Phép màu được hình thành từ tâm phát nguyện của những con người ở chốn tu hành và chỉ có thể diễn ra ở vùng đất linh thiêng như Trường Sa…
Phát đại nguyện, thực hiện "một chữ, một lạy"
Chúng tôi đứng xếp hàng ngay ngắn, thành tâm vào dâng hương viếng chùa. Biển đảo Trường Sa nắng như đổ lửa nhưng trong khuôn viên chốn thiền môn, không gian đọng lại những khoảng xanh râm mát. Chùa Trường Sa trầm mặc dưới tán bồ đề, bàng quả vuông, phong ba... Nơi đây là chốn tịnh tâm của quân dân thị trấn Trường Sa và những đoàn khách từ đất liền định kỳ ra thăm đảo. Mái ngói rêu phong cong vút trên những bức tường vàng sậm. Nền chùa được lát bằng đá xanh, thứ đá quen thuộc sử dụng trong kiến trúc đình, chùa của người Việt. Qua năm tháng trong gió biển mặn mòi, những viên gạch, đá đã nhẵn bóng màu tín ngưỡng.
Sau khi dâng hương, chúng tôi chẳng ai bảo ai, tất cả ánh mắt đều tập trung vào hai viên gạch kỳ lạ, nằm ngay ở vị trí hành lễ của nhà chùa. Trong lúc nền gạch cùng một tông màu thì hai viên gạch nằm cách nhau chừng nửa mét lại bị lõm, mòn, nhẵn và đen bóng giống như được quét một lớp màu dầu đặc biệt. Từ câu chuyện và chứng kiến giờ hành lễ của Đại đức Thích Ngộ Thành (thường gọi thân mật là thầy Thành), trụ trì chùa Trường Sa, chúng tôi mới thấu hiểu tường tận điều đặc biệt đã xảy ra với hai viên gạch đổi màu ấy.
Sau lễ viếng chùa của đoàn công tác từ đất liền ra đảo, tôi xin phép thầy Thành được ở lại chùa. Giờ tụng kinh của thầy Thành bắt đầu. Trong không gian thanh tịnh ngan ngát khói hương, tôi để ý thấy thầy Thành đọc một chữ lại lạy một lạy. Thầy Thành hành lễ trong khung cảnh trang nghiêm, linh thiêng và thanh tịnh. Tôi rón rén từng bước, tắt đèn máy ảnh và tác nghiệp nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến sự tịnh tâm của thầy.
Sau buổi hành lễ, tôi hỏi thầy Thành về nghi lễ một chữ một lạy thầy vừa thực hiện, thầy nói: “Cũng là người ở chốn tu hành, nhưng khi hành lễ ở Trường Sa, nhà chùa phát đại nguyện trong các nghi thức hành lễ, tất cả để nguyện cầu cho quốc thái dân an, giữ vững hòa bình, toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cho đồng bào, phật tử Trường Sa an lành, hạnh phúc.”
Thầy Thành là vị Đại đức còn rất trẻ, năm nay tròn 30 tuổi. Được sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, năm 2010 thầy đi cùng Thượng tọa Thích Giác Nghĩa (gọi thân mật là thầy Nghĩa) ra Trường Sa. Là người trụ trì chùa Trường Sa, ngay từ những ngày đầu ra đảo, thầy Nghĩa đã phát nguyện hành lễ, tụng bộ kinh Pháp Hoa, là bộ kinh nói về giáo lý nhà Phật và những điều răn dạy của Đức phật. Nếu như ở trong đất liền, khi hành lễ đối với bộ kinh này, nhà chùa chỉ tụng chứ không lạy. Chỉ có những người phát nguyện mới lạy, và chỉ lạy theo những câu phù hợp với tâm phát nguyện chứ không lạy toàn bộ.
Nhưng khi ra trụ trì chùa Trường Sa, thầy Nghĩa trong lúc tụng kinh Pháp Hoa đã phát đại nguyện, thực hiện “nhất tự nhất lạy” (đọc một chữ, lạy một lạy). Tụng xong bộ kinh Pháp Hoa, thầy đã lạy đúng 80.000 lạy. Một thời gian sau, thầy Nghĩa trở về đất liền thực hiện nhiệm vụ do Giáo hội phân công, sau đó thầy sẽ tiếp tục trở lại Trường Sa. Thầy Thành thay thầy Nghĩa đảm nhiệm trụ trì chùa Trường Sa. Hằng ngày, buổi sáng thầy Thành lạy bộ kinh Pháp Hoa, buổi chiều lạy bộ kinh Vạn Phật.
Noi theo tâm phát nguyện của thầy Nghĩa, thầy Thành cũng phát đại nguyện, thực hiện tụng một chữ, lạy một lạy. Tụng xong một bộ, thầy lạy 11.000 lạy, sau đó lại quay lại từ đầu. “Khi lạy xong trọn bộ kinh Vạn Phật thì sẽ đạt 11 triệu 100 nghìn lạy. Đến nay, thầy đã lạy được 20 bộ.”, thầy Thành nói. Cũng theo lời thầy Thành, khi ở đất liền, mỗi năm thầy chỉ lạy từ 1-2 bộ kinh Vạn Phật. Từ ngày ra Trường Sa, cứ nửa tháng thầy lạy xong một bộ.
Tôi theo thầy Thành quan sát hai viên gạch có màu sắc khác biệt. Trên nền đá, hai viên gạch đã bị mòn, lõm xuống. Một viên lõm một vết, viên còn lại lõm hai vết sát nhau. Tôi xoa xoa lên mặt đá ngả màu đen bóng rồi thử làm theo thầy Thành, quỳ xuống lạy. Hai viên gạch ấy, một viên nằm ở ngay vị trí hai đầu gối của thầy, một viên nằm ở vị trí trán của thầy chạm xuống khi lạy. Với sự phát nguyện rất đáng trân trọng ấy, qua năm tháng với hàng vạn, hàng triệu lần lạy như thế, hai viên gạch đá xanh đã mòn vẹt và đổi màu ...
Sự phát đại nguyện ở chốn thiền môn của các nhà sư giữa trập trùng sóng biển Trường Sa là câu chuyện điển hình để lại nhiều suy ngẫm cho mọi người về lẽ sống tốt đời đẹp đạo, xuất phát từ tình yêu Trường Sa, từ tâm nguyện thiêng liêng trong mỗi trái tim ở vùng đất thiêng liêng giữa biển trời. Phát nguyện từ tâm, những việc làm của các nhà sư ở chùa Trường Sa không phải ai, ở đâu cũng làm được.
Cơ hội trau dồi giới đức, phẩm hạnh
Thầy Thành tâm sự với chúng tôi, theo sự phân công của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đến tháng 10-2013 thầy sẽ trở về đất liền. Tuy nhiên, tâm thầy đã phát đại nguyện với Trường Sa, nên thầy tình nguyện xin được gắn bó trọn kiếp tu hành ở Trường Sa. “Đối với người tu hành, trau dồi giới đức và phẩm hạnh là công việc cả đời. Thầy đã đi nhiều nơi, ở nhiều vùng và nhận thấy Trường Sa là cơ hội tốt nhất để trau dồi giới đức, phẩm hạnh!”.
Thầy Thành quê ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, xuất gia từ năm 12 tuổi, tu ở Tổ đình Vạn Phước theo bổn sư, Hòa thượng Thích Tâm Thọ. Năm 2001, thầy vào chùa Long Hòa, thị xã Long Khánh, Đồng Nai. Năm 2008 được phân công ra Khánh Hòa và hai năm sau, thầy ra Trường Sa dưới sự dìu dắt của Thượng tọa Thích Giác Nghĩa. Giữa biển trời mênh mông, tiếng chuông chùa Trường Sa ngân lên những tiếng vọng thiêng liêng. Cùng với tâm phát nguyện, dành thời gian cả ngày lẫn đêm cho việc hành lễ theo nghi thức linh thiêng, thầy Nghĩa và thầy Thành còn luyện thư pháp, trồng và chăm sóc cây xanh, củng cố, chăm sóc khuôn viên chùa Trường Sa.
Chùa Trường Sa là điểm văn hóa tín ngưỡng, nằm trong quần thể những công trình lịch sử, văn hóa của quân dân Trường Sa. Vào ngày Mồng một, rằm âm lịch hằng tháng và những ngày lễ, tết theo tín ngưỡng Phật giáo trong năm, cư dân Trường Sa lại đi lễ chùa, dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Liệt sĩ. Đời sống văn hóa, tín ngưỡng thiêng liêng ấy đã góp phần bồi đắp bản lĩnh, ý chí, đạo đức trong trái tim, tâm khảm mỗi người.
Chúng tôi lại rời Trường Sa trở về đất liền. Trước lúc chia tay, thầy Thành phát nguyện, lạy kinh nguyện cầu cho trời yên biển lặng, cho con tàu chở chúng tôi cập bến an toàn, mọi người được mạnh khỏe, bình an. Rời đảo lên tàu, chúng tôi nghe tiếng chuông chùa âm vang sóng biển. Tiếng chuông chùa thay lời chào tạm biệt. Ngày lại ngày nơi Trường Sa thân yêu, tiếng chuông ấy lại thêm những lần ngân vang trầm mặc, hai viên gạch đổi màu ấy lại thêm nhẵn mòn theo tháng năm. Sự bào mòn của đá làm cho tình yêu biển đảo trong ta đầy thêm, cho Tổ quốc nơi đầu sóng mãi mãi trường tồn. Khi ta nghĩ về điều ấy cũng là lúc tâm ta phát nguyện…