LTS: Cuộc chiến bình định lực lượng ly khai ở nước Cộng hoà Tresnia trước đây đã đem lại cho Nga nhiều bài học quý giá về vận dụng chiến thuật và vũ khí nhằm giúp cho chính quyền tổng thống Bashar al-Assad lật ngược cục diện chiến trường Syria hiện nay.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyến bài "Chiến thuật và vũ khí được Nga dùng để truy quét quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria".
Chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” kiểu Nga
Trong chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” kiểu Nga, công thức thành công thường gồm các lực lượng trinh sát đặc nhiệm, đặc công biệt động, không quân cường kích, pháo binh, bộ binh cơ giới và tăng thiết giáp hiệp đồng tác chiến trong một chiến dịch cụ thể.
Trước khi phát động chiến dịch, một lực lượng trinh sát đặc nhiệm và đặc công biệt động đáng kể đã được Quân đội Nga bí mật cho tiềm nhập và bố trí trên các tuyến giao thông chiến lược quanh mục tiêu.
Lực lượng này vừa làm nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình địch trước chiến dịch, vừa tổ chức các mũi phong toả giao thông và đánh chiếm đầu cầu phục vụ các lực lượng đổ bộ tạo thế bao vây khi chiến dịch được triển khai.
Khi chiến dịch được triển khai, lực lượng không quân cường kích của Nga sẽ tập trung bắn phá các hoả điểm và ổ đề kháng bảo vệ vòng ngoài mục tiêu nhằm làm tan rã hệ thống phòng thủ, tiêu diệt binh lực cùng vũ khí trang bị kỹ thuật của địch.
Đồng thời dồn tàn quân và dân chạy loạn tập trung vào mục tiêu đầu não của địch.
Tiếp theo, lực lượng bộ binh cơ giới và đổ bộ đường không sẽ được triển khai qua các đầu cầu được chuẩn bị trước để tạo thế bao vây quanh mục tiêu đầu não của địch.
Sau khi hình thành thế bao vây, lực lượng không quân cường kích và pháo binh Nga sẽ tập trung hoả lực tiêu diệt một số điểm chiến lược trong mục tiêu đầu não của địch, kết hợp với tuyên truyền tâm lý chiến để phân hoá lực lượng cố thủ của địch với dân chúng.
Qua đó mở hành lang nhân đạo cho dân chạy loạn và bộ phận đào bỏ ngũ của địch thoát ra.
Khâu cuối cùng của chiến dịch sẽ là các mũi tấn công thọc sâu của lực lượng tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới dưới sự yểm hộ mạnh mẽ của hoả lực pháo binh và không quân cường kích nhằm chia cắt và tiêu diệt mục tiêu.
Lực lượng xe tăng - thiết giáp và bộ binh cơ giới Nga triển khai tại Cộng hoà Tresnia.
Hoả lực Nga không ngần ngại bắn nát bất cứ vật cản nào trên đường tiến công đánh chiếm mục tiêu để tránh tổn thất cho lực lượng trên bộ trong các cuộc giao chiến đường phố với lực lượng cố thủ của địch.
Một bộ phận binh lực cố thủ của địch bị diệt khi mục tiêu đầu não của chúng bị đánh chiếm, trong khi đám tàn quân phá vây sẽ bị các lực lượng vây hãm vòng ngoài xử lý.
Trong chiến dịch khôi phục trật tự hiến pháp tại nước Cộng hoà Tresnia ly khai diễn ra từ tháng 8/1999, còn được gọi là “Chiến tranh Tresnia 2”, Quân đội Nga đã sử dụng chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” vừa nêu.
Họ đã tiêu diệt lực lượng ly khai và đã bình định thành công nước cộng hoà tự trị này.
Chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” kiểu Nga còn được áp dụng thành công trong:
- Chiến dịch đánh chiếm cứ điểm chiến lược Gori trong cuộc chiến với Gruzia năm 2008;
- Chiến dịch không đổ máu thu hồi bán đảo Crưm năm 2014;
- Các chiến dịch “nồi hầm” ở Miền Đông Ukraina và hiện nay đang diễn ra ở Syria.
Chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” của Nga tại Syria
Hiển nhiên là quân đội Nga hiện đang ứng dụng nhuần nhuyễn chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” kiểu Nga ở Syria nhằm thay đổi nhanh chóng cục diện chiến trường có lợi cho thế lực của tổng thống Bashar al-Assad.
Trước khi bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria, Nga đã triển khai xong hệ thống trinh sát chiến trường.
Theo đó, lực lượng trinh sát đặc nhiệm, đặc công biệt động, hải quân đánh bộ và phương tiện trinh sát hàng không vũ trụ ém quanh các mục tiêu chiến lược hiện do lực lượng IS và các nhóm Hồi giáo vũ trang chống chính phủ khác chiếm giữ trong lãnh thổ Syria.
Khi tiến hành không kích, lực lượng không quân cường kích và hải quân Nga đã tập trung hoả lực bắn phá mãnh liệt các cứ điểm vòng ngoài của cả IS lẫn các nhóm Hồi giáo vũ trang chống chính phủ khác.
Mục đích của các đợt không kích này là vừa tiêu diệt tại chỗ lẫn trên đường bức chạy đối với lực lượng khủng bố chống chính phủ.
Máy bay cường kích Su-25 của Không quân Nga tham chiến ở Syria.
Đồng thời vừa dồn đại bộ phận tàn quân còn lại của chúng vào các cứ điểm chiến lược như Aleppo, Idlib, Al-Raqqah và Palmyra để còn “bủa lưới phóng lao” trong giai đoạn chiến dịch trên bộ.
Những tấm lưới của lực lượng trinh sát đặc nhiệm, đặc công biệt động, hải quân đánh bộ của Nga, quân chính phủ Syria và liên quân tình nguyện Hồi giáo Shiite đã mở rộng cửa chờ các lực lượng phiến quân Hồi giáo chống chính phủ tụ về những cứ điểm trên.
Vấn đề là Nga sẽ sử dụng những mũi lao nào khi đã bủa lưới trong trận chiến trên bộ với các nhóm khủng bố và phiến quân Hồi giáo chống chính phủ Syria?
(Còn tiếp)