Chuyện ít biết về máy bay ném bom duy nhất của Không quân VN

Dương Phạm (TH) |

(Soha.vn) - IL-28 "Beagle" là loại máy bay ném bom đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này của Không quân Việt Nam.

Ilyushin IL-28 là máy bay ném bom phản lực đầu tiên được sản xuất hàng loạt tại Liên bang Xô Viết vào năm 1949, nó cũng được chế tạo theo giấy phép tại Trung Quốc với ký hiệu Hong H-5. Tên hiệu của NATO của loại máy bay này là Beagle cho cả 3 phiên bản IL-28 ném bom, IL-28R trinh sát và IL-28T ném bom-phóng thuỷ lôi; phiên bản IL-28U dành cho huấn luyện có tên hiệu riêng là Mascot. Ước tính tổng số máy bay IL-28 được chế tạo tại Liên Xô và Trung Quốc vào khoảng 2.000 tới 6.000 chiếc. Trong thập niên 1990 sau hơn 40 năm phục vụ, hàng trăm chiếc IL-28 vẫn còn hoạt động trong không quân nhiều nước.

Thông số kỹ thuật:

Đội bay: 3 người

Chiều dài: 17,6 m

Sải cánh: 21,5 m

Chiều cao: 6,7 m

Diện tích cánh: 60,8 m2

Trọng lượng rỗng: 11.890 kg

Trọng lượng chất tải: 17.700 kg

Trọng lượng cất cánh: 21.200 kg

Tốc độ tối đa: 900 km/h

Tầm hoạt động: 2.180 km

Trần bay: 12.300 m

Tốc độ leo cao: 900 m/phút

Chất tải cánh: 291 kg/m2

Lực đẩy/trọng lượng: 1:3:2

Trang bị vũ khí: 4 pháo NR-23 (hai phía mũi và hai phía đuôi), 3.000 kg bom ở trong khoang

Quá trình hình thành lực lượng Không quân ném bom của Việt Nam:

Trong 3 ngày cuối tháng 6-1965, 8 chiếc máy bay ném bom tầm trung IL-28 do phi công nước bạn điều khiển lần lượt hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sau chuyến bay dài từ sân bay quân sự của Liên Xô và quá cảnh trên đất Trung Quốc. Đây chính là những chiếc máy bay ném bom đầu tiên trong biên chế Không quân nhân dân Việt Nam. Trong số máy bay này có 4 chiếc chiến đấu (2082, 2084, 2086, 2088), 3 chiếc trinh sát chụp ảnh (2182, 2186) và một chiếc huấn luyện (2180). Cùng hạ cánh xuống sân bay còn có chiếc máy bay vận tải cỡ lớn chở vật tư khí tài và các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô.

Đại tá Phạm Chu Hải, nguyên cán bộ kỹ thuật tiểu đoàn độc lập 929 cho biết: Đón và tiếp nhận máy bay là những cán bộ nhân viên kỹ thuật IL-28 (T-16), tốt nghiệp trường Không quân Krasnodar (Liên Xô) về nước từ cuối năm 1964. Đây là đoàn cán bộ kỹ thuật trên 100 người gửi sang đào tạo ở Liên Xô từ năm 1961. Về nước, do không có máy bay nên một số cán bộ được đi học chuyển loại kỹ thuật máy bay Mig-21, số khác chuyển sang công việc theo yêu cầu của tổ chức. Hôm làm nhiệm vụ, tổ kỹ thuật chỉ còn 14 người do đồng chí Bùi Minh Hứa phụ trách.

Trong 8 năm hình thành và tồn tại ngắn ngủi không quân ném bom T-16, đội ngũ cán bộ và nhân viên kỹ thuật luôn có những biến động. Từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1969 có đến 2/3 số cán bộ kỹ thuật tốt nghiệp ở Liên Xô, Trung Quốc và 1/3 số nhân viên sơ cấp kỹ thuật dời đơn vị đi chiến đấu ở các chiến trường B, C và pháo cao xạ.

Phi công và đội ngũ kỹ thuật viên của IL-28

Phi công và đội ngũ kỹ thuật viên của IL-28

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện, lực lượng không quân ném bom đã buộc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn phải tìm phương thức đối phó. Đầu năm 1966, 2 máy bay trinh sát vũ trang A-3J của Mỹ phát hiện được những chiếc IL-28 của đơn vị đỗ ở dọc xóm Tân An đến Gò Trai, đã lao vào phóng nhiều loạt bom bi quả dứa xuống khu vực máy bay đỗ làm chiếc 2084 hư hỏng nặng.

Những năm tiếp theo, máy bay không được bổ sung. Những chiếc còn lại do đã qua nhiều lần đại tu ở Liên Xô trước khi đưa sang Việt Nam nên thời hạn sử dụng không còn nhiều, thường phát sinh hỏng hóc. Khó khăn là vậy nhưng đội ngũ kỹ thuật T- 16 luôn phấn đấu vượt bậc bảo đảm máy bay luôn đạt hệ số kỹ thuật cao (90%) và luôn sẵn sàng nhận, hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Nhiều lần đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị máy bay đi chiến đấu ở các chiến trường B, C, cơ động đến nhiều sân bay, duy trì 4 chiếc máy bay tốt sẵn sàng cất cánh. Hàng trăm quả bom các loại, hàng ngàn viên đạn pháo được lắp lên máy bay sẵn sàng đợi lệnh. Song vì những lý do khách quan, máy bay ném bom không có dịp cất cánh chiến đấu.

Năm 1970 và 1971 là 2 năm khó khăn nhất đối với T-16. Lúc này đơn vị chỉ còn 2 chiếc máy bay tốt (2088 và 2184). Chiến trường lại rất cần sự chi viện hoả lực của không quân ném bom.

Tháng 7 năm 19 71, trên quyết định cho đơn vị cải tiến máy bay trinh sát chụp ảnh (2184) thành máy bay ném bom. Việc cải tiến không phải dễ vì phải thay đổi toàn bộ hệ thống máy ngắm ném bom, hệ thống lái tự động, radar PSB-NM, hệ thống máy tạo và phân xung điều khiển ném bom và phải làm mới hoàn toàn hệ thống cáp điện từ buồng lái, buồng dẫn đường đến buồng bom. Song với sự quyết tâm của toàn đơn vị, với trí thông minh sáng tạo của các cán bộ kỹ thuật, nhất là 2 thợ quân giới Hà Văn Như và Nguyễn Văn Ngọ, đơn vị đã hoàn thành công việc cải tiến kỹ thuật một cách xuất sắc: Thay toàn bộ hệ thống máy ngắm OPB-5S của máy bay trinh sát bằng máy ngắm ném bom OPB-6SR có tính năng và độ chính xác cao hơn, đặc biệt có chế độ hoạt động đồng bộ với radar PSB-NM mà máy bay trinh sát không có; thay toàn bộ hệ thống máy tạo xung và phân xung điều khiển ném bom ESBR-45S bằng ESBR-49M và KSB; thay 4 giá bom KD-2 của máy bay trinh sát bằng giá KD-3 của máy bay ném bom.

Việc cải tiến hoàn thành, phi công - dẫn đường Thân Xuân Hạnh trực tiếp kiểm tra và làm những thao tác kỹ thuật phù hợp đã cho nhận xét tốt. Tiếp đó là cuộc bay thử và ném bom thật trên trường bắn Hoà Lạc, xác suất trúng mục tiêu rất cao và công việc cải tiến đã hoàn tất, đạt kết quả tốt. Chiếc máy bay trinh sát chụp ảnh (2184) có chức năng mới: Ném bom.

(còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại