Khó khăn lắm tôi mới tìm gặp được những nhân chứng còn lại, như các mẹ Đinh Thị Đặng, Nguyễn Thị Hợp…
Gặp các mẹ, nhắc đến những chiến công xưa, nét mặt các mẹ ai nấy đều rạng ngời. Qua lời kể, một quá khứ gian khổ nhưng oanh liệt dần hiện về.
Sau những thất bại nặng nề trên chiến trường Đường 9-Khe Sanh, đế quốc Mỹ tập trung không quân, hải quân đánh phá ác liệt địa bàn Quảng Bình (hậu phương trực tiếp của miền Nam).
Để đối phó với âm mưu thủ đoạn mới của kẻ thù, bảo vệ các công trình giao thông quan trọng, như đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 12A và kho tàng trên địa bàn, năm 1967, Đảng ủy, UBND xã Lê Hóa thành lập Phân đội trực chiến súng máy phòng không 12,7mm.
Phân đội gồm 10 nữ dân quân, do đồng chí Phạm Thị Bích Thìn chỉ huy; các xạ thủ: Hoành, Hợp, Hồng, Duyệt, Cúc, Tạo, Tâm, Châu, Đặng. Địa phương còn bố trí hai đồng chí dân quân nam là Cao Đình Lự và Trần Thế Đạm giúp đỡ chị em một số việc trong quá trình hoạt động và tác chiến.
Các xạ thủ Nguyễn Thị Hợp và Đinh Thị Đặng trong ngày gặp lại.
Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh, tuổi tác khác nhau, song các chị đều xung phong tham gia lực lượng dân quân, mong được đối mặt và “hạ gục” máy bay Mỹ, chiến đấu lập công, thi đua với các chiến sĩ ngoài mặt trận.
Sau 2 tháng được Ban CHQS huyện trực tiếp huấn luyện, cuối năm 1967, phân đội bước vào trực chiến với hai khẩu đội được bố trí tại Cồn Đinh trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn đi qua địa bàn thôn Đồng Lê, xã Lê Hóa.
Hằng ngày, các chị có mặt tại trận địa từ rất sớm, người củng cố lại hầm hào công sự, thay lá ngụy trang mới, người kiểm tra tình trạng kỹ thuật của súng đạn, cắt cử người quan sát…
Ngày 18-5-1968, khoảng 8 giờ 30 phút, các nữ dân quân phát hiện có máy bay địch từ hướng Tây di chuyển vào địa bàn, bắt đầu lùng sục tìm mục tiêu đánh phá. Đến đầu xã Lê Hóa, một tốp 3 chiếc F4H lượn vòng, rồi chiếc đi đầu bất ngờ bổ nhào cắt bom.
Do trận địa được bố trí khéo léo và ngụy trang kỹ, nên địch không phát hiện ra.
Không chỉ vậy, “lũ giặc trời” còn không ngờ được rằng, mọi hành động của chúng đều nằm trong tầm ngắm của các nữ pháo thủ.
Khi chiếc thứ hai tiếp tục bổ nhào trút bom, cũng là lúc lá cờ hiệu màu đỏ trong tay Phân đội trưởng Phạm Thị Bích Thìn phất lên phía trước, cùng khẩu lệnh đanh gọn, dứt khoát: “Bắn!”.
Hai khẩu đội đồng loạt nhả đạn, cả trận địa rền vang tiếng súng, đất cát bay mù mịt.
Từng loạt đạn 12,7mm đỏ lừ phóng thẳng lên không trung, chụp lấy “thần sấm”, một chiếc F4H bốc khói, chao đảo rồi lao xuống khu vực xóm Chuối (xã Thanh Hóa) cách trận địa gần 30km.
Hai chiếc còn lại khiếp đảm lao vút lên cao rồi biến mất. Không kịp lau mồ hôi, đất cát lấm lem mặt mũi, các chị ôm chầm lấy nhau vui mừng khôn xiết, đó cũng chính là món quà ý nghĩa mà các chị dâng lên ngày sinh lần thứ 78 của Bác Hồ.
Ngày 24-10-1968, cũng tại chính trận địa súng máy của đội, các chị lại tiếp tục bắn rơi một chiếc F4H của Mỹ.
Như vậy chỉ trong vòng 5 tháng, Phân đội nữ dân quân xã Lê Hóa đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ, khẳng định khả năng tiếp cận nhanh chóng khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí trang bị; thể hiện quyết tâm biết đánh, biết thắng và ý chí kiên cường, quả cảm của chị em dân quân.
Sau những thắng lợi đó, Phân đội nữ dân quân trực chiến 12,7mm được duy trì đến tháng 2-1973, thì giải thể, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
Về thôn Đồng Lê, xã Lê Hóa hôm nay, chúng tôi tìm gặp ông Hồ Đình Lự, nguyên xã đội phó được giao phụ trách Phân đội nữ dân quân trực chiến 12,7mm năm xưa.
Ông Lự nay đã 79 tuổi, bị bệnh thấp khớp nên đi lại hết sức khó khăn, nhưng trí nhớ của ông thì vẫn rất minh mẫn.
Ông mang kỷ vật còn lại cho chúng tôi xem, đó là một tấm giấy các-tông lót trong hòm đạn 12,7mm được ông dùng ghi lại tên tuổi, quê quán của các nữ dân quân tham gia trực chiến thời điểm đó.
Tuy đã úa màu, nhưng nét chữ vẫn còn rõ nét. Cầm kỷ vật trên tay, giọng ông run run: “Hơn nửa chị em trong số này đã đi xa; số còn lại nhiều người cuộc sống đa phần còn khó khăn…”.
Theo hướng dẫn của ông, chúng tôi tìm đến gia đình của những chiến sĩ nữ dân quân anh dũng năm xưa còn lại, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều chung với cái nghèo khó của người dân nơi miền sơn cước.
Tất cả các chị nay đã thành các mẹ, tuổi ngoài 70, già yếu, đi lại khó khăn, sống phụ thuộc vào con cháu…
Tuy vậy, các mẹ đều sống gương mẫu với con cháu và bà con xóm giềng; đều chung một ước nguyện là mong sao được tổ chức họp mặt một lần rồi về nơi chín suối cũng thỏa nguyện.
Chia tay các mẹ, chúng tôi nghĩ, năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công mà Phân đội nữ dân quân 12,7mm xã Lê Hóa năm xưa vẫn mãi sáng ngời trong trang sử chống Mỹ, cứu nước vẻ vang của quân, dân Quảng Bình và của cả dân tộc.