Nguồn gốc động cơ
Thông tin này được hãng thông tấn TASS ngày 30/12/2015 dẫn tuyên bố của ông Alexander Karpov, Phó tổng giám đốc thứ nhất Nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk (CH Tatarstan, Nga) cho biết.
Theo đó, năm 2017, Nhà máy sẽ bàn giao cho Hải quân Nga 5 tàu chiến. “Đợt giao tàu kế tiếp vào năm 2017, chúng tôi sẽ giao Hải quân Nga 5 tàu chiến. Bên cạnh các tàu chiến và tàu tuần tra cỡ nhỏ này, chúng tôi còn bàn giao 1 tàu thuộc dự án 956”, ông Karpov nói.
Ông cũng nói thêm rằng đến năm 2021 Nhà máy sẽ đóng mới đến 25 tàu chiến. Nguồn tin cho biết thêm tàu chiến dự án 956 thực ra là số hiệu của tàu hộ tống săn ngầm Gepard 3.9 Nhà máy đang đóng cho Việt Nam.
Nhà máy này đang thực hiện hợp đồng đóng 2 tàu Gepard 3.9 có chức năng săn ngầm, số hiệu 956 và 957. Trước đó Nhà máy đã bàn giao 2 tàu Gepard 3.9 đầu tiên cho Hải quân Việt Nam, là các chiếc 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ.
Hai tàu Gepard 3.9 thứ 3 và 4 này đã bị giao trễ so với kế hoạch, do trục trặc phần động cơ của tàu, khi phía Ukraine từ chối giao hàng sau vụ Crimea ly khai và sáp nhập vào Nga. Phía Việt Nam đã chủ động đặt mua động cơ và giao cho Nhà máy lắp đặt.
Đại tướng Phùng Quang Thanh và mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard tại Triển lãm LIMA-2015.
Dù cho biết Việt Nam đã tự mua động cơ để trang bị cho cặp tàu Gepard 3.9 mới của mình nhưng ông Mistahov - Tổng giám đốc Nhà máy đóng tàu Gorky không tiết lộ về nguồn gốc của những động cơ này.
Tuy nhiên hồi tháng 5/2015, chính ông Renat Mistahov tiết lộ trên tờ VPK (Nga) rằng đây là những động cơ do Đức sản xuất. Theo ông Renat Mistahov, 2 con tàu này được sử dụng động cơ và bộ truyền động của Đức.
Trong phát biểu của mình, ông Mistahov cho biết, việc đóng 2 tàu Gepard cho Việt Nam sẽ được tiến hành theo đúng kế hoạch và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ không ảnh hưởng đến hợp đồng.
Ông Mistahov nhấn mạnh: "Không có bất kỳ vấn đề nào với châu Âu. Các công ty MAN và RENK của Đức sẽ cung cấp động cơ và thiết bị truyền động cho 2 tàu Gepard. Họ đã được cho phép xuất khẩu các sản phẩm này sang Nga thông qua một đối tác khác (Việt Nam)".
Tăng khả năng chống ngầm
Cặp tàu Gepard thứ 2 của Hải quân Nhân dân Việt Nam được đóng tại nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa 2 nước Việt - Nga. Lễ đặt ky đóng 2 tàu Gepard này được thực hiện vào ngày 24/9/2013.
Mặc dù chưa công bố cấu hình cụ thể của cặp tàu Gepard mới của Việt Nam nhưng theo truyền thông Nga, sức chiến đấu của chúng được tăng lên rất nhiều do được trang bị thêm hệ thống vũ khí chống ngầm cực hiện đại.
Theo nguồn tin trên, hệ thống vũ khí sẽ bao gồm: Pháo hạm AK-176M, 2 pháo bắn nhanh AK-630M, 1 hệ thống CIWS Palma, 2x4 tên lửa chống hạm Uran-E/UE.
Trang bị radar gồm: 1 đài radar cảnh giới Pozitiv-ME, 1 radar dẫn bắn Mineral-ME, 1 radar điều khiển hỏa lực pháo 5P-10-03E Laska, 1 radar hàng hải MR-231. Thiết bị thủy âm gắn vào thân tàu.
Trong khi đó theo website chính thức của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, các tàu Gepard 3.9 có lượng giãn nước đầy tải 2.200 tấn, chiều dài tổng thể 102,4 m; chiều rộng 14,4 m; chiều cao 7,25 m; mớn nước khoảng 5,6 m; tốc độ di chuyển tối đa khoảng 29 hải lý/h.
Tàu có tầm hoạt động 4.000 hải lý khi di chuyển với tốc độ 10 hải lý/giờ; khả năng hoạt động độc lập liên tục 20 ngày trên biển và được vận hành bởi kíp thủy thủ 84 người.
Trong tương lai, không chỉ Việt Nam sở hữu chiến hạm Gepard mà các nước Đông Nam Á cũng đang đứng trước cơ hội rất lớn sở hữu dòng chiến hạm này.
Cụ thể, tại triển lãm LIMA 2015 (Malaysia) hồi đầu năm 2015, Nga đã đưa mô hình tàu hộ vệ Gepard đến tham dự. Triển lãm đã quy tụ 512 công ty quốc phòng (so với 433 công ty ở 2 năm trước), với 65 tàu chiến và 110 máy bay.
Phía Nga có 18 công ty tham gia với diện tích gian trưng bày là 645 m2, trong đó có gian hàng của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (nơi đóng các chiến hạm Gepard cho Hải quân Nhân dân Việt Nam).
Nói về tương lai của tàu Gepard trong khu vực, ông Renat Mistahov cho biết, đây là mẫu tàu thu hút được nhiều sự quan tâm của các quốc gia ven biển và quốc đảo ở Đông Nam Á.