Chuyên gia, phi công quân sự, nguyên phó chỉ huy sân bay quân sự Otopeni tại Rumani, ông Valentin Vasilescu đã trao đổi với tờ Pravda (Nga) về giả thuyết mới xung quanh vụ máy bay Boeing-777 số hiệu MH17 rơi trên bầu trời Ukraine. Theo ông, MH17 đã bị đã bị tiêm kích MiG-29 của Ukraine bắn rơi, và có thể do một phi công người Ba Lan điều khiển.
Chuyên gia Valentin Vasilescu bác bỏ các giả thuyết cho rằng MH17 bị phe ly khai Ukraine bắn rơi bởi tên lửa đất đối không Buk-M1 như Mỹ và chính phủ Ukraine đưa ra.
"Tên lửa đất đối không, với trọng lượng đầu đạn từ 40-70kg, không phát nổ bên trong mục tiêu bị bắn mà nổ gần nó, ở khoảng cách 50-100m. Đầu đạn nổ gây ra sóng xung kích, tạo ra những mảnh vỡ với tốc độ cao. Những mảnh vỡ này có thể xuyên thân máy bay, nhưng khi tính đến kích cỡ của Boeing-777 (chiều dài 73 m với sải cánh lớn) thì những mảnh vỡ này không thể phá hủy máy bay thành những mảnh nhỏ riêng lẻ, như xảy ra với các máy bay có kích cỡ nhỏ hơn từ 7-10 lần. Những mảnh vỡ này, khi va chạm vào Boeing-777 có thể gây ra vụ nổ ở hệ thống nhiên liệu và làm cho nhiên liệu lan ra thân, cánh máy bay cùng với việc gây cháy máy bay" - chuyên gia này lập luận.
“Tương tự như vậy, nếu hệ thống thủy lực hư hỏng thì Boeing-777 đã mất điều khiển hoặc điều khiển vô cùng khó khăn. Như vậy, nếu một máy bay lớn như Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn bằng tên lửa đất đối không, phi hành đoàn đã có thể kịp thông báo cho trung tâm điều phối về tình hình trên máy bay. Tuy nhiên, chúng ta không thấy điều này” - Ông Vasilescu bổ sung.
Hộp đen cho thấy máy bay bị vỡ trên không trung, nhưng theo Vasilescu, điều này chỉ có thể xảy ra trong trường hợp máy bay rơi theo phương ngang từ độ cao hàng chục nghìn feet, khi tốc độ giới hạn bị vượt quá.
"Nếu máy bay bị lộn vòng, phi hành đoàn thường mất khả năng kiểm soát máy bay, hiện tượng giảm áp đột ngột trong buồng lái cũng có thể xảy ra" - ông Vasilescu nói.
Ông Vasilescu cũng nhắc lại rằng, còn có một bằng chứng cho thấy không phải tên lửa Buk-M1 đã bắn máy bay. Đó là việc không có bức xạ điện từ từ hệ thống tên lửa được ghi nhận, hay thậm chí một vệt ngưng tụ màu trắng dày với chiều dài 10-35km từ mặt đất xuất hiện và lưu lại vài phút sau khi phóng tên lửa.
Không chỉ riêng Valentin Vasilescu mới có quan điểm này, ví dụ, Gordon Duff, một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, hiện là một cố vấn an ninh, cũng cho rằng máy bay MH17 không thể bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không hoặc không đối không, mà đó là một vụ nổ bom ở trên máy bay, “hoặc là một vụ pháo kích từ máy bay tiêm kích của Ukraine”.
Trong khi đó, chuyên gia Canada Michael Bociurkiw dự đoán MH17 bị bắn bởi pháo hoặc vũ khí hạng nhẹ của một máy bay tiêm kích có tốc độ bắn cao. Để củng cố giả thuyết của mình, chuyên gia này dẫn chứng một phóng sự của phóng viên BBC Olga Ivzinoy ngày 23/7 vừa qua, trong đó đưa ra những chứng cứ của người dân ở Donetsk khẳng định sự có mặt của một máy bay khác trên bầu trời khi xảy ra vụ tai nạn MH17 và đó chính là máy bay quân sự của Ukraine.
Theo Vasilescu, chứng cứ của các chuyên gia quân sự Nga cho rằng tiêm kích Ukraine tham gia vào vụ bắn rơi MH17 khá thuyết phục. Ông cũng nhắc lại, trong cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/7 vừa qua, Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Igor Makushev và Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga, trung tướng Andrew Kartapolov đều khẳng định rằng, trong thời điểm MH17 biến mất khỏi màn hình radar thì trên radar của Bộ Quốc phòng Nga, tại vị trí của MH17, cũng xuất hiện một máy bay khác, được cho là Su-25.
Hình ảnh về sự xuất hiện của chiếc Su-25 của Ukraine do Bộ Quốc phòng Nga công bố.
Máy bay này có khả năng đạt được độ cao tới 10km trong thời gian ngắn và có thể được trang bị các tên lửa không đối không với tầm bắn 12km có khả năng bắn hạ mục tiêu một cách chính xác ở khoảng cách nhỏ hơn 5km. Máy bay không xác định này tiến tới gần MH17 ở khoảng cách 3-5km và sau đó tiếp tục tuần tiễu trên vị trí xảy ra vụ bắn rơi MH17.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đó không phải là Su-25 của Ukraine bởi vì nó không thể đạt tới trần cao 10.300m như trên và bắn rơi được MH17, do phi công Ukraine chưa được đào tạo đủ cũng như những chiếc Su-25 cũ chưa hoàn thiện về mặt kỹ thuật. Valentin Vasilescu chỉ ra rằng, trên màn bình radar, Su-25 gần giống với MiG-29, bởi vì chúng có diện tích bề mặt phản xạ giống nhau.
Một chiếc MiG-29 của Ukraine
“Trần bay thực tế của MiG-29 có thể đạt được là 18.013m, do vậy độ cao 10.300m mà máy bay MH17 đang hoạt động là rất dễ tiếp cận cho MIG-29”. Su-25 không thể tăng tốc, bởi vì tốc độ tối đa của nó là 975km/h, do vậy nó không thể đuổi kịp MH17 và theo sau máy bay này ở cự ly 58km với vận tốc 900km/h trên độ cao 10.000m, trong khi đó còn phải giữ được tốc độ bay khoảng 200-300m/s để sử dụng vũ khí được trang bị bắn vào MH17. MiG-29 có 2 động cơ với lực đẩy cao cho phép nó có thể tăng tốc tới 2.000km/h. Hiện trong đội hình máy bay tiêm kích của Ukraine có các MiG-29 có khả năng tiêu diệt Boeing-777, chúng được triển khai tại căn cứ không quân Vasilkov gần Kiev và tại căn cứ tại Ivano-Frankivsk" - ông Vasilescu nói.
Ông cũng bổ sung rằng, MiG-29 nằm trong biên chế của quân đội Ukraine được trang bị pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30mm, với tốc độ bắn là 1.500 viên/phút, đầu đạn bằng hợp kim vonfram. Những đầu đạn này có thể xuyên giáp và để lại những dấu vết hình dạng tròn hoàn hảo, chúng không thể phát nổ trong buồng lái, không phải là đầu đạn cháy, nhưng cũng có thể giết chết phi hành đoàn và phá hủy buồng lái – chính điều này được ghi nhận từ những dấu vết trong buồng lái của MH17.
Chính vì vậy, theo Vasilescu, MH17 đã bị tiêu diệt bởi pháo của tiêm kích MIG-29 chứ không phải tên lửa, thậm chí khi tên lửa không đối không như Molniya R-60 (ngày nay là Vympel) có thiết bị điều khiển tên lửa nổ khi tới gần mục tiêu. Trong trường hợp này, các mảnh vỡ sẽ nằm rải rác ra 360 độ và phá hủy cả thân máy bay chứ không chỉ có buồng lái. Ngoài ra, các tên lửa không đối không có đầu đạn nhiệt tự dẫn nên sẽ tấn công vào phần nóng nhất của máy bay đó chính là động cơ. Còn máy bay MH17 thì bị tấn công vào buồng lái. Cái chết của phi hành đoàn và sự giảm áp tức thì trong buồng lái khiến máy bay lộn vòng ngay lập tức và bị vỡ ở độ cao 2.000m. Trên không trung, không có vụ cháy hay nổ bom xảy ra.
Valentin Vasilescu nhấn mạnh rằng, các phi công quân sự Ba Lan được huấn luyện tốt nhất tại Đông Nam châu Âu và có nhiều giờ bay mỗi năm (180-200h/năm): “Họ quen với bầu trời Ukraine, tham gia vào tất cả các cuộc tập trận do Không quân Ukraine tổ chức trong 4-5 năm qua”. Không quân Ba Lan được trang bị 31 tiêm kích MiG-29, trong đó có 16 chiếc được các chuyên gia của Isarel Aerospace Industries tái trang bị hệ thống điện tử mới… Các phi công Ba Lan được những giảng viên người Israel huấn luyện, họ là những người có nhiều kinh nghiệm trong tiêu diệt các mục tiêu trên không.
Tiêm kích MiG-29 của Ukraine
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình. Hãy gửi bài cho chúng tôi theo địa chỉ [email protected]. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày. |