Chàng phi công và một một cô nông trang viên yêu nhau, nhưng vì không gặp được nên họ đã có những pha tỏ tình “cực sốc”: Nàng gặt lúa mì thành dòng chữ “Ivan, em yêu anh!” trên cánh đồng vàng bát ngát. Chàng bay qua, đọc được dòng chữ đó cảm động quá liền dùng máy bay viết lên trời xanh một dòng khói trắng “Tanhia, anh cũng rất yêu em!”…
Tôi đem truyện cái truyện ngắn Nga mà tôi đọc từ bé ra hỏi các phi công của Trung đoàn 935 xem họ cảm nhận thế nào. Và những câu trả lời của các phi công là: “Phịa!”. “Phi công nói chung là lãng mạn, nhưng không lãng mạn kiểu… vô kỉ luật như thế”. “Dám khẳng định, mỗi phi công chúng tôi đều có một mối tình lãng mạn…”
Và đây là một mối tình trong hàng ngàn mối tình của phi công tiêm kích Việt Nam.
Mối tình “chắp cánh chim bằng”
Chàng là Trần Mạnh Cường, cũng như những phi công trẻ hào hoa khác, chàng luôn được các cô gái đẹp ngưỡng mộ, bao vây. Nhưng rồi trong một buổi tập vào tháng 4 năm 1994, chiếc Mig-21 của chàng gặp nạn. Chàng vào viện với một chân gãy nặng cùng vô số vết thương. Các bác sĩ dự báo, cố gắng lắm chỉ có thể hồi phục được 50% sức khỏe.
Nàng là Nguyễn Thị Kim Dung, cán bộ Thành đoàn Tp Hồ Chí Minh trẻ trung, năng động, không ít chàng trai theo đuổi. Nàng đã thề không bao giờ yêu và lấy bộ đội. Lời thề này xuất phát từ chuyện bố nàng là Thượng tá Nguyễn Văn Dụ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kĩ thuật Hải quân luôn luôn vắng nhà, kể cả những đêm giao thừa ông cũng vuốt tóc các con bảo “Bố phải vào đơn vị với anh em. Họ phải ăn Tết xa nhà, dễ buồn lắm!” khiến ba chị em nàng tủi thân phát khóc.
Thế nên khi đến thăm hỏi và động viên chàng trong bệnh viện quân đội nhân ngày 27-7, nàng xử sự đúng mực một… cán bộ Đoàn. Nghĩa là động viên với những câu chung chung kiểu anh hãy cố gắng ăn uống, điều trị cho mau hồi phục để tiếp tục trở về đơn vị công tác… Nhưng nàng đã giật mình khi chứng kiến nỗi buồn vời vợi trong mắt chàng - nỗi buồn của một phi công trẻ không còn cơ hội được bay.
Một cái gì đó thôi thúc đòi hỏi nàng phải hành động. Bằng tâm hồn cổ tích và niềm tin lí tưởng, nàng đã quyết tâm “phải giữ một khối vàng ròng cho đất nước”.
Nàng tình nguyện trở thành một cây nạng sống vững chãi, một bạn học cần cù và một… thầy vật lí trị liệu cho riêng chàng. Và thật diệu kì, sau hai năm, chàng không những hồi phục 100% sức khỏe mà còn kịp học và thi xong bằng Tin học văn phòng và bằng C tiếng Anh.
Ngày chàng chính thức được bay trở lại, nàng hãnh diện nghĩ, thế là mình đã làm tròn trách nhiệm của… một cán bộ Đoàn. Nhưng “cánh chim bằng” được chữa lành vết thương khi trở lại trời xanh đã kịp "quắp" nàng tiên nhỏ bay theo.
Năm 1996 họ làm đám cưới. Lời thề không yêu, không lấy bộ đội bay vèo theo gió. Không những thế, hai cô em của nàng cũng theo gương chị lấy chồng bộ đội. Một cô lấy sĩ quan hải quân Tân Cảng, Sài Gòn; một cô lấy sĩ quan Trường Kĩ thuật Quân sự Vihempic. “Thế là bố mình có ba con rể đủ ba lực lượng Hải – Lục – Không quân”, chị Nguyễn Thị Kim Dung, cô cán bộ Đoàn trong câu chuyện này giờ là cán bộ Phụ trách phòng Hành chính – Nhân sự Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp Hồ Chí Minh không giấu nổi vẻ tự hào khi kể về gia đình mình.
Còn Trần Mạnh Cường hiện đã là phi công cấp 1 với quân hàm Thượng tá, Phi đội trưởng Phi đội 2 Trung đoàn 935 thì khẳng định chắc nịch: “Khi biết mình khó có thể được bay nữa mà người ta vẫn yêu… Điều đó làm mình rung động”.
Vợ phi công, những người luôn “nội vụ gọn gàng, sẵn sàng di chuyển”
Những chiếc tiêm kích đã lắp sẵn vũ khí. Những phi công mặc sẵn đồ bay ngay cả khi… ăn và khi ngủ, đó là hình ảnh tôi thấy ở biên đội trực chiến Trung đoàn 935. “Ở biên đội này, cả máy bay và phi công đều ở trên… bệ phóng để bất cứ lúc nào có lệnh là vút lên trời chiến đấu ngay”, Thiếu tá Trần Vương Thành, Trợ lí Bảo vệ Trung đoàn, người đưa tôi đi thâm nhập nói.
“Trực gắt thế này thì thăm vợ con vào lúc nào?”, tôi hỏi Đại úy phi công Vũ Toàn Thắng. Anh cười: “Vợ con em ở xa lắm…”
Hóa ra Thắng yêu từ ngày khi còn là học viên, cưới khi vừa tốt nghiệp và công tác tại một trung đoàn không quân ở thành phố Nha Trang. Thắng mới được điều về Trung đoàn 935 và chưa chuyển gia đình theo được. Một tháng Thắng mới về thăm gia đình được một lần. Phi công tiêm kích được ví là những người có phép “cân đẩu vân”, một cái “lắc mình” có thể cưỡi mây bay trăm dặm, nhưng mỗi khi về thăm nhà, Thắng phải nằm tàu hỏa gần mất một ngày.
Cũng mới cưới, nhưng phi công trẻ Nguyễn Văn Thướng có vợ làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau một tuần “cưỡi Su vi vu cùng mây gió”, Thướng lại “ngự” trên những chiếc xe bus chạy rì rì về thăm vợ.
Thiếu tá Trần Vương Thành cho biết, đặc thù của nghề phi công tiêm kích là mỗi giai đoạn họ phải gắn với một sân bay. Khi chuyển lái loại máy bay khác, đồng nghĩa với việc họ phải chuyển đơn vị. Và những người vợ phi công cũng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng… cơ động. Đây là việc không hề đơn giản bởi liên quan đến nhà cửa, công ăn việc làm, học hành của con cái… Nhưng dù gì thì đơn vị cũng cố gắng tạo điều kiện để phi công hợp lí hóa gia đình.
Gần mà xa…
Chị Kim Liên, vợ phi công Trần Trọng Tuyến tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1, đang đi dạy ở một trường tại quê nhà Chương Mỹ, Hà Tây thì anh có quyết định điều về Trung đoàn 935 vào những năm 90 thế kỉ trước, thời đất nước gian lao nhất. Vào Nam, ở nhờ trong một khu tập thể, chưa xin được việc, chị phải nghỉ đủ cách để cải thiện đời sống gia đình. Nghĩ chồng mình đường đường là một phi công hào hoa, chị không muốn anh bận tâm vào những việc vụn vặt. Chị âm thầm gom từng viên gạch vỡ giấu vào bao tải chở về xây… chuồng heo. Một lần chiếc xe đạp chở gạch đã đổ kềnh đúng lúc bà “Pilot phu nhân” đang mang bầu những tháng cuối đứa con thứ nhất. May mà đứa bé không bị làm sao.
Thương vợ vất vả, mỗi khi được về nhà là Trần Trọng Tuyến cởi áo quần nhảy vào tắm cho… heo. “Có chú chiến sĩ trẻ ra chơi thấy thế thì thốt lên: Cả trung đoàn phải chăm lo cho mấy ông phi công. Rồi phi công lại đi chăm heo. Heo nhà chị Liên quá sướng!”, chị Liên ôn lại “thời xa vắng” bằng một giọng tươi vui.
Rồi đất nước vượt qua thời gian khó, các phi công được cấp đất làm nhà. Vợ phi công được địa phương ưu tiên nhận vào làm việc đúng chuyên môn. Ở Trung đoàn 935 hiện nay số phi công có nhà riêng cạnh sân bay khá nhiều. Nhà gần đấy, nhưng mà… xa đấy! Bởi một tuần họ mới được về nhà một ngày, 6 ngày còn lại phải ở tại đơn vị để… bảo đảm sức khỏe.
Em đừng ghen khi anh tha thiết với khoảng trời/ Đừng giận dỗi khi anh ở bên em còn ít hơn cùng mây gió… Đây là những câu thơ “nịnh vợ” của phi công Trần Trọng Tuyến.
“Tôi và anh ấy chưa bao giờ dám giận nhau lâu. Vì giận thì… mất thời gian, mà anh ấy thì ảnh hưởng tâm lí, khi bay rất nguy hiểm!”, chị Liên tâm sự.
So với các ngành nghề khác trong quân đội, phi công tiêm kích được xếp “nhỉnh hơn” về hệ số lương, trần quân hàm… Nhưng có một câu chuyện mà nghe xong tôi không khỏi chạnh lòng: Qua những cuộc sát hạch, có những phi công vì bay kém nên phải chuyển sang lái máy bay cánh bằng hoặc trực thăng đã “khóc hu hu”; nhưng bây giờ chính những người ấy lại “cười hi hi” vì đang lái cho các hãng hàng không dân dụng, các tập đoàn dầu khí với mức lương khủng 150-200 triệu đồng/tháng, gấp hàng chục lần lương những phi công quân sự giỏi nhất!
Tôi đã đặt một câu hỏi cho các phi công Trung đoàn 935 “Nếu bây giờ được làm lại, các anh sẽ chọn lái loại máy bay nào?” Và những câu trả lời là: Tiền cũng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng đẳng cấp. Một ca sĩ thị trường không thể so với nghệ sĩ hát opera… Ấn tượng nhất là câu của Thượng tá Nguyễn Xuân Tuyến, người lúc trúng tuyển phi công chỉ cao có 1m64, bị chuyển sang lái trực thăng nhưng đã quyết tâm tập xà đơn để cao thêm…1cm, đủ chuyển sang học lái máy bay phản lực: “Đã là phi công thì phải lái tiêm kích!”