Dòng máy bay chiến đấu Su và MiG của Nga được cho là có công nghệ kém hơn so với các đối thủ F-15, F-16 và F-18 của Mỹ, bởi các chiến đấu cơ Mỹ được lắp đặt những thiết bị tối tân nhất, bao gồm radar hiện đại, tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử công nghệ cao. Tuy nhiên, lợi thế của các chiến đấu cơ Nga là dễ điều khiển và chiếm ưu thế trong các cuộc tấn công đột phá để chọc thủng phòng tuyến của đối phương. Trong một bài bình luận đăng trên tờ Financial Times, các chuyên gia quân sự nhận định trong một trận chiến cổ điển, lợi thế sẽ nghiêng về phía chiến đấu cơ Su và MiG của Nga.
Ngoài ra, máy bay chiến đấu Nga có giá rẻ hơn nhiều so với đối thủ cùng loại của Mỹ. Điều này giúp chiến đấu cơ của Moscow có tính cạnh tranh cao hơn so với máy bay chiến đấu của Washington.
Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ của Nga, ông Ruslan Pukhov cho biết: “Không quân Nga bắt đầu thua kém so với Mỹ từ khi Liên Xô chưa sụp đổ. Tuy nhiên, Nga sau đó đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển hệ thống phòng không, tiêu biểu là S-300 và S-400.”
Ông Ruslan Pukhov phân tích rằng giống như trong môn quyền anh: Nếu tay phải của của bạn yếu, bạn phải tìm cách bù đắp bằng một cánh tay trái mạnh mẽ. Các nhà chiến lược Liên Xô đã bù đắp sự yếu kém về công nghệ máy bay chiến đấu bằng phát triển hệ thống phòng không.
Theo các nhà phân tích quân sự của Mỹ, hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga đã làm thay đổi thế cân bằng trong lĩnh vực quốc phòng trên thế giới. Các hệ thống phòng không của Nga có tầm bắn xa và có thể tấn công đồng thời nhiều mục tiêu.
Năm 2010, Nga đã phải dừng chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Iran do sức ép từ phía Mỹ và Israel. Hiện tại, các quốc gia phương Tây cũng đang cố gắng thuyết phục Điện Kremlin không trang bị hệ thống phòng không này cho quân đội chính phủ ở Syria.