Xuống nước là... không được phép
Trước thông tin tàu ngầm Trường Sa do doanh nhân người Thái Bình, ông Nguyễn Quốc Hòa tự chế tạo đã hoàn thiện giai đoạn thử nghiệm trong bể nước. Hiện tại, ông Nguyễn Quốc Hòa đang chuẩn bị những bước thử nghiệm tiếp theo quy mô hơn, đó là đưa tàu ngầm của mình ra sông hoặc biển để chạy thử.
Giữa tháng 2/2014, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết, việc thử nghiệm trong bể nước chỉ có thể đảm đáp ứng được khả năng lặn nổi của tàu, phần nào đó hoạt động của hệ thống không khí tuần hoàn AIP. Nhưng khi ra đến môi trường sông, biển, mọi thứ sẽ khác rất nhiều, vì khi đó môi trường nước sẽ có nhiều tác động, không được ổn định như trong bể. Với môi trường như vậy, tàu sẽ thử nghiệm thêm khả năng thăng bằng, khả năng chịu áp suất...
Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến cho rằng việc thử nghiệm tàu ngầm ngoài môi trường thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt với sự kiểm soát của chính quyền.
Theo tìm hiểu, Luật Hàng hải Việt Nam chưa đề cập đến phương tiện tàu ngầm. Danh mục đăng kiểm cũng chưa hề có. Danh mục các mặt hàng kinh doanh sản xuất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa có danh mục sản xuất tàu ngầm.
Từ đó, nếu đưa ra khỏi khuông viên của Công ty cơ khí Quốc Hòa thì sẽ chưa có một cơ chế nào để kiểm soát, đồng nghĩa với việc có thể bị khép vào phương tiện không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Đồng nghĩa với việc, dù có thử nghiệm thành công, tàu ngầm của ông Hòa cũng không được phép lưu thông trên sông, biển.
Thậm chí, ngay cả việc thử nghiệm để chứng minh tàu ngầm của ông Hòa đã thành công, có đủ tiêu chuẩn "tham gia giao thông" hay không cũng gần như bất khả thi, bởi chưa một cơ quan nào có tiêu chuẩn, quy định để đánh giá tàu ngầm.
Thậm chí, theo thông tin được đăng tải trên một tờ báo, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Thái Bình (chưa phát ngôn chính thức) cho biết: Ông Hòa để tàu ngầm trong Cty, hoặc dùng xe chở tàu ngầm đi nơi khác thì không sao, nhưng nếu như ông Hòa đưa tàu ngầm xuống mặt biển thì sẽ… bắt.
"Mách nước" thử nghiệm tàu ngầm
Trong khi đó, Kỹ sư đóng tàu Nguyễn Thái Bình, Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP HCM cho biết: "Để kiểm nghiệm tàu ngầm của ông Hòa có thành công hay không là một điều vô cùng đơn giản."
Kỹ sư Bình chia sẻ: "Đừng cho rằng tàu ngầm Trường Sa là một thứ gì đó phức tạp, khó hiểu. Trước hết, nếu muốn kiểm tra tàu này có đủ khả năng lưu thông trên hệ thống giao thông đường thủy hay không, thì cứ coi nó như một con đò, một con thuyền máy. Thử nghiệm nó thì cắm cho nó cái cờ thử nghiệm trên đầu (cờ chữ P), không cho lặn và bắt chạy lòng vòng trên mặt sông mặt biển. Như thế là Trường Sa đã đảm bảo khả năng của một con tàu cơ bản rồi nhé".
"Tiếp đến, để Trường Sa là tàu ngầm, thì chỉ việc đưa tàu ra một đoạn nước sâu, neo vào đó, sau đó đóng nắp tàu, cho tàu lặn xuống và nếu sau một vài tiếng mà tàu vẫn có thể nổ máy thì đồng nghĩa với việc hệ thống AIP của ông Hòa thành công. Kết hợp hai yếu tố này lại, Việt Nam sẽ có chiếc tàu ngầm đầu tiên tự sản xuất với công nghệ không khí tuần hoàn tiên tiến. Và thực sự thì việc này chỉ cần một đơn vị đăng kiểm phương tiện đường thủy của Thái Bình cũng có thể làm được, đâu cần phải ban bộ khoa học phức tạp. Khi nào ông Hòa muốn sản xuất hàng loạt, muốn kinh doanh thì lúc đó hẵng hay." - Kỹ sư Bình phân tích.
Kỹ sư đóng tàu Nguyễn Thái Bình bày tỏ: "Theo quan điểm của tôi, những người như ông Hòa là rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Thay vì gây khó dễ, ta hãy cứ tạo điều kiện cho ông ấy đi. Việt Nam cần nhiều hơn những người dám nghĩ dám làm như thế".
Tuy nhiên, là một người chuyên nghiên cứu về kỹ thuật đóng tàu nổi, tàu ngầm, đồng thời đã từng tận mục sở thị, được thăm quan rất nhiều tàu ngầm trên thế giới, từ mini cho đến những con tàu hiện đại... kỹ sư Bình cũng nhận định AIP là một thứ rất phức tạp và nguy hiểm. Một lần nữa, ông Bình khuyên ông Hòa nên đề phòng sự cháy nổ của hệ thống này, đặc biệt trong môi trường kín khí như khi lặn xuống dưới nước.