Chiến lược đột kích của tàu ngầm Mỹ và bài học cho Việt Nam

Minh Đức |

(Soha.vn) - Chiến lược tàu ngầm khôn ngoan đã giúp Hải quân Mỹ tiêu diệt hạm đội tàu chiến đông đảo của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ 2, Hải quân Mỹ chỉ có tổng cộng 288 tàu ngầm trên khắp các mặt trận, không thấm vào đâu so với hạm đội tàu ngầm khổng lồ lên đến 1.158 chiếc của Đức quốc xã hay hạm đội tàu ngầm hơn 300 chiếc của Hải quân Nhật Bản.

Tuy nhiên, số lượng tàu ngầm nhiều hay ít không quan trọng bằng chiến lược sử dụng nó. Hạm đội tàu ngầm hơn 1.000 chiếc của Đức quốc xã đã bị đánh tơi bời trong nửa sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Tàu ngầm có lợi thế là có thể tung ra đòn tấn công bất ngờ, gây thiệt hại nặng cho đối phương. Tuy nhiên, tàu ngầm có điểm yếu là gần như không có khả năng phòng vệ. Do đó, tàu ngầm chỉ nên sử dụng như một lực lượng đột kích cản trở, phá hoại hoặc gián tiếp phá hoại chiến lược của đối phương.

Mỹ đã sử dụng tàu ngầm làm lực lượng đột kích mũi nhọn phá hoại tuyến vận tải biển chiến lược của Nhật Bản qua eo biển Malaca trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Mỹ đã sử dụng tàu ngầm làm lực lượng đột kích mũi nhọn phá hoại tuyến vận tải biển chiến lược của Nhật Bản qua eo biển Malacca trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Hải quân Mỹ đã vận dụng một chiến lược hoàn toàn mới. Họ sử dụng tàu ngầm như một lực lượng mũi nhọn nhằm tiến hành các hoạt động phá hoại chứ không coi đây là lực lượng tấn công chính như chiến lược của Đức. Với chiến lược này, các tàu ngầm của Mỹ phục sẵn trên các tuyến vận tải chiến lược của Nhật Bản và ra đòn tấn công khi có cơ hội.

Bằng cách khai thác các đoạn mã liên lạc giữa các tàu ngầm và tàu chiến mặt nước của Nhật Bản, lực lượng tàu ngầm Mỹ luôn lựa chọn được thời điểm tung đòn tấn công hợp lý nhất. Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ còn vận dụng học thuyết Mahanian trong chiến tranh hải quân, tức tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng tàu ngầm và tàu tuần dương hạm để bảo vệ những lợi ích chiến lược từ xa.

Trong chiến lược này, lực lượng tàu chiến mặt nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ cho tàu ngầm, các tàu ngầm không ở quá xa so với các tàu chiến mặt nước. Mỗi khi tàu ngầm tấn công luôn có các đòn đánh nghi binh và phối hợp cùng các tàu chiến mặt nước để phân tán lực lượng của đối phương.

Chiến lược tàu ngầm của Đức nhanh chóng bị đánh bại là do thiếu sự hiệp đồng tác chiến giữa các tàu ngầm, tàu chiến mặt nước và không quân. Hạm đội tàu ngầm đông đảo của Đức quốc xã luôn bị đối phương đánh hội đồng như “cá nằm trong lưới”.

Trong khi đó, chiến lược sử dụng tàu ngầm đột kích vào biên đội tàu chiến Nhật Bản của Mỹ đã phát huy tối đa tác dụng trong khi giảm thiểu được tối đa thiệt hại. Trong số 288 tàu ngầm tham chiến của Mỹ, chỉ có 52 chiếc bị đánh chìm, trong đó có 48 chiếc ở Thái Bình Dương nơi tham chiến chính với Hải quân Nhật Bản.

Trong những cuộc chạm trán trên Thái Bình Dương, lực lượng tàu ngầm Mỹ đã đánh chìm 8 tàu sân bay, 1 thiết giáp hạm, 11 tàu tuần dương của Hải quân Nhật Bản. Chiến lược tàu ngầm của Mỹ hiệu quả đến mức gần như làm tê liệt khả năng chiến đấu của Hải quân Nhật Bản bằng cách cắt đứt tuyến vận tải biển chiến lược của xứ sở mặt trời mọc.

Bài học cho Việt Nam ở Biển Đông

Sự đông đảo về số lượng vũ khí trang bị chưa bao giờ là thế mạnh của Việt Nam. Chúng ta đã tiếp nhận tàu ngầm Kilo Hà Nội, chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 6 chiếc đặt hàng từ Nga. Tuy nhiên, hạm đội tàu ngầm 6 chiếc là một con số khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực nên chúng ta cần một chiến lược hợp lý mới phát huy tối đa hiệu quả của tàu ngầm.

Sử dụng tàu ngầm Kilo làm lực lượng đột kích dưới sự hộ tống của tàu chiến mặt nước và không quân là chìa khóa để Việt Nam duy trì lợi thế chiến lược trên biển Đông.

Sử dụng tàu ngầm Kilo làm lực lượng đột kích, dưới sự hộ tống của tàu chiến mặt nước và không quân là chìa khóa để Việt Nam duy trì lợi thế chiến lược trên Biển Đông.

Rõ ràng, chiến lược tàu ngầm của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 2 là một bài học vẫn còn nguyên giá trị mà Việt Nam cần tìm hiểu và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Chúng ta có lợi thế về địa lý trên Biển Đông và Kilo là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân chạy êm nhất thế giới hiện nay. Vì thế, có thể sử dụng tàu ngầm Kilo như một lực lượng trinh sát, đột kích mũi nhọn dựa vào lợi thế địa lý để bất ngờ tung đòn tấn công vào nhóm tàu chiến của đối phương, dưới sự hộ tống của các tàu chiến mặt nước cùng sự hỗ trợ của các tiêm kích Su-30MK2V.

Tương tự như chiến lược tàu ngầm của Mỹ, tàu ngầm Kilo chỉ nên hoạt động trong phạm vi có sự hỗ trợ của tàu chiến mặt nước hay không quân để có thể can thiệp khi cần thiết. Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm với chiến thuật tác chiến phi đối xứng.

Vận dụng chiến lược tàu ngầm của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2, lấy tàu ngầm Kilo làm lực lượng mũi nhọn cùng sự phối hợp của các tàu chiến mặt nước và không quân sẽ là chìa khóa để giúp Việt Nam duy trì lợi thế chiến lược trước một cuộc xung đột nếu có trên Biển Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại