Chuyên gia phân tích Igor Sutyagin và Michael Clarke tại Viện RUSI (Royal United Services Institute) ở Anh cho rằng với tình hình triển khai lực lượng giữa Nga và Ukraine hiện nay, những diễn biến tiếp theo có thể xảy ra theo 4 kịch bản.
Dưới đây là nội dung bài phân tích của Igor Sutyagin và Michael Clarke:
Tình hình triển khai lực lượng giữa Nga - Ukraine
Hình 1 - Những mũi di chuyển quân tiềm năng của Nga vào Ukraine
Theo hình 1, lực lượng Nga triển khai sát biên giới Ukraine có quân số gần 50.000 người, cộng với các đơn vị dự bị phía sau. Trong số đó, đáng chú ý nhất là các cụm quân Klimovo, Lgov, Belgorod, và Polessya, vì chúng nhắm thẳng đến Kiev và các khu vực lân cận. Sự hiện diện của những lực lượng này đe dọa thủ đô cùng với chính phủ lâm thời hiện nay của Ukraine, do đó buộc phía Ukraine phải duy trì một lực lượng đáng kể để bảo vệ thủ đô, thay vì triển khai đến phần phía đông của đất nước, nơi đang có phong trào bao động đòi ly khai và sáp nhập với Nga.
Các cụm quân Taganrog và Crimea cũng là những mối đe dọa tiềm tàng cho Ukraine, vì chúng có thể được lệnh phối hợp mở một hành lang nối liền Crimea và phần lãnh thổ của Nga ở phía bắc biển Azov. Hành lang này sẽ giúp Nga tiếp tế cho Crimea dễ dàng hơn nhiều so với thông qua eo Kerch ở phía nam biển Azov.
Quân số của Ukraine vào khoảng 70.000 người, nhưng có trang bị kém và chỉ một phần có thể tham chiến. Nếu xảy ra xung đột, phía Ukraine chắc chắn sẽ bị áp đảo cả về quân số và hỏa lực. Và như đã phân tích ở trên, họ cũng không thể được triển khai quá xa khu vực miền Tây để ngăn các hướng tấn công của Nga nhằm vào khu vực miền Đông và Nam của đất nước.
Trước những động thái của Nga, quân đội Ukraine dường như cũng đang tái bố trí lực lượng tương ứng.
Hình 2 - Lực lượng tác chiến mặt đất của Ukraine gồm: 79.300 binh sĩ, 775 xe tăng, 12 hệ thống tên lửa, 51 trực thăng quân sự, 2.280 xe chở quân, 988 hệ thống pháo binh/pháo phản lực phóng loạt, 330 hệ thống tên lửa phòng không
Để đối phó với các cụm quân Klimovo và Lgov, nhiều khả năng Ukraine đã tái bố trí các đơn vị như: lữ đoàn cơ giới 30 (đơn vị #5 trên hình 2), lữ đoàn đổ bộ đường không 95 (#12), lữ đoàn cơ giới 72 (#16), và trung đoàn đặc nhiệm số 3 (#23). Ngoài ra, Ukraine đã đặt Trung tâm huấn luyện số 169 vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, đơn vị này có quân số gần tương đương một sư đoàn cơ giới.
Ukraine dường như cũng đã cơ động lữ đoàn dù 25 (#26) và một phần của lữ đoàn thiết giáp 17 (#27) đến vùng Donetsk để đối phó với các cụm quân Rostov Don và Taganrog. Ở phía nam, để đề phòng cụm quân Crimea, Ukraine đã di chuyển đến Kherson một phần lữ đoàn thiết giáp 17 (#27), lữ đoàn đổ bộ đường không 79 (#29) cùng một phần của lữ đoàn cơ giới 28 (#30).
Một phần của lữ đoàn cơ giớ 28 (#30) và lữ đoàn đổ bộ đường không 80 (#8) được cơ động để ngăn chặn khả năng Nga tiến quân từ khu vực Transnistria thuộc Moldova. Cuối cùng, lữ đoàn cơ giới 93 (#24) di chuyển đến vùng Luhansk để chặn hướng tấn công của cụm quân Boguchar.
4 kịch bản chiến tranh
Với tình hình triển khai lực lượng như trên, những diễn biến kế tiếp có thể xảy ra theo 4 kịch bản.
Kịch bản 1: giả định rằng các hoạt động quân sự hiện nay của Nga chỉ mang tính biểu dương lực lượng, nhằm ép Ukraine và phương Tây thuận theo việc sáp nhập Crimea. Trong trường hợp này, Nga sẽ nhanh chóng thu quân một khi những phản ứng trước việc sáp nhập Crimea từ cộng đồng quốc tế lắng xuống. Tuy nhiên khả năng xảy ra kịch bản này đang giảm xuống khi Nga vừa đặt những đơn vị của Bộ nội vụ trong tình trạng báo động, do nhiệm vụ của những đơn vị này là đảm bảo an ninh ở những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Kịch bản 2: Nga sẽ ngầm ủng hộ, thậm chí là giật dây những vụ bạo động khắp vùng đông nam Ukraine và dùng chúng như là cái cớ để mở một hành lang đến Crimea, đi qua Donetsk, Zaporizhia và Kherson. Ukraine sẽ mất 1 phần lãnh thổ nữa vào tay Nga.
Hình ảnh vệ tinh được cho là chụp vào ngày 2/4 cho thấy máy bay tiêm kích SU-27/30 (Flankers) và máy bay ném bom SU-24 (Fencers) ở căn cứ Buturlinovka, gần Ukraine
Kịch bản 3: phong trào ly khai và bạo động ở miền Nam và Đông Ukraine sẽ tạo tiền đề để chia cắt Ukraine thành 2 phần, ngăn cách bởi dòng sông Dniepr.
Kịch bản 4: Nga sẽ tấn công từ hướng tây, mở một hành lang từ vùng Transnistria, thuộc Moldova, đến Crimea. Hành lang này sẽ bao gồm vùng Mykolaiv và thành phố lịch sử Odessa. Hành lang phía tây này có nhiều rủi ro hơn hành lang phía đông ở kịch bản thứ 2. Tuy nhiên nó sẽ giúp kết nối cộng đồng người gốc Nga ở Transnistria vào 1 dải lãnh thổ liên tục kéo dài đến Nga. Tỷ lệ người gốc Nga trong dải lãnh thổ này chỉ khoảng 1 phần 3, và do đó khả năng quá trình chiếm giữ diễn ra êm đẹp như tại Crimea là không chắc chắn. Song nó cũng có thể đóng vai trò là con bài chính trị để mặc cả với phương Tây, hoặc để hỗ trợ cho việc chia cắt Ukraine thành 2 phần như trong kịch bản giả định thứ 3.
Một dải lãnh thổ mới của Nga dọc theo bờ biển Đen như trong kịch bản trên cũng sẽ tác động lớn đến tình hình chính trị tại Châu Âu do có thêm một quốc gia có chủ quyền nữa, Moldova, bị chiếm đất. Bất ổn có thể lan tới quốc gia láng giềng, và là một thành viên NATO, Rumani. Viễn cảnh này nếu xảy ra sẽ là thách thức an ninh lớn nhất ở Châu Âu kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.