Trả lời phỏng vấn tờ Qianjiang Evening News, chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc Cao Weidong nhận định Shenyang J-15, tiêm kích hạm thế hệ thứ tư của Trung Quốc có khả năng đánh bại tiêm kích hạm tàng hình thế hệ năm F-35B do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất trong một cuộc xung đột hạn chế.
Mặc dù thừa nhận rằng J-15 có thể sẽ bị F-35B phát hiện và bắn hạ nếu đối đầu trực tiếp nhưng theo ông Cao, tiêm kích của Trung Quốc sở hữu một số lợi thế so với đối thủ từ Mỹ. Do F-35B tiêu thụ hết nhiều nhiên liệu hơn J-15 nên nó có bán kính chiến đấu chỉ 500km, trong khi J-15 có bán kính chiến đấu 1.000km. Bên cạnh đó, F-35B với khả năng cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng có trọng lượng lớn hơn biến thể F-35C của Hải quân Mỹ.
Theo ông Cao, do có một tiêm kích hạm tốt hơn nên trong một cuộc xung đột hạn chế, tàu sân bay Liêu Ninh của quân đội Trung Quốc có khả năng đánh bại một con tàu "khủng" như tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh (lượng giãn nước đầy tải lên tới 72.000 tấn) mới được làm lễ đặt tên hồi tuần trước. Tuy nhiên, ông Cao cho rằng rất khó để dự đoán bên nào sau cùng giành chiến thắng trong một cuộc xung đột tiềm năng giữa Trung Quốc và Anh bởi cả hai tàu sân bay đều chưa được trang bị máy bay cảnh báo sớm có cánh cố định.
Chuyên gia này cũng cho hay J-15 có thể mang 7 tấn nhiên liệu và vũ khí khi cất cánh bằng boong phóng kiểu nhảy cầu trên tàu Liêu Ninh, đây là điểm yếu lớn nhất của các tiêm kích hạm của Hải quân Trung Quốc. Cao cho biết tàu sân bay Queen Elizabeth, với boong phóng kiểu nhảy cầu và một đường băng góc cạnh, có điều kiện để 6 máy bay F-35B cất cánh đồng thời. Đây là một lợi thế so với Liêu Ninh và điều này đồng nghĩa rằng F-35B sẽ vẫn là một đối thủ đáng gớm đối với J-15.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong buổi lễ đặt tên hôm 4/7. Nguồn: BBC
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA