Chiến tranh Nhật – Trung còn cách bao xa?

Theo Infonet |

Dù Nhật Bản và Trung Quốc lên tiếng bày tỏ mong muốn giải quyết cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bằng con đường đối thoại, nhưng những gì xảy ra thực tế quanh quần đảo này cho thấy chỉ còn 1 hoặc 2 nấc thang nữa là hai nước sẽ bước vào cuộc giao tranh quân sự với hậu quả khôn lường.

Trung Quốc đã trở thành thách thức quân sự nghiêm trọng đầu tiên đối với Hoa Kỳ kể từ thời Liên Xô cũ đến nay và rõ ràng là nước này bắt đầu “diễu võ giương oai” trên các vùng biển ở châu Á. 

Căng thẳng trong khu vực gia tăng do Trung Quốc có các cuộc tranh chấp về chủ quyền ở khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Nhưng cuộc tranh chấp gay go nhất là về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn diễn biến căng thẳng.

Quần đảo này nằm ở vùng biển giàu về tài nguyên dầu khí và có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Quần đảo này nằm trong chuỗi đảo cực nam chịu sự quản lý của Nhật Bản (bao gồm quần đảo Okinawa và các hòn đảo khác), ngăn cách biển Hoa Đông với Thái Bình Dương. Chuỗi đảo này có phần đuôi là quần đảo Senkaku, được cho là đóng vai trò như một hàng rào chắn bảo vệ, ngăn cản các con tàu hải quân Trung Quốc tiến ra vùng Thái Bình Dương rộng lớn.

Do đó, sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo này là một vấn đề đối với Bắc Kinh.

Cho tới tận cuối thế kỷ 19, Nhật Bản mới bắt đầu kiểm soát quần đảo này. Vào năm 1945, Hoa Kỳ tiếp quản Senkaku và trả lại quần đảo này cùng với Okinawa cho Tokyo vào năm 1972.

Trong những năm gần đây, khi phát hiện ra trữ lượng dầu khí ở vùng biển quanh quần đảo này thì Trung Quốc bắt đầu tăng cường tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku với lập luận rằng quần đảo thuộc về nước này từ thời xa xưa.

Cuộc tranh chấp bước vào giai đoạn “bùng nổ” khi chính phủ Nhật quyết định mua lại quần đảo này từ tay người chủ tư nhân. Động thái này đã khơi mào các cuộc biểu tình chống Nhật và chiến dịch tẩy chay hàng Nhật trên khắp đất nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là hai nước đang bước vào “trò chơi mèo vờn chuột” ở vùng biển này. Bắc Kinh đã điều các tàu đánh cá và tàu hải giám ra vùng biển này thường xuyên, và Nhật Bản phải điều Lực lượng canh gác bờ biển ra ứng phó. Hiện tàu hai nước, đôi khi số tàu lên tới hàng chục, thường xuyên đối đầu nhau trên vùng biển quanh Senkaku.

Có vẻ như mục tiêu của Bắc Kinh là giảm bớt quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo này. Với chiến lược thường xuyên điều tàu ra vùng biển quanh Senkaku, Trung Quốc muốn làm vô hiệu hóa quyền Nhật Bản trục xuất tàu nước ngoài ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế quanh quần đảo này. 

Trong những tuần vừa qua, Trung Quốc càng tỏ ra hiếu chiến hơn và căng thẳng gia tăng rõ nét.

Lần đầu tiên từ trước tới nay, Trung Quốc điều máy bay hải giám tới không phận quanh quần đảo. Và diễn biến tiếp theo xảy ra không nằm ngoài dự đoán: Nhật Bản đáp trả bằng cách điều chiến đấu cơ F-15 và tuần trước, Trung Quốc điều máy bay chiến đấu J-10 ra “giám sát” máy bay của Nhật Bản. 

Hiện chính phủ của tân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang chuẩn bị bước đi xa hơn: cho phép các phi công Nhật Bản bắn cảnh cáo đạn lửa trước mũi máy bay Trung Quốc nếu phớt lờ lời cảnh cáo yêu cầu rời không phận do Nhật kiểm soát.

Vừa qua, máy bay chiến đấu của Nhật Bản và Trung Quốc đã đối đầu nhau tại không phận quanh Senkaku/Điếu Ngư.

Nhật Bản và Trung Quốc đang ở trong tình thế căng thẳng tới mức bất kỳ sai sót nào cũng có thể trở thành mồi lửa cho giao tranh. Điều không khó dự đoán là Bắc Kinh cũng đã ra lệnh cho các máy bay chiến đấu Trung Quốc bắn cảnh cáo đáp trả nếu máy bay Nhật Bản bắn trước. 

Mặc dù lãnh đạo hai nước hứa sẽ “hạ nhiệt” tình hình nhưng một cuộc đối đầu ở độ cao 1.000 mét sẽ khó kiểm soát hơn rất nhiều so với cuộc đối đầu ở trên mặt biển diễn ra chậm và dễ theo dõi hơn.

Cuộc đối đầu Nhật – Trung cũng là một vấn đề đối với Hoa Kỳ, quốc gia đã kí kết hiệp ước quốc phòng với Tokyo và cam kết sẽ bảo vệ các lực lượng Nhật Bản nếu bị tấn công. 

Ngoài ra, Hoa Kỳ còn phải tuân thủ cơ chế bàn bạc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng và nếu Tokyo yêu cầu tiến hành các cuộc đàm phán quân sự như vậy thì Washington sẽ bị đẩy vào thế khó do chắc chắn là Bắc Kinh sẽ nhìn nhận các cuộc đàm phán như vậy là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.

Chính quyền Obama vừa qua cố gắng duy trì lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp này và thúc giục hai bên kiềm chế để giải quyết một cách hòa bình. Washington cũng tránh đưa ra bất kỳ lập trường gì về chủ quyền quần đảo Senkaku và thay vào đó ủng hộ tình trạng kiểm soát thực tế của Nhật Bản hiện nay đối với quần đảo này. 

Tuy nhiên, chiến lược đó của Hoa Kỳ có thể sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản do Tokyo nhìn nhận hành động điều máy bay ra không phận Senkaku là bước leo thang nghiêm trọng và là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh không có ý định lùi bước.

Rõ ràng, cuộc tranh chấp Nhật – Trung đã bước vào giai đoạn rất nguy hiểm. Mối “thâm thù” giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn tiếp diễn ở nhiều khía cạnh và hai nước hầu như không có thiện chí thể hiện sự cố gắng hay chuyến hướng cuộc xung đột. 

Trên thực tế, nhân dân hai nước tỏ ra không “ưa” nhau. Do hai nước có lực lượng quân đội hiện đại nhất châu Á nên bất kỳ “va chạm” quân sự nào giữa hai nước sẽ làm bất ổn cả khu vực.

Cơ sở cho triển vọng xấu là chính phủ hai nước vẫn tiếp tục luận điệu cứng rắn về quần đảo Senkaku bất chấp một thực tế là thương mại giữa hai nước đã giảm xuống gần 4% kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu hồi tháng 9/2012. 

Điều đáng lo ngại nhất là nếu hai bên không nhất trí quay trở về tình trạng trước khủng hoảng thì sẽ chỉ còn 1 hoặc 2 nấc thang nữa là hai nước sẽ bước vào xung đột quân sự trừ phi một trong hai hoặc cả hai nước rút lui lại luận điệu thù địch của mình. 

Dù là nước nào rút lui thì nước đó cũng sẽ mất uy tín rất lớn ở châu Á và sẽ bị dư luận trong nước phản đối dữ dội.

Đáng lẽ, triển vọng xung đột quân sự giữa hai quốc gia lớn nhất châu Á phải khiến hai nước hành xử đúng mực nhưng trên thực tế Nhật Bản và Trung Quốc lại đẩy mình vào một góc chết rất khó thoát ra ngoài. 

Chỉ cần phi công của một trong hai nước hành xử hung hăng hoặc quá căng thẳng thì châu Á có thể sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần II.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại