Ngày 31/12/2013, tàu ngầm Kilo Hà Nội, chiếc đầu tiên trong số 6 chiếc tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đặt hàng Nga đã về đến Cam Ranh. Tiếp đó, ngày 8/1, tàu ngầm Hà Nội thực hiện thành công chuyến đi biển đầu tiên.
Trước những sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Hải quân Việt Nam, PGS. TS Lê Hồng Bang, trưởng khoa Đóng tàu, trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng không giấu nổi niềm vui của mình.
PGS cho biết: “Sự kiện này là điều đáng mừng vì sẽ tăng cường năng lực quốc phòng và bảo vệ hải phận, duy trì an ninh khu vực”.
PGS Lê Hồng Bang cũng cho biết, chúng ta đang tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng và đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có đủ trình độ nhằm tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và đóng mới các phương tiện lặn trong đó có tàu ngầm. Hy vọng ngày đó sẽ đến. Hơn nữa, trong quá trình khai thác chúng ta có sự hỗ trợ tích cực phía Nga.
Riêng đối với khoa Đóng tàu của trường Đại học Hàng hải Việt Nam thì những bài giảng liên quan tới tàu ngầm Kilo sẽ được các giảng viên của khoa tiếp cận. “Trong chương trình đào tạo, chúng tôi đã đề cập tới thiết kế chế tạo các phương tiện lặn trong đó có tàu ngầm mini. Trong chương trình mới, chúng tôi cũng sẽ đưa vào cả sự kiện về tàu ngầm Kilo. Đây là nền tảng để sinh viên của trường nói riêng và các lớp kĩ sư, sĩ quan, thủy thủ Việt Nam nói chung ý thức được việc chúng ta sẽ tự làm chủ các công nghệ từ thiết kế, chế tạo đến vận hành khai thác các con tàu. Và đối với sinh viên hàng hải thì sự kiện này cũng là niềm tự hào của các em”, PGS Bang nói.
Thông tin mới nhất từ phía Nga cho biết, chiếc tàu ngầm Kilo thứ hai mang tên TP Hồ Chí Minh sẽ được bàn giao cho Việt Nam vào cuối tháng 1 này.
PGS. TS Lê Hồng Bang hy vọng trong tương lai không xa sẽ có sinh viên của trường Đại học Hàng hải tham gia vào lực lượng sĩ quan, thủy thủ của tàu ngầm Kilo.
Theo ông, thế hệ sĩ quan, thủy thủ ưu tú đầu tiên của Việt Nam đầu quân cho tàu ngầm Kilo được huấn luyện với sự giúp đỡ của Nga để làm quen với quá trình vận hành khai thác, đảm bảo an toàn cho tàu.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện có Trung tâm huấn luyện và đào tạo thuyền viên đạt chuẩn quốc tế trong lĩnh vực dân sự. Nhưng để đảm bảo tham gia được vào lực lượng vận hành tàu ngầm lại là vấn đề khác mà theo PGS cần phải có kiến thức chuyên môn, có sự rèn luyện về thể lực, tinh thần và ý chí.
“Trong tương lai chúng ta phải có định hướng tự huấn luyện đội ngũ sĩ quan và thủy thủ tầu ngầm”, PGS Bang chia sẻ.
“Và tôi tin dự án tàu ngầm lớp Kilo sẽ đưa lại lợi ích rất lâu dài cho đất nước. Trước hết để nâng cao tiềm lực quốc phòng trong đó có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ hải phận thiêng liêng của Tổ quốc, trưng bước mở rộng các quan hệ quốc tế”, PGS cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi "Liệu khi nào Việt Nam có thể tự đóng được các tàu ngầm hiện đại như Kilo", PGS Bang cho biết "Hiện tại chúng ta chưa đưa vấn đề lớn này vào chương trình đầu tư cho lĩnh vực quốc phòng an ninh theo hướng tự nghiên cứu thiết kế và đóng mới các tàu ngầm hiện đại kiểu Kilo 636 mà chỉ mới dừng lại ở việc mua, tự vận hành khai thác và đảm bảo kỹ thuật cho phương tiện. Về phương diện nghiên cứu thiết kế thì Viện Thiết kế Tàu quân sự thuộc Bộ Quốc Phòng đã đi vào hoạt động được mấy năm. Tôi tin rằng trong tương lai không xa viện này sẽ là đơn vị đặc trách thực hiện các dự án thiết kế các loại tàu chiến trong đó có cả các loại tàu ngầm."
Là một nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực đóng tàu, PGS Lê Hồng Bang cho rằng, những dự án như dự án đóng tàu ngầm mini Trường Sa do doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình đầu tư và đang chuẩn bị đưa vào thử nghiệm, nếu thành công thì sẽ là tiền đề cho khát vọng đóng tàu ngầm ở Việt Nam tiếp tục vươn xa. Ông cho rằng sẽ đến lúc ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam khẳng định được năng lực về tự đóng các loại tàu chiến nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho đất nước.