Ông Lei cũng nhấn mạnh thêm rằng, hiện nay, chỉ có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới có thể cạnh tranh được với F-35. Do đó, J-31 của Trung Quốc sẽ tạo ra một sự thay thế cho những nước đồng minh phi truyền thống của Mỹ.
Tuy nhiên, nhà phân tích quốc phòng Vinayak Shetty của Ấn Độ lại có nhận xét khác rằng, J-31 dù có hay không cũng sẽ hầu như không ảnh hưởng gì tới khả năng xuất khẩu của F-35.
"Nhiều quốc gia vẫn đang kiên quyết theo đuổi dự án F-35, thậm chí ngay cả khi chi phí phát triển của máy bay này liên tục tăng lên trong thời gian qua. Tôi không cho rằng một số khách hàng hiện nay sẽ cân nhắc khả năng mua J-31 của Trung Quốc, thậm chí cả trong trường hợp Trung Quốc bắt đầu sản xuất loạt J-31 ngay từ bây giờ", ông Vinayak nói.
Theo ông Vinayak, J-31 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và tốt lắm thì cũng phải mất 7 - 8 năm nữa mới có thể bắt đầu sản xuất loạt, trong khi đó hiện nay F-35 đã đáp ứng tất cả các điều kiện để tiến hành sản xuất loạt.
Các nhà phân tích khác nói rằng, Không quân Pakistan (PAF) có thể trở thành một khác hàng đầu tiên mua máy bay tàng hình J-31 của Trung Quốc. Nhưng theo ông Vinayak, sẽ không hề dễ dàng để PAF có thể mua được những chiến đấu cơ này (J-31), bởi họ đã từng chật vật mới mua được những máy bay J-10 đầy đủ trong những năm gần đây, ngay cả khi Trung Quốc cho nước này vay tiền để mua máy bay mới.
Trong quá khứ, PAF cũng luôn bất đắc dĩ phải sử dụng những máy bay chiến đấu 2 động cơ với kích thước trung bình nhưng có chi phí hoạt động rất cao từ Trung Quốc.
Do không phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, nhiều nước châu Âu sẽ tiếp tục mua F-35 của Mỹ, Nga đã có PAK-FA để xuất khẩu cho những quốc gia mua Su-30 và MiG-29 truyền thống ở châu Á.
Thị trường các nước mua máy bay truyền thống của Trung Quốc (châu Phi và châu Á) sẽ rất khó khăn để mua được những máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, do vậy, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho Trung Quốc để có thể thúc đẩy xuất khẩu máy bay của họ ra thị trường truyền thống, cũng như rất khó có thể vực dậy các đối tác truyền thống Mỹ - Latin, trừ khi Mỹ tiếp tục xa lầy vào đạo luật hạn chế xuất khẩu máy bay tàng hình.
Ông Vinayak Shetty cũng lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang tiềm năng ở châu Á bởi sự xuất hiện của máy bay J-31 Trung Quốc, nhiều quốc gia láng giềng với Bắc Kinh có thể sẽ cân nhắc mua F-35 hoặc PAK-FA để tăng cường khả năng chiến đấu cho không quân của họ.
Hiện nay, ngoài Nga, Mỹ và Trung Quốc, cũng đang có rất nhiều quốc gia tham gia phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Ấn Độ đang phát triển chiến đấu cơ tiên tiến tầm trung (AMCA), Nhật Bản phát triển máy bay tàng hình ATD-X, Thổ Nhĩ Kỳ phát triển TFX và Nga trở lại phát triển máy bay tiêm kích tàng hình một động cơ Mikoyan LMFS, và tất cả những máy bay này sẽ chiếm mất đáng kể thị phần xuất khẩu của J-31.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!