Không biết vô tình hay hữu ý, Giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện hàn lâm khoa học Nga A. Sharavin, người đang có mặt tại cuộc tập trận này ngày 16/7 đã tuyên bố: “Xác xuất xảy ra chiến tranh giữa Nga và Trung Quốc là cực kỳ thấp, nhưng nếu như một xung đột giả định như vậy vẫn xảy ra thì Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa sẽ không thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh với Liên Bang Nga".
Ông cũng cho rằng “không ai có thể coi thường yếu tố vũ khí hạt nhân” và “Nga có ưu thế tuyệt đối trước Trung Quốc về cả vũ khí hạt nhân chiến thuật lẫn vũ khí hạt nhân chiến lược”. Còn về lực lượng vũ trang thông thường, nhất là lục quân thì sao?
Xin giới thiệu một số ý chính trong các bài viết gần đây của chính cấp phó của ông A. Sharavin là A. Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện trên về vấn đề này.
Quân đội Trung Quốc đã được tái trang bị vũ khí- trang bị kỹ thuật (VK-TBKT) hiện đại và đang tiến hành các cuộc tập trận tấn công.
Cả Nga và Phương Tây đều cho rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất các phương tiện kỹ thuật tác chiến chất lượng thấp và quy mô sản xuất không lớn.
Đây là chuyện hoang đường, vì mọi người đều biết rằng sản xuất bất kỳ một phương tiện kỹ thuật nào với số lượng ít đều không kinh tế (càng nhiều đơn vị thành phẩm được sản xuất, giá thành mỗi đơn vị càng hạ), các sản phẩm quân sự càng không phải là ngoại lệ.
Chính vì cả Nga và Phương Tây đều đang làm theo quy trình ngược nên cứ nghĩ rằng Trung Quốc cũng đang làm như họ .
Trên thực tế, Trung Quốc trung thành với một nguyên tắc là tiến hành công tác thử nghiệm rất lâu với nhiều kiểu phương tiện kỹ thuật (quân sự) cùng chức năng, lựa chọn mẫu có nhiều ưu điểm nhất, khắc phục các nhược điểm còn lại của mẫu đó.
Sau khi đã đạt được kết quả tối ưu theo các tiêu chí của mình đối với mẫu trên, Trung Quốc bắt đầu tiến hành sản xuất hàng loạt với một quy mô mà Nga và Phương Tây đều khó hình dung.
Không thể không nhắc tới một khía cạnh khác của vấn đề. Nếu xung đột quân sự Trung - Mỹ xảy ra thì không gian tác chiến sẽ là trên biển và trên không. Chính vì thế mà Mỹ và Phương Tây đặc biệt chú ý tới sự phát triển của Không quân và Hải quân chứ không phải là Lục quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Cũng không hiểu vì sao mà các nhà phân tích Nga cũng tư duy theo hướng đó và thường xuyên trích dẫn các nguồn thông tin về PLA từ Phương Tây.
Trong khi Nga có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc dài tới 4.300 km và những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với Nga vẫn còn nguyên. Dù muốn hay không Nga cũng không thể trốn tránh thực tế này.
Lục quân PLA đang phát triển rất nhanh, không kém gì Không quân và Hải quân: đổi mới nhanh về chất lượng trong khi vẫn duy trì các chỉ số về số lượng .
1. Ưu thế dân số đông
Mặc dù có sự cắt giảm đáng kể về quân số trong những năm 1980, PLA vẫn có quân số lớn nhất thế giới (2.285.000 người, số liệu năm 2012-ND) trong khi chất lượng được tăng cường rất đáng kể.
Nhờ có nguồn dự bị động viên rất lớn cho nên trong thời bình PLA đã có thể tận dụng được những ưu diểm của cả hai hình thức tuyển quân: tuyển theo chế độ hợp đồng và tuyển theo chế độ nghĩa vụ.
Một mặt, các công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với đất nước, mặt khác- ưu thế dân đông cho phép PLA lựa chọn những người ưu tú nhất phục vụ trong quân đội (trước hết là các thanh niên thành phố), nhiều người trong số họ sau khi hết hạn nghĩa vụ đã tình nguyện ở lại phục vụ theo hợp đồng.
Những thanh niên trẻ không được gọi nhập ngũ (chủ yếu là các thanh niên nông thôn ít học) đều phải qua các khóa huấn luyện quân sự cơ bản và sẽ trở thành một lực lượng dự bị động viên khổng lồ trong trường hợp có chiến tranh lớn xảy ra.
Có lẽ chính vì đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh như vậy mà Trung Quốc vẫn duy trì hệ thống động viên (kể cả đối với người dân và nền công nghiệp).
Cũng vì những lý do tương tự, đại bộ phận các binh đoàn trong Lục quân PLA vẫn là các sư đoàn. Chỉ có một khối lượng không đáng kể các binh đoàn được tái biên chế theo hình thức tổ chức lữ đoàn.
Chúng ta đều biết rằng các binh đoàn cấp lữ đoàn thường được sử dụng để tiến hành các cuộc chiến tranh cục bộ, còn các bình đoàn cấp sư đoàn được sử dụng để tiến hành các cuộc chiến tranh quy mô lớn.
2. Sức mạnh xe tăng Trung Quốc
Và để tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn, Trung Quốc đã xây dựng được một lực lượng xe tăng lớn nhất trên thế giới.
Hiện nay PLA đã được trang bị không ít hơn 4.000 xe tăng hiện đại Type-96 và Type-99 (theo một số nguồn khác thì con số này là 1.500 Type-96 và 200 Type-99, có lẽ đây là số liệu những năm 2005-2006), việc thay thế các xe tăng đã lạc hậu bằng các xe tăng hiện đại hơn được thực hiện theo nguyên tắc “một đổi một”. Điều đó có nghĩa là chất lượng được tăng cường nhưng số lượng vẫn giữ nguyên.
Tăng Type-96/96A đã được trang bị cho tất cả các quân khu của PLA, Type-99 mới được trang bị chủ yếu cho 3 quân khu: Thẩm Dương, Bắc Kinh và Lan Châu (chính 3 quân khu này có đường biên giới với Nga). Các tăng Type – 99 cũng đã bắt đầu được đưa vào trang bị cho các quân khu còn lại. Năng lực sản xuất các loại tăng này của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vào khoảng 200 đến 300 chiếc/năm.
Có một sự kiện mà nhiều người đã biết là vào tháng 12/2012 trong trận chiến giành thành phố Kherlin giữa quân đội hai nước Sudan và Nam Sudan, các xe tăng Type-96 của Lực lượng vũ trang Sudan đã bắn hỏng ít nhất 4 chiếc tăng T-72 của Sudan (nước này mua của Ucraina) trong khi không bị tổn thất một chiếc nào.
Như vậy, ít nhất thì các xe tăng “đại trà “ của Trung Quốc cũng không thua kém về chất lượng so với các xe tăng thông thường của Nga. Khó có thể giải thích kết cục trên là do các kíp pháo thủ xe tăng Nam Sudan được huấn luyện kém hơn lính xe tăng Sudan vì hiện không hề có một cơ sở nào để chứng minh.
Tất nhiên, cũng có thể cho rằng, các kíp lái xe tăng là người Trung Quốc, nhưng như thế thì các kíp xe T-72 cũng hoàn toàn có thể là những người Slavo ở phía Đông (ý nói là các lính tăng Ucraina- ND).
3. Xe chiến đấu nhiều và hệ thống pháo bắn dàn mạnh nhất
Trung Quốc đã chế tạo các xe lội nước với loại xe hàng đầu là xe tác chiến bộ binh WZ- 502 có lắp tháp pháo của xe chiến đấu bộ binh Nga BMP-3 (lực lượng lính thuỷ đánh bộ Trung Quốc đã được trang bị 300 xe loại này và Trung Quốc đang tiếp tục sản xuất thêm).
Dĩ nhiên, hiện tượng này được các chuyên gia đánh giá là để chuẩn bị cho các chiến dịch đổ bộ lên Đài Loan, mặc dù những chiếc xe này hoàn toàn có thể vượt qua các con sông, ví dụ như Amur và Ussuri (các con sông biên giới Nga- Trung) một cách dễ dàng .
Tuy nhiên sau đó các nhà thiết kế vũ khí Trung Quốc cho rằng rằng tính lưỡng dụng của xe lội nước làm giảm khả năng bảo vệ của xe nên đã thiết kế biến thể mới của loại xe chiến đấu bộ binh này – WZ-502G.
Do tăng cường lớp thép bảo vệ nên nó không thể lội nước được, song bù lại, theo các số liệu dựa theo các nguồn từ Trung Quốc, tháp pháo WZ-502G và phần đầu của xe có thể chịu được đầu đạn xuyên thép 30mm từ cự ly 1 km, còn thân xe có thể chịu được đạn xuyên thép 14,5mm từ khoảng cách 200 m.
Có một sự trùng hợp thú vị – 30mm là cỡ đạn pháo 2A42, vũ khí chủ yếu của xe chiến đấu bộ binh Nga BMP-2 và súng máy cỡ 14,5 mm là loại súng chỉ được trang bị cho các xe vận tải bọc thép của Nga (xe chiến đấu bộ binh Mỹ “Bradly” được trang bị pháo 25mm M242. Cỡ đạn tối đa của súng máy các nước Phương Tây là 12,7mm).
Ngoài các xe chiến đấu bộ binh hiện đại, Trung Quốc cũng đang tăng cường đưa vào biên chế các xe vận tải bọc thép và các phương tiện xe ô tô bọc thép, trong đó có cả những loại được thiết kế chế tạo theo công nghệ MRAP, có nghĩa là được sử dụng trong một cuộc chiến tranh chống du kích.
Pháo nòng cũng phát triển rất nhanh. Hiện Trung Quốc đã đưa vào trang bị pháo tự hành 155mm PLZ-05 (đã có ít nhất 250 khẩu đang có trong trang bị của các đơn vị).
Điểm mạnh truyền thống của Lục quân PLA là pháo phản lực. Nước này đã sản xuất rất nhiều hệ thống pháo phản lực bắn dàn dựa trên các mẫu do Liên Xô thiết kế và các mẫu do chính mình nghiên cứu thiết kế.
Hiện nay Trung Quốc là nước đã chế tạo hệ thống pháo phản lực bắn dàn mạnh nhất và có cự ly bắn xa nhất - WS-2 ( 6x400mm), với các biến thể đầu tiên có tầm bắn 200 km và biến thể mới nhất (WS-2D) có tầm bắn lên tới 350-400 km.
Kể cả MRLS và HIMARS của Mỹ lẫn “Smerch” (tầm bắn của “Smerch” chỉ là 90 km-ND) của Nga đều không có được tính năng kỹ- chiến thuật tương tự so với WS-2.
Nói chung , sử dụng hệ thống pháo phản lực bắn dàn để tiêu diệt các mục tiêu diện (có diện tích lớn) trên mặt đất có lợi hơn nhiều so với sử dụng không quân để tiêu diệt các mục tiêu đó (diện tích hủy diệt của “Smerch là 672.000 m2, không có số liệu về WS-2- ND).
Bởi vì trong trường hợp này có thể tránh được rủi ro là tổn thất các máy bay cực kỳ đắt tiền và các kíp phi công được đào tạo còn đắt tiền hơn, cũng không phải mất các khoản chi phí nhiên liệu cực kỳ đắt đỏ.
Thay vào đó, chỉ phải tiêu hao đạn dược (đạn pháo) mà đạn pháo thì rẻ hơn bom đạn hàng không nhiều. Độ chính xác không cao khi sử dụng hệ thống pháo phản lực bắn dàn có thể bù lại bằng một khối lượng lớn các đầu đạn được phóng đồng thời.
Ngoài ra, hiện nay, các đầu đạn của hệ thống hỏa lực bắn dàn đã có thể điều khiển được, kể cả đạn của WS-2. Việc sử dụng các máy bay không người lái trinh sát phục vụ cho các tổ hợp càng làm tăng độ chính xác khi bắn.
Hệ thống hỏa lực bắn dàn có ưu thế đáng kể so với tên lửa chiến thuật về công suất hỏa lực trong khi giá thành đạn pháo cũng rẻ hơn so với tên lửa. Nhược điểm chủ yếu của hệ thống pháo phản lực so với không quân và tên lửa chiến thuật vẫn được cho là cự ly bắn hạn chế. Nhưng cho đến thời điểm này Trung Quốc đã khắc phục được nhược điểm đó như đã trình bày ở trên.
Không khó để thấy rằng, từ chiều sâu của vùng Mãn Châu Lý các WS-2D có thể gần như ngay tức khắc tiêu diệt tất cả các đơn vị của lực lượng vũ trang Nga tại các khu vực Vladivostok- Ussursk, Khabarovsk và Blagoveshensk- Belogorsk.
Còn từ khu vực giáp biên giới của Mãn Châu Lý, các tổ hợp pháo phản lực bắn dàn trên có thể tiêu diệt các đơn vị quân đội và các căn cứ không quân Nga ở khu vực Chita và các xí nghiệp chiến lược tại thành phố Komsomlsk-trên sông Amur (có cả các nhà máy sản xuất máy bay tiêm kích chủ chốt của Nga hiện nay-ND).
Trong khi đó, các đầu đạn kích thước nhỏ của hệ thống pháo phản lực này có tốc độ trên siêu âm, thời gian từ khi phóng đến mục tiêu ở cự ly xa nhất không vượt quá 5 phút. Hệ thống phòng không Nga không thể phát hiện được chúng chứ chưa nói tới khả năng tiêu diệt.
Một cái khó khác là gần như không thể phát hiện được việc triển khai hệ thống pháo phản lực bắn dàn trên lãnh thổ Trung Quốc, bởi vì các tổ hợp phóng rất giống với các xe tải bình thường (các cụm ống phóng rất dễ ngụy trang để trông giống như các thùng xe của xe tải). Dĩ nhiên, loại vũ khí này tuyệt đối không phải là vũ khí phòng thủ mà hoàn toàn là một loại vũ khí tấn công.
Tuy “Tomahawk” của Mỹ có cự ly bắn xa hơn nhiều, nhưng tốc độ của nó dưới tốc độ âm thanh vì thế thời gian từ khi phóng đến mục tiêu ở cự ly tối đa không phải là 5 phút mà là 2 giờ trong khi các tổ hợp phóng của chúng (các tàu khu trục và và tuần dương) thì không thể ngụy trang được. Hiện NATO chưa có bất cứ loại vũ khí gì có tính năng kỹ- chiến thuật tương đương với WS-2.
Cho đến thời gian gần đây, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng điểm yếu của Lục quân Trung Quốc là không có máy bay lên thẳng tấn công. Trước đây thì qủa là như vậy, Trung Quốc chỉ có các máy bay Z-9 được chế tạo theo mẫu của máy bay lên thẳng “Dophin” của Pháp đã tương đối lạc hậu.
Nhưng đến nay, vấn đề trên đã được giải quyết. Trung Quốc đã đưa vào trang bị các máy bay lên thẳng tấn công WZ-10 được chế tạo theo công nghệ Nga và công nghệ phương Tây (đã đưa vào trang bị 60 chiếc và đang tiếp tục sản xuất).
Xem thêm:
Chuyên gia Nga chứng mình vì sao Trung Quốc không thể thắng (tiếp)
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!