Chống hạm bằng trực thăng - Chiến thuật mới VN cần xây dựng

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Chống hạm bằng trực thăng mang lại khá nhiều lợi thế về chiến thuật nên Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu đầu tư.

Lợi thế của phương thức chống hạm bằng trực thăng

Trong những trận chiến hải quân hiện đại, tác chiến không đối hạm mang lại rất nhiều lợi thế về mặt chiến thuật cũng như có thể tạo ra được lợi thế về mặt chiến lược. Trong tác chiến không đối hạm, chống hạm bằng trực thăng giữ một vai trò khá quan trọng.

Trực thăng với khả năng bay rất thấp, sát mặt nước biển nên có thể khai thác tối đa điểm yếu về giới hạn đường chân trời mà các radar trên tàu chiến thường gặp phải. Với lợi thế đó, trực thăng có thể bí mật tiếp cận tàu chiến một cách bất ngờ rồi tung hỏa lực tiêu diệt.

Một lợi thế khác của trực thăng hạm tàu là khả năng cơ động tương đối cao, tốc độ di chuyển tương đối nhanh nên thời gian tiếp cận mục tiêu sẽ ngắn hơn nhiều so với tàu chiến. Những trực thăng đó nếu được trang bị thêm tên lửa chống hạm sẽ mở rộng đáng kể phạm vi tác chiến cũng như khắc phục những hạn chế về khả năng cơ động và tầm bao phủ mục tiêu của tàu chiến.

Đặc biệt, khi chống lại các tàu đổ bộ, tàu tấn công tốc độ cao của đối phương thì vai trò của trực thăng là cực kỳ quan trọng. Những tàu chiến này thường không có hệ thống phòng không đủ mạnh, nó thường sử dụng lợi thế tốc độ cao và hỏa lực mạnh của pháo và tên lửa để tấn công dồn dập vào mục tiêu.

Những tàu chiến lớn thường gặp khó khăn khi tác chiến với đối tượng này do khả năng xoay trở khá chậm chạp, pháo hạm thường không đủ độ chính xác để đối phó với các mục tiêu nhỏ di chuyển nhanh, tên lửa chống hạm không thể sử dụng ở phạm vi gần trong khi việc phát hiện các tàu chiến nhỏ từ xa để tiêu diệt gần như bất khả thi. Trong trường hợp này, trực thăng chính là lựa chọn tối ưu.

Lợi thế của chống hạm bằng trực thăng là quá rõ ràng nên gần đây các nhà sản xuất vũ khí trên thế giới đã đầu tư khá nhiều cho việc phát triển các loại vũ khí chống hạm phạm vi từ tầm gần đến tầm trung. Ngày 26/03/2014, Jane’s Defence Weekly đưa tin Anh và Pháp đã ký hợp đồng trị giá 827 triệu USD để hoàn tất quá trình phát triển vũ khí không đối hải dẫn hướng hạng nặng cho tương lai FASGW.

FASGW được phát triển bởi tập đoàn MBDA châu Âu, đây là một loại tên lửa chống hạm có kết cấu module trang bị cho trực thăng nhằm vô hiệu hóa các tàu tấn công nhanh, tàu đổ bộ, tàu hộ tống có lượng giãn nước từ 50-1.000 tấn.

Loại vũ khí chống hạm mới được phát triển dựa trên tên lửa chống hạm hạng nhẹ Sea Skua - FASGW có trọng lượng khoảng 100kg, mang theo đầu đạn nặng 30-40kg, sử dụng hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại hoặc laser bán chủ động. Tên lửa được thiết kế với khả năng “bắn-quên” nhưng nó cũng có khả năng bổ sung thêm kênh datalink để chuyển hướng sang mục tiêu khác theo yêu cầu từ tàu phóng.

Tên lửa mới dễ dàng tương thích với các loại trực thăng quân sự đang sử dụng phổ biến trong các nước NATO như: AW-159 Lynx Wildcat, NH-90, AS-565 Panther…

Chiến lược mới Việt Nam cần chú trọng đầu tư

Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.000km, chống lại các cuộc tấn công của đối phương từ đường biển là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã ghi nhận nhiều cuộc xâm lược của nước ngoài đến từ hướng biển.

Tên lửa chống hạm tương lai FASGW của châu Âu rất phù hợp với các trực thăng châu Âu mà Việt Nam đang sử dụng.

Tên lửa chống hạm tương lai FASGW rất phù hợp với các trực thăng châu Âu mà Việt Nam đang sử dụng.

Ngày nay, khi tác chiến hải quân đang trở thành một xu hướng chủ đạo của chiến tranh hiện đại thì việc chống lại các cuộc tấn công từ đường biển đối với Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn và có ý nghĩa sống còn đối với an ninh quốc gia.

Mặc dù thời gian gần đây, Hải quân Việt Nam đã được đầu tư hiện đại hóa khá mạnh song năng lực tác chiến vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là phạm vi tác chiến của các tàu mặt nước vẫn còn tương đối hẹp, chủ yếu phụ thuộc vào tầm bắn của các tên lửa chống hạm được trang bị.

Để khắc phục hạn chế này cũng như tăng cường khả năng tấn công đa dạng cho Hải quân Việt Nam thì lĩnh vực chống hạm từ trực thăng cần được chú trọng đầu tư. Việt Nam đang sử dụng trong biên chế khá nhiều trực thăng do châu Âu sản xuất như: EC-225 Super Puma, AS-332L2 Super Puma, EC-155B1.

Mặc dù phần tất cả các loại trực thăng này là phiên bản dân sự nhưng việc chuyển đổi để sử dụng với mục đích quân sự không phải là vấn đề quá khó khăn. Tương lai gần Việt Nam có thể mua thêm loại trực thăng AS-565 Panther, lưu ý là biến thể này đã được tích hợp khả năng trang bị tên lửa FASGW.

Nếu trực thăng EC-225 Super Puma của Hải quân Việt Nam được trang bị tính năng chống hạm sẽ nâng cao đáng kể sức mạnh chiến đấu.

Trực thăng EC-225 Super Puma của Hải quân Việt Nam nếu được bổ sung khả năng chống hạm sẽ nâng cao đáng kể sức mạnh chiến đấu.

Thời gian gần đây quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và các nước châu Âu đang có những bước phát triển vượt bậc, đó là một lợi thế lớn để Việt Nam tính đến khả năng tăng cường năng lực chống hạm bằng trực thăng với loại tên lửa FASGW.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên đàm phán với Nga để mua biến thể phóng từ trực thăng của tên lửa chống hạm Kh-35 trang bị cho các trực thăng Ka-28. Hiện tại, tàu chiến duy nhất của Việt Nam có thể mang theo trực thăng là tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, trong tương lai sẽ có thêm tàu hộ tống SIGMA 9814 có khả năng trang bị trực thăng của châu Âu.

Những loại trực thăng nói trên nếu được bổ sung thêm tính năng chống hạm bằng tên lửa FASGW của châu Âu hoặc Kh-35 của Nga sẽ nâng cao đáng kể sức mạnh chiến đấu cho Hải quân Việt Nam. Tên lửa chống hạm phóng đi từ trực thăng kết hợp cùng tên lửa chống hạm phóng từ tàu mặt nước, trên bờ và từ máy bay tiêm kích sẽ tạo nên thế trận tấn công nhiều tầng nhiều lớp cho phép hải quân nói riêng cũng như quân đội nói chung đối phó một cách hiệu quả với các cuộc tập kích từ đường biển.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại