Philippines dốc toàn lực nâng cao sức mạnh quân đội
“Nhân dân Nhật báo” Trung Quốc đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines KataPan cho hay, cục diện giữa Philippines và Trung Quốc hiện nay giống như một “cuộc thi đấu quyền anh của người khổng lồ và kẻ tí hon”.
Tổng tham mưu trưởng KataPan - người vừa mới nhậm chức cách đây ít lâu cho rằng, để đối phó với người khổng lồ Trung Quốc đang “trỗi dậy bạo lực”, Philippines cần phải ra sức xây dựng quân đội vững mạnh hơn nữa, đồng thời mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với các cường quốc trên thế giới.
Philippines đã và đang làm như vậy. Hồi đầu tháng 7, Tổng thống Philippines Aquino cũng cho hay, nội trong năm nay Mannila sẽ nhận được 8 chiếc trực thăng thông dụng, 8 máy bay tuần tiễu tầm xa, đồng thời sẽ nhận 2 chiếc đầu tiên trong số 12 máy bay chiến đấu FA-50 mua của Hàn Quốc.
Ngoài ra, trước năm 2017 nước này còn mua thêm 3 tàu hộ vệ tên lửa, nâng tổng số tàu chiến lên con số 6. Quân đội Philippines cũng đang có kế hoạch tăng cường số lượng phi đội máy bay chiến đấu từ 1 lên 3, đồng thời trang bị hệ thống radar và pháo phòng không trên khắp đất nước.
Tổng tham mưu trưởng KataPan còn cho biết thêm, quân đội nước này đang cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp phê chuẩn khoản đầu tư khoảng 10 tỷ USD mua sắm chiến hạm và máy bay chiến đấu, để đạt mục tiêu đến năm 2028, Philippines sẽ có một “lực lượng vũ trang đẳng cấp thế giới”.
Philippines đang nâng cấp sức mạnh quân sự và mở rộng hợp tác quân sự để đối phó với Trung Quốc
Theo số liệu công bố, hiện tại quân đội Philippines có khoảng 110.000 quân thường trực, chiếm tỷ lệ cao nhất là Lục quân bao gồm 66.000 quân, với hơn 30 xe tăng và hơn 300 xe bọc thép, chủ yếu để đối phó với các phần tử ly khai phía nam nước này.
Lực lượng hải quân hiện có 3 tàu hộ vệ tầm trung, 10 tàu hộ vệ cỡ nhỏ, 13 tàu tuần tiễu và 60 tàu xuồng đổ bộ, chủ yếu là được mua của Mỹ. Trong tương lai, hải quân Philippines còn có kế hoạch sẽ đầu tư 11,6 tỷ USD để mua sắm thêm 3 tàu ngầm thông thường, 6 tàu hộ vệ tên lửa và 12 tàu tuần tiễu tầm xa.
Về lực lượng Không quân, hiện Philippines không có máy bay tiêm kích sau khi chiến đấu cơ F-5 sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước bị loại biên. Hai năm trước đây, Manila tỏ ý muốn mua máy bay F-16 đã qua sử dụng của Mỹ, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có kết quả.
Thực tế cho thấy, kể cả về binh lực và trang bị vũ khí, quân đội Philippines còn quá yếu so với các nước trong khu vực. Một đội quân sử dụng chủ yếu trang bị của thế kỷ trước với một quân đội “đẳng cấp thế giới” là hai khái niệm cách xa “một trời một vực”, nên để đạt được mục tiêu có một quân đội “đẳng cấp thế giới” thì quả là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Quân đội Philippines hiện đang tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ đối phó với các phần tử khủng bố và các thế lực ly khai trên lục địa. Tuy nhiên, để đối phó lại với một quân đội Trung Quốc hùng mạnh, đang âm mưu độc chiếm biển Đông, con đường phát triển của quân đội nước này sẽ chú trọng vào lực lượng hải quân.
Philippines đang nhắm tới máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C của Mỹ
Mỹ - Nhật chống lưng Philippines đối phó Trung Quốc
Chuyên gia Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, Philippines hiện đang tăng cường xây dựng hải quân với 2 mục tiêu: Mục tiêu truyền thống chính là cùng quân đội Mỹ ngăn chặn sự bành trướng của thế lực cực đoan ở miền nam, đây là thách thức to lớn đối với chủ quyền, an ninh và ổn định của Philippines.
Vì vậy, lực lượng hải quân đánh bộ của quân đội Mỹ thường trú tại đây, một mặt phụ trách việc huấn luyện, mặt khác tiến hành hiệp đồng tác chiến với quân đội Philippines để tiêu diệt những lực lượng vũ trang này. Tuy nhiên, đây sẽ là hướng phát triển thứ yếu của quân đội nước này.
Hướng phát triển trọng tâm trong xây dựng hải quân của Philippines chính là Biển Đông, đồng thời hiệp đồng với Mỹ và Nhật Bản để mở rộng phạm vi kiểm soát trên biển. Về vấn đề này, hiện Washington và Tokyo đang tích cực trợ giúp Manila xây dựng lực lượng hải quân.
Tuy hiện không giúp đỡ được nhiều nhưng chắc chắn là Mỹ có thể hỗ trợ kinh phí cho Philippines, hoặc cung cấp một số trang thiết bị quân sự, ví dụ như bán lại 2 chiếc tàu cũ có trọng tải hơn 3.000 tấn dùng để tuần tra trên biển. Ngoài ra, Philippines cũng sẽ chi khoản tiền lên tới 1 tỷ USD để tăng cường khả năng tuần tra trên không và trên biển.
Ngoài ra, ông Doãn Trác còn kêu gọi Trung Quốc cần cảnh giác với ý đồ lôi kéo Philippines của Nhật Bản nhằm chống lại Bắc Kinh.
Tàu tuần tiễu BRP Gregorio del Pilar (PF-15) của Philippines nguyên là tàu tuần tiễu lớp Hamiltoncủa Mỹ
Hồi tháng 6/2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo. Thủ tướng Nhật cam kết sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra trên biển, ngược lại Philippines cũng cho biết ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể của Chính phủ Nhật Bản.
Truyền thông Philippines tiết lộ, Nhật Bản sẽ bàn giao 3 tàu tuần tra cho Philippines trong năm 2014, 7 chiếc còn lại sẽ được bàn giao cho nước này trong khoảng thời gian từ nay đến đầu năm 2016.
Theo bài viết, ông Shinzo Abe còn có kế hoạch “bắt chước” hiệp định quân sự mới giữa Mỹ và Philippines, tức là ký kết hiệp định hợp tác bảo đảm an ninh giữa Nhật Bản - Philippines, sau khi nước này dỡ bỏ quyền tự vệ tập thể. Tuy nhiên, việc Tokyo có thực sự sẽ hỗ trợ quân sự cho Manila hay không vẫn còn phải chờ thời gian trả lời.
Ông Doãn cho rằng, Tổng thống Philippines Aquino và Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe đã đạt được sự nhất trí về mặt chính trị. Manila sẽ ủng hộ Tokyo sửa đổi Hiến pháp, còn Nhật Bản ủng hộ Philippines về vấn đề Biển Đông để chia sẻ một phần áp lực của nước này trên biển Hoa Đông.
Chính vì thế, có thể Philippines sẽ nhận được 2 - 3 tàu tuần tiễu trong năm nay, những tàu tuần tra này có trọng tải từ vài trăm tấn đến 1.000 tấn, tuy nhiên hỏa lực của chúng không được mạnh. Loại tàu này chỉ có thể làm tàu ngư chính chấp pháp chứ khó trở thành lực lượng tác chiến trên biển
Philippines đã mua 12 máy bay huấn luyện-chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc
Chuyên gia Doãn Trác cho rằng, với việc bán trang bị vũ khí cho Philippines, Nhật Bản đang âm mưu thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tokyo hy vọng thông qua chi viện cho Manila, sẽ tăng cường khả năng đối phó của Philippines trước Trung Quốc.
Ngoài việc không ngừng “khiêu khích” chủ quyền của Trung Quốc, Nhật Bản liên tục đưa vấn đề an ninh, tự do hàng hải ra thảo luận tại các hội nghị đa phương về ở Biển Đông nhằm “hạ thấp uy tín” Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế. Đây được coi là “con bài tủ” về ngoại giao của Tokyo trong nhiều năm gần đây.
Nhật Bản vừa muốn phối hợp vừa muốn khống chế Philippines, nên việc vừa giúp đỡ tiền bạc vừa cung cấp trang bị là một phần trong chiến lược nhất quán của nước này, bao gồm sự ủng hộ về chính trị, ngoại giao và quân sự, giúp Philippines nâng cao sức mạnh, đủ khiến Trung Quốc phải bận tâm trên biển Đông.
Về vấn đề Philippines liên tiếp có các động thái “nho nhỏ” trên biển Đông có gây ảnh hưởng tới cán cân sức mạnh trên khu vực biển này hay không? Vị chuyên gia họ Doãn cho rằng, Philippines là một trong những nước nhỏ yếu của ASEAN nên điều đó không thể gây ra “sóng to gió lớn” trên biển Đông.
Nhật Bản đã quyết định viện trợ 10 tàu tuần tiễu cho Philippines
Theo Doãn Trác, Philippines là nước đầu tư ít nhất cho hải quân trong các quốc gia đông nam Á, đồng thời trang bị mua sắm của của nước này cũng không phải là loại hiện đại. Một minh chứng điển hình là nước này hầu như không có chiến hạm và máy bay chiến đấu đúng nghĩa của nó.
Cho đến nay, mặc dù trải qua một thời gian dài xây dựng, nhưng Philippines vẫn là quốc gia Đông Nam Á duy nhất hiện không có tên lửa, kể cả tấn công trên không và trên biển cũng chỉ có hỏa lực pháo. Đương nhiên, Hải quân Philippines cũng kém nhất trong khối ASEAN, khả năng tác chiến trên biển Đông gần như bằng không.
Ông Doãn còn cho rằng, hiện Tổng thống Philippines Aquino còn lấy vấn đề tranh chấp biển Đông làm cái cớ để tăng cường quân bị, ngoài việc để đối phó với Trung Quốc, còn nhằm mục đích khác là cải thiện quan hệ với giới chức quân sự, hòng rắp tâm sửa đổi Hiến pháp để nhắm tới mục tiêu cầm quyền thêm 1 nhiệm kỳ nữa.
Theo ông Doãn, tuy chưa biết là ông Aquino có đạt được mục đích hay không nhưng chắc chắn là trong thời gian tới Philippines sẽ tăng cường đầu tư cho quân đội nhất là hải quân. Đây sẽ là một trong những chính sách quan trọng nhất trong nội chính của nước này và nó cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với cục diện trên biển Đông.