Loucks nhanh chóng mê muội thứ độc dược này với ý nghĩ rằng hóa chất này có thể được sử dụng trên chiến trường để ‘vô hiệu hóa, chứ không phải để sát thương’.

Chẳng mấy chốc, CIA quan tâm tới ý tưởng này và bắt tay tiến hành. LSD cũng có thể được sử dụng cho các mục tiêu ở ngoài chiến trường, một công cụ mà thông qua đó, hành động của con người có thể bị chi phối và điều khiển. Trong một phần của Operation Paperclip, CIA lập nhóm với tình báo quân đội, không quân và hải quân Mỹ để chạy một trong những chương trình thẩm vấn tàn bạo nhất, tối mật nhất trong Chiến tranh Lạnh.

Công việc này diễn ra tại một cơ sở bí mật ở khu vực mà Mỹ chiếm đóng tại Đức, còn gọi là Trại Vua. Tiến sĩ hàng đầu về hóa học của cơ sở này chính là Walter Schreiber, từng là người đứng đầu trong quân y của Đế chế thứ Ba. Khi Schreiber được bí mật đưa sang Mỹ để làm việc cho căn cứ Không quân Mỹ tại bang Texas, vị trí của ông do một bác sĩ khác từng làm cho Hitler là Kurt Blome kế nhiệm. Blome từng phụ trách chương trình đưa bệnh dịch hạch trở thành vũ khí của phát xít Đức. Các hoạt động này diễn ra ngay tại Trại Vua trong khoảng từ năm 1946 cho tới cuối những năm 1950, và chưa từng được Bộ Quốc phòng Mỹ hay CIA báo cáo đầy đủ.

Trại Vua được bố trí chiến lược ở làng Oberursel (Frankfurt), cách Bộ tư lệnh Mỹ tại châu Âu (EUCOM) 11 dặm về phía tây bắc. Cơ sở này có ba tên gọi chính thức: Trung tâm Tình báo Quân sự Mỹ tại Oberursel; Trung tâm Tình báo Chỉ huy châu Âu số 7707; và Trại Vua.

Năm 1945, nơi này giam giữ phát xít Đức, nhưng tới năm 1948, phần lớn các tù nhân tại đây đều là điệp viên Liên Xô. Trong hơn một thập kỷ, Trại Vua đóng vai trò như một khu vực bí mật của Chiến tranh Lạnh. Đây được coi là một cơ sở lý tưởng để phát triển các kỹ năng thẩm vấn đặc biệt, một phần bởi vì đây là những khu vực ‘biệt lập’, nhưng chủ yếu là vì đây là nơi tiếp cận các tù binh Liên Xô.

Cuộc khủng hoảng quốc tế tháng 6/1948 đã tạo đà cho chương trình Operation Paperclip tại Trại Vua. Sáng sớm ngày 24/6, Liên Xô cắt đứt mọi đường tiếp cận và đường sắt tới khu vực Mỹ ở Berlin. Hành động này còn được gọi là sự kiện Phong tỏa Berlin.

“Sự kiện Phong tỏa Berlin năm 1948 rõ ràng cho thấy rằng mối quan hệ đồng minh thời chiến [giữa Liên Xô và Mỹ] đã tan rã” – Phó Giám đốc tác chiến CIA Jack Downing giải thích. “Sau đó, Đức đã trở thành một chiến trường mới giữa Đông và Tây”.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại