Chuyên gia Nga tiết lộ kế hoạch mới của TQ với J-31 ở Biển Đông

Vy Lam |

Trên các trang mạng TQ, nhiều cuộc thảo luận sôi nổi đang diễn ra xung quanh vấn đề: TQ có thể chế tạo một mẫu máy bay chiến đấu với khả năng cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), kể từ giai đoạn cuối thập niên 60 – đầu thập niên 70, đây là lần thứ 2 Trung Quốc nghiêm túc cân nhắc khả năng này.

Chuyên gia Vasily Kashin tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (trụ sở ở Moscow) nhận định:

Sự xuất hiện của mẫu máy bay mới sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực của quân đội Trung Quốc (PLA) ở châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là tại khu vực Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược.

Theo ông Kashin, không mấy bất ngờ khi vấn đề này được Trung Quốc cân nhắc lại một lần nữa. Khả năng thành công của dự án chế tạo loại máy bay này khá cao.

Ông Kashin cho biết thêm rằng, Trung Quốc cũng đang thiết kế các tàu tấn công đổ bộ có khả năng chở theo một số lượng lớn lính đổ bộ và có boong tàu được mở rộng.

Nếu được trang bị các máy bay cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng (V/STOL), những tàu chiến này có thể được triển khai như tàu sân bay hạng nhẹ, qua đó tăng cường năng lực của Hải quân Trung Quốc.

A J-31 fighter prepares to land. (Internet photo)

Tiêm kích tàng hình J-31

Ông Kashin cho hay, máy bay V/STOL của Trung Quốc có thể sẽ được tạo ra trên nền tảng thiết kế của máy bay chiến đấu J-31.

Đó là do J-31 được thiết kế dựa trên tiêm kích F-35 của Mỹ, trong khi đó, F-35 có biến thể F-35B, với khả năng cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng, được thiết kế cho Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Nếu dự án này được tiến hành, theo Kashin, hợp tác Nga – Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội mới.

Cùng với Anh, Liên Xô là một trong 2 nước đã phát triển và sản xuất các máy bay V/STOL.

Trong những năm cuối thập niên 80, Liên Xô đã tiến hành các cuộc thử nghiệm đối với mẫu tiêm kích siêu âm Yak-141 với khả năng cất cánh ngắn, hạ cánh thẳng đứng.

Yak-141 đang hạ cánh trên boong tuần dương hạm Baku(nay là tàu sân bay INS-Vikramaditya của Ấn Độ). Hồi sinh chương trình tiêm kích này được xem là cứu cánh cho hàng không hải quân Nga.

Yak-141 đang hạ cánh trên boong tuần dương hạm Baku (nay là tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ).

Năm 1995, Nga bán tài liệu kỹ thuật của Yak-141 cho công ty Lockheed Martin (Mỹ). Tài liệu này sau đó đã đóng vai trò lớn trong việc thiết kế tiêm kích F-35B.

Ông Kashin cho rằng, hiện tại, Nga có thể dùng cách tương tự để giúp Trung Quốc đẩy nhanh dự án.

Thêm vào đó, Nga đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển và sản xuất động cơ, cùng các hệ thống chuyên biệt khác dành cho các máy bay V/STOL.

Ví dụ, máy bay V/STOL đòi hỏi loại ghế phóng thoát hiểm đặc biệt cho phi công trong trường hợp xảy ra sự cố khi cất và hạ cánh thì từ thời Liên Xô, những chiếc ghế này đã từng được sản xuất.

Theo ông Kashin, dự án hợp tác phát triển V/STOL sẽ không tạo ra rủi ro cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga vì Moscow đã từ bỏ ý tưởng phát triển mẫu máy bay này.

Tuy nhiên, nếu hợp tác với Trung Quốc, Nga sẽ thu được lợi ích to lớn từ những khoản đầu tư công nghệ vào thập niên 80 - đầu thập niên 90.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại