Chiến lược “trò chơi” của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên đang được truyền thông phương Tây “vẽ” lên như là một kẻ hiếu chiến và khiêu khích, khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, tình hình bán đảo Triều Tiên như hiện nay có thể là do chính quyền Mỹ đang tiếp tục thực hiện chiến lược lấy châu Á làm “trọng tâm” của mình.

Kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hồi tháng 12 năm ngoái và thử hạt nhân hồi tháng 2 vừa qua, những lời đe dọa và những hành động quân sự khiêu khích ngày càng gia tăng nhanh chóng. Hồi đầu tháng 3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn các lệnh cấm vận mới trừng phạt Bình Nhưỡng và Triều Tiên thì đáp trả lại bằng tuyên bố có thể tấn công phủ đầu nước Mỹ.

Chiến lược “trò chơi” của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm tới Khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên ngày 25/3/2012.

Tuy nhiên, theo tờ Sự thật (Pravda) của Nga, không phải chỉ mình Triều Tiên có giọng điệu hiếu chiến. Tổng thống mới của Hàn Quốc, bà Park Geun-hye cũng tuyên bố rằng nước này sẽ tấn công mạnh mẽ và nhắm trực tiếp tới giới lãnh đạo cấp cao Triều Tiên nếu bị tấn công.

Và sau đó chỉ vài ngày, Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu tập trận quân sự với Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở Hokkaido. Triều Tiên nhanh chóng điều động tên lửa tầm xa và bệ phóng tên lửa đa nòng tới các căn cứ quân sự của nước này đối diện đảo Baengnyeonydo của Hàn Quốc, nơi trước đây nhiều cuộc giao tranh đã diễn ra, và kêu gọi người dân Hàn Quốc trên hòn đảo này đi sơ tán. Tổng thống Hàn Quốc ra quyết định nới lỏng qui định đối với quân đội nước này trên biển Hoàng Hải.

Không lâu sau đó, Mỹ - Hàn thực hiện cuộc tập trận thường niên có tên gọi Đại bàng con (Foal Eagle) với sự tham gia của 10.000 binh sĩ Hàn Quốc và 3.000 binh sĩ Mỹ. Theo báo chí phương Tây thì Triều Tiên lên án rằng đây là cuộc tập trận bất thường, nhưng thực tế thì Triều Tiên đã biết từ trước về cuộc tập trận này và hàng năm đều đưa ra lời phản đối. Và chỉ vài ngày sau khi báo chí phương Tây “tung” ra lời phản đối của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo về kế hoạch tăng cường điều động tên lửa đánh chặn ở Alaska nhằm đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào về tên lửa của Triều Tiên.

Trong hơn 10 ngày qua, căng thẳng đã leo thang nhanh chóng với các cuộc tập trận hải quân dồn dập trên những vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên, máy bay B-52 bay lượn trên bầu trời Hàn Quốc diễn tập ném bom và sau đó là sự xuất hiện của máy bay ném bom B-2, loại máy bay tàng hình tiên tiến nhân của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel lại “đổ thêm dầu vào lửa” bằng tuyên bố rằng không nên nhìn nhận những lời đe dọa đầy khiêu khích của Triều Tiên là đe dọa “suông”.

Đáp lại, Triều Tiên cắt đứt đường dây liên lạc quân sự với Hàn Quốc và ngay sau đó tuyên bố hủy bỏ lệnh ngừng bắn và rằng nước này bước vào tình trạng “chiến tranh” với Hàn Quốc. Trong khi đó, từ trước tới nay Triều Tiên luôn đề nghị kí kết một hiệp ước hòa bình đầy đủ nhưng đều bị Mỹ từ chối.

Trong khi đó, cả hai bên đều tuyên bố rằng họ là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng, khiến cho tình hình vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn.

Nhìn ở dưới góc nhìn của Bình Nhưỡng, tình hình leo thang căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ quốc gia đã từng ném bom rải thảm đến mức gần như hủy diệt Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950. Trong cuộc xung đột này hơn 5 triệu người thiệt mạng và cuộc chiến 1950 bắt đầu bằng cái cớ là tập trận quân sự, cũng giống như các cuộc xung đột mới diễn ra trong những năm gần đây. Vì vậy, có thể hiểu tại sao Triều Tiên nhìn nhận các cuộc tập trận vừa qua của Mỹ - Hàn là mối đe dọa thực sự tới an ninh của nước này do Triều Tiên luôn đứng trước nguy cơ bị liên quân Mỹ - Hàn tiến hành chiến tranh xâm lược. Rất dễ hiểu nếu nột người đang sống ở Bình Nhưỡng cảm nhận rằng những hành động khiêu khích hiện nay từ phía Mỹ - Hàn chính là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Cả mặt lịch sử cũng như những kịch bản về một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới có vẻ như hợp với góc nhìn của Triều Tiên.

Chiến lược “trò chơi” của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên
Dưới góc nhìn của Bình Nhưỡng, Mỹ - Hàn đang có những hành động có thể là sự chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược Triều Tiên.

Chiến lược “trò chơi” hiện nay đang được thực hiện trên bán đảo Triều Tiên thông qua các hành động leo thang căng thẳng đang đẩy nguy cơ dâng cao ở cả hai bên. Điều khiến cho chiến lược này trở nên đầy rủi ro hơn là hai bên không hiểu rõ về nhau và không có mối liên hệ cá nhân nào giữa hai phía. Hiện cũng chưa có lực lượng nào làm trung gian hòa giải cho cả hai bên để tiến hành các cuộc đàm phán nhằm giảm nhẹ căng thẳng. Cả Nga và Trung Quốc đều lên tiếng yêu cầu hai bên kiềm chế. Các nhà bình luận chính trị quốc tế đang chỉ trích Mỹ vì khiêu khích Triều Tiên một cách không cần thiết.

Giới quan sát cũng thấy khó hiểu trước những hành động hiện nay của Mỹ, đặt câu hỏi không biết liệu Mỹ có hiểu hết hậu quả của những hành động của mình hay không. Bất kỳ hành động leo thang nào của một bên đều có thể khiến bên kia tính toán sai và dẫn tới xung đột quân sự, bất kể ở qui mô nhỏ hay rộng ra cả khu vực. Trong quá khứ, dưới chính quyền Clinton, nước Mỹ tỏ ra khôn ngoan và kiềm chế hơn bằng cách hủy bỏ các cuộc tập trận nhằm giải tỏa sự lo lắng của Bình Nhưỡng. Cho tới nay, sự khôn ngoan đó chưa được nhìn thấy ở chính quyền Obama.

Vì thế câu hỏi tiếp theo là liệu kịch bản “trò chơi” của Mỹ là do hiểu sai về hậu quả hay đó là sự cố ý?

Nếu nhìn dưới góc nhìn ở qui mô cả khu vực Đông Bắc Á thì mối lo ngại thực sự của Mỹ chính là Trung Quốc. Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên là cái cớ thuận tiện nhất để Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này trong lúc cắt giảm ngân sách do yêu cầu của Quốc hội Mỹ làm hạn chế sự điều động và hoạt động của quân đội nước này trong khu vực và các chính phủ như Nhật Bản đang đặt câu hỏi liệu có nên để quân đội Mỹ đóng quân trên lãnh thổ của mình hay không.

Tình hình căng thẳng leo thang như hiện nay sẽ khuyến khích Hàn Quốc đầu tư nhiều hơn cho quân sự và không có gì ngạc nhiên nếu Nhật Bản được đề nghị thể hiện vai trò quân sự lớn hơn trong khu vực và chính phủ Nhật chịu sức ép phải thay đổi Hiến pháp về quốc gia hòa bình. Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên cũng sẽ giúp quân đội Mỹ triển khai tới sát Trung Quốc hơn và tạo ra cớ để chính quyền Obama hoãn thực hiện cắt giảm chi tiêu quân sự dể đối phó với “kẻ thù mới” của Hoa Kỳ.

Làm căng thẳng Triều Tiên leo thang, chính quyền Mỹ có thể “xin” thêm tiền để củng cố năng lực quân sự vào thời điểm xuất hiện một “mối đe dọa đối với nước Mỹ”. Nếu chiến lược này của thành công, chính quyền Obama sẽ có thêm các nguồn lực cần thiết để củng cố tính hiệu quả của chiến lược lấy châu Á làm “trọng tâm” của mình.

Tuy nhiên, chiến lược này của Mỹ có thể sẽ phản tác dụng. Do căng thẳng leo thang, uy tín của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gia tăng và giúp củng cố vị thế chính trị và quân sự của nhà lãnh đạo này. Thêm vào đó, hành động khiêu khích của Mỹ sẽ khiến các đồng minh ít ỏi của Triều Tiên ủng hộ quốc gia này hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại