Trung tâm phân tích mua bán vũ khí toàn cầu TSAMTO của Nga đưa tin, Trung Quốc đã đề nghị sẽ chuyển giao công nghệ để Malaysia tham gia vào quá trình sản xuất hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-16A (LY-80), một bản sao từ hệ thống Buk của Nga.
TSAMTO dẫn lời thông tấn xã Malaysia Bernama cho biết, biên bản ghi nhớ về chuyển giao công nghệ tên lửa đã được ký kết vào ngày 02/06 giữa công ty Aneka Bekal Sdn Bhd của Malaysia và công ty hàng không vũ trụ Trường Chinh (Long March) của Trung Quốc trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kinh tế Trung Quốc-Malaysia.
Trong trường hợp quá trình đàm phán tiếp theo thành công, một liên doanh sẽ được thành lập, mỗi nước sẽ có cơ sở sản xuất riêng để tiến hành các công đoạn khác nhau của quá trình sản xuất. Việc đầu tư tài chính sẽ được hỗ trợ từ ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc China Exim Bank.
Một số nguồn tin không chính thức cho biết số tiền mà hai bên đóng góp cho liên doanh khoảng 300 triệu USD theo nhiều đợt khác nhau, tương ứng với các giai đoạn phát triển của dự án. Với biên bản ghi nhớ này, Trung Quốc dường như đã “nẫng tay trên” hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không tầm trung Buk-M1 mà Rosoboronexport của Nga đang theo đuổi và đàm phán với đối tác Malaysia.
Phía Nga từng hy vọng hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M1 sẽ được ký kết với Malaysia vào năm 2015.
Việc Trung Quốc bán hệ thống phòng không tầm trung HQ-16 kèm theo điều khoản chuyển giao công nghệ cho Malaysia được xem là một bước đi khá bất ngờ. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc Malaysia sẽ tham giao bao nhiêu phần trăm vào quá trình sản xuất LY-80.
HQ-16A (LY-80) là một bản sao từ hệ thống phòng không tầm trung đa kênh Buk-M1 mà Nga chuyển giao cho Trung Quốc để lắp đặt trên một số tàu chiến của nước này. HQ-16A được trang bị trên khung gầm xe tải 8x8 bánh, mỗi bệ phóng mang theo 6 đạn tên lửa trong các ống phóng thẳng đứng VLS.
Theo giới thiệu từ Trung Quốc, HQ-16A (LY-80) có thể đánh chặn các mục tiêu ở độ cao 15-18.000 mét, tầm bắn tối đa là 40km. LY-80 còn có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình từ 3,5-12km với độ cao tương ứng là 50 mét, tốc độ mục tiêu 300 m/s.
Mỗi hệ thống được trang bị 1 radar tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu mạng pha thụ động 3 tọa độ LY-80E SV hoạt động ở băng tần S. Radar này có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 140km, độ cao 20km. Radar điều khiển hỏa lực LY-80E GV hoạt động ở băng tần L, phạm vi điều khiển hỏa lực tối đa là 85km. Radar này có thể phát hiện 6 mục tiêu và theo dõi đồng thời 4 mục tiêu, nó có thể cung cấp điều khiển hỏa lực cho 8 tên lửa.
Đặc tính kỹ-chiến thuật của hệ thống phòng không HQ-16A vẫn là một ẩn số. Cho dù Malaysia có nhận được chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc thì nhiều khả năng đó chỉ là những công nghệ hạng 2 so với thế giới. Trước đó một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua bán tên lửa chống hạm C-705 từ Trung Quốc. Indonesia đã đề nghị Trung Quốc chuyển giao công nghệ nhưng không rõ việc này đã được xúc tiến hay chưa. Một bài viết đăng trên tạp chí Jane's Defence Weekly (Anh) hồi tháng 3 năm nay dẫn lời Silmy Karim, trợ lý phụ trách hợp tác của Ủy ban chính sách công nghiệp quốc phòng Indonesia cho hay Trung Quốc từ chối chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất C-705 cho Indonesia bởi "hiện có nhiều nước muốn mua loại vũ khí tiên tiến này của Trung Quốc". Bắc Kinh thay vì đó đã yêu cầu Jakarta trả thêm một khoản phí để bảo đảm bản quyền sản xuất loại tên lửa trên.
Hệ thống phòng không HQ-16A Trung Quốc
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA