Chuyên gia Nhật: Cam Ranh là khắc tinh của “đường lưỡi bò”

Theo chuyên gia Hiroyuki Noguchi của Nhật Bản, với địa thế hiểm yếu và độc đáo đặc biệt trên “bàn cờ” toàn khu vực Đông Nam Á, vịnh Cam Ranh của Việt Nam có thể là “thanh kiếm sắc” chặn đứng mưu đồ “thò” ra Biển Đông của “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ.

Toàn cảnh vịnh Cam Ranh (ảnh chụp từ bản đồ của Google)

Trung Quốc từng muốn thuê Cam Ranh

Trong bài viết mới đây trên nhật báo “Sankei Express” của Nhật Bản, chuyên gia bình luận chính trị Hiroyuki Noguchi đã thẳng thắn vạch ra âm mưu đen tối của Bắc Kinh khi đơn phương vẽ ra cái gọi là “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) bao trùm tới 80% diện tích Biển Đông, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, để tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ.

“Cái “lưỡi bò” tham lam ấy muốn liếm sạch tài nguyên biển đi kèm với những tuyên bố chủ quyền đối với nhiều quần đảo trên Biển Đông. Đây rõ ràng là hiện tượng bất bình thường và là hành động trái với lẽ thường bởi không có bất kỳ nước nào chấp nhận hành động này của Bắc Kinh”, chuyên gia Hiroyuki Noguchi viết, “Đáng chú ý là nếu dùng một cái que xiên lưỡi bò này từ Đông sang Tây, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra Trung Quốc đang có ý đồ nhòm ngó hai quân cảng quan trọng là Cam Ranh của Việt Nam và Subic của Philippines”.

Thực tế là từ giữa những năm 1980 đến nửa đầu những năm 1990, Trung Quốc cũng nhiều lần ngỏ ý muốn thuê vịnh Cam Ranh, thậm chí còn hăm dọa Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam từ chối đề nghị này và tiếp tục cho Liên Xô và sau đó là hạm đội Thái Bình Dương của Nga thuê. “Việt Nam, vốn luôn có thái độ cảnh giác trước Trung Quốc, không đời nào có thể chấp nhận cho Trung Quốc thuê Vịnh Cam Ranh trong khi Trung Quốc đang ngày càng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của quân cảng này”, ông Hiroyuki Noguchi nhận xét.

Sự thèm khát của hải quân Mỹ

Hơn ai hết, người Mỹ rất hiểu sự “đắc địa” của vịnh và quân cảng Cam Ranh bởi trong chiến tranh họ đã từng đóng quân ở đó và Washington cũng đã rất tích cực “làm lành” với Việt Nam để được trở lại Cam Ranh sớm nhất.

Truyền thông Mỹ gọi chuyến thăm cảng Cam Ranh của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi năm 2012 là "chuyến thăm lịch sử"

Năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ. Năm 2000, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam. Năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Mỹ và tàu Hải quân Mỹ ghé hải cảng Việt Nam. Năm 2005, Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ. Năm 2006, tại cuộc Hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ- Việt, hai nước quyết định cử sĩ quan Việt Nam sang học tập tại Mỹ.

Năm 2007, Mỹ sửa đổi quy chế buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) cho phép bán vũ khí không gây sát thương cho Việt Nam như radar tuần duyên và máy bay tuần tra trên không. Năm 2009, hai bên đạt thoả thuận sửa chữa tàu chiến của Hải quân Mỹ. Năm 2010, tàu sân bay của Mỹ ghé thăm một hải cảng của Việt Nam và sĩ quan quân đội Việt Nam lên thăm tàu. Năm 2012, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và một tàu chiến Mỹ đã ghé thăm Cam Ranh… Có thể nói, Cam Ranh đã góp phần cải thiện quan hệ Việt – Mỹ nhanh một cách đáng kinh ngạc.

Năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp Việt-Mỹ trước các tướng lĩnh trên tàu hậu cần của Hải quân Mỹ khi đó đang neo đậu tại vịnh Cam Ranh. Tuyên bố trên của ông Panetta là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tuyên bố chính thức mở cửa cảng Cam Ranh cho các tàu quân sự như tàu sân bay và tàu ngầm nước ngoài neo đậu. Năm 2012, Việt Nam cũng cho biết sẽ chấp nhận để tàu chiến Nga neo đậu ở Cam Ranh. Một khi cả Nga và Mỹ đều sửa chữa và tiếp vận ở vịnh Cam Ranh thì hiệu quả kiềm chế Trung Quốc là rất lớn.

Trong khi Ấn Độ đang cảnh giác trước sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, Indonesia và Malaysia thì tuần tra ở vùng biển xa nhằm đối phó với Trung Quốc, còn Australia thì chuẩn bị nguy cơ Hải quân Trung Quốc tiến vào Nam Thái Bình Dương… hải quân các nước trong khu vực cũng đã bắt đầu để mắt đến Cam Ranh.

Cam Ranh và Subic – 2 cánh kéo trên Biển Đông

Theo “gợi ý” của ông Hiroyuki Noguchi, nếu kết hợp với vịnh Subic của Philippines, Cam Ranh sẽ tạo thành 2 cánh kéo sắc có thể khống chế sự bành trướng của đường lưỡi bò.

Tàu chiến USS Essex của Mỹ neo đậu tại vịnh Subic của Philippines.

Vịnh Subic, nơi đã từng là căn cứ lớn nhất của Hải quân Mỹ ở châu Á. Năm 1991, Philippines đã quyết định đóng cửa vịnh Subic và nhân cơ hội này, năm 1995, Trung Quốc bắt đầu tăng cường chiến lược bành trướng hải dương với việc cho xây dựng cơ sở quân sự trên đảo Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Giật mình trước động thái này của Bắc Kinh, Philippines đã nối lại các cuộc tập trận chung quy mô lớn với Mỹ và hoàn toàn ngả theo Mỹ. Trong năm 2011, Mỹ đã đồng ý viện trợ tăng cường trang bị cho quân đội Philippines. Chính vì thế Bộ Quốc phòng Philippines đang tỏ ý muốn mời Mỹ nối lại hoạt động của Subic với tư cách một căn cứ quân sự. Manila cũng đang nhất trí với phương án sử dụng vịnh Subic làm nơi neo đậu, tiếp nhiên liệu và sửa chữa tàu của Hải quân Mỹ.

Năm 2010, Việt Nam và Philippines đã ký bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng. Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2012, Philippines đã mạnh dạn lên tiếng tố cáo sự bành trướng trên biển của Trung Quốc khi yêu cầu Trung Quốc phải giải thích rõ những căn cứ pháp lý và mốc giới cụ thể của “đường lưỡi bò” đồng thời yêu cầu nước này phải “giải quyết một cách hoà bình” tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

“Khi cả Hà Nội và Manila cùng tăng cường thế trận “chung chiến hào” để phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, các cường quốc ở Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ phải tính chuyện sử dụng sao cho hiệu quả nhất cả hai quân cảng Cam Ranh và Subic trong thế trận này”, ông Hiroyuki Noguchi kết luận.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại