Chiến đấu cơ Đài Loan phải sợ 'mắt thần' trên Su-35 Trung Quốc?

Hải Đăng |

(Soha.vn) - "Su-35S với radar IRBIS-E sẽ có thể phát hiện máy bay F-16 của Đài Loan ở khoảng cách 400km. Điều đó có nghĩa là Su-35 chỉ cần tuần tra dọc biên giới đất liền là có thể trông thấy toàn bộ mục tiêu trên khắp Đài Loan".

"Tin xấu cho Đài Loan"

Thông qua việc mua sắm các thiết bị quân sự của Nga, Trung Quốc đang nỗ lực nâng tầm hoạt động của hệ thống phòng không hiện tại. Các chuyên gia Mỹ gọi đây là chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực của Trung Quốc.

Trung Quốc có kế hoạch mua hai hệ thống vũ khí mới của Nga để mở rộng phạm vi tấn công của hệ thống phòng không hiện tại từ 250km lên 400km. Điều này sẽ khiến toàn bộ lãnh thổ Đài Loan nằm trong phạm vi mạng lưới phòng không của Trung Quốc, đồng thời đe dọa quần đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc tự tuyên bố là thuộc về mình.

Đầu tiên là thương vụ mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 có tầm bắn 400km. Thỏa thuận này có khả năng đạt được sau năm 2017 khi nhà sản xuất  Almaz-Antey đã đáp ứng đầy đủ các đơn đặt hàng từ phía quân đội Nga.

Thứ hai là thương vụ mua tiêm kích đa nhiệm Su-35S. Theo Vasiliy Kashin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow, những chiến đấu cơ này sẽ không được trang bị loại radar Zhuk quen thuộc mà thay vào đó là một loại radar mới có tên IRBIS-E.

Chiến đấu cơ Su-35

Tiêm kích Su-35

Theo thông tin đăng tải trên website của công ty Tikhomirov NIIP (đơn vị sản xuất IRBIS-E), radar mảng pha quét điện tử bị động IRBIS-E có thể phát hiện và theo dõi 30 mục tiêu đang di chuyển trên không và tấn công 8 mục tiêu cùng lúc.

Ngoài ra, khi chuyển sang chế độ air-to-ground mode (không-đối-đất), nó có thể theo dõi 4 mục tiêu mặt đất hoặc theo dõi 1 mục tiêu mặt đất trong khi duy trì giám sát khu vực trên không.

Kashin nhận định đây là “tin xấu cho Đài Loan”, bởi Su-35S với radar mới sẽ có thể phát hiện máy bay F-16 của Đài Loan ở khoảng cách 400km.

Điều đó có nghĩa là Su-35 chỉ cần tuần tra dọc biên giới đất liền là có thể trông thấy toàn bộ mục tiêu trên khắp Đài Loan” – Kashin nói.

Radar IRBIS-E
Radar IRBIS-E

Tuy nhiên, đổi lại thì việc Trung Quốc chạy đua mua sắm những hệ thống vũ khí này có thể càng “tăng thêm quyết tâm để Mỹ và đồng minh châu Á đẩy nhanh sản xuất, mua bán và triển khai máy bay chiến đầu tàng hình thế hệ năm F-35” – Alexander Huang, chuyên gia quân sự tại Đại học Tamkang (Đài Loan) nhận định.

Thông tin mới nhất về thương vụ mua bán Su-35 giữa Nga và Trung Quốc đã được tiết lộ vào 10/6, khi Tổng giám đốc Tập đoàn quốc gia Rostex Sergey Chemezov cho biết thỏa thuận cuối cùng giữa 2 nước có thể sẽ được ký kết vào cuối năm nay.

Theo Kashin, hợp đồng sẽ có khả năng được ký vào buổi họp tiếp theo của Ủy ban liên chính phủ Trung-Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Mười tại Moscow.

Bản hợp đồng ban đầu dự kiến sẽ bao gồm 24 máy bay chiến đấu Su-35S cung cấp cho Trung Quốc, ngoài ra, Bắc Kinh có thể lựa chọn mua thêm 24 chiếc nữa nếu mọi việc tiến triển thuận lợi.

Dù Trung Quốc có sở hữu 24 hay 48 chiếc Su-35S thì cũng chưa đủ sức để tạo ra một mối đe dọa rõ rệt với Mỹ. Tuy nhiên, chúng có thể đặt ra một vấn đề lớn đối với Đài Loan khi mà không lực nước này vừa cho nghỉ hưu 56 chiếc Mirage 2000 và gần 50 chiếc F-5. Đài Loan hiện đang nâng cấp 126 máy bay chiến đấu nội địa và 145 chiếc F-16A/B.

Trước đó, Đài Loan có ý định mua 66 máy bay F-16C/D của Mỹ nhưng do sự can thiệp của Trung Quốc, Mỹ cuối cùng đã từ chối thương vụ này với Đài Loan. Thay vào đó, phía Mỹ đưa ra đề nghị về gói câng cấp toàn diện F-16A/B đang vận hành trong không quân Đài Loan, đồng thời mở rộng việc nâng cấp máy bay nội địa F-CK-1 Kinh Quốc của Đài Loan lên chuẩn F-CK-1D Hùng Ưng.

Tên lửa Hùng Phong 2
Tên lửa Hùng Phong 2

Ngoài ra, quân đội Đài Loan đã bắt đầu triển khai tên lửa hành trình tấn công mặt đất đầu tiên do nước này tự phát triển là Hisung Feng 2E (Hùng Phong 2E) và đang tiếp tục nghiên cứu một loạt các loại tên lửa hành trình chống tàu mới.

Thế nhưng, theo Douglas Barrie, chuyên gia hàng không quân sự tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại London (Anh), Đài Loan có thể phải cân nhắc lại sự quan tâm ngày càng tăng của mình đối với tên lửa hành trình tấn công mặt đất, bởi lẽ Su-35 với radar mới sẽ có khả năng phát hiện các mục tiêu nhỏ bay ở tầm thấp..

Barrie nhận định hệ thống radar IRBIS với tầm hoạt động lên đến 400km “có thể lấp đầy khoảng trống” để hỗ trợ số lượng máy bay cảnh báo sớm (AWACS) có hạn của Không quân Trung Quốc.

Hữu danh vô thực?

Tuy nhiên, theo một bài báo đăng trên tờ phương Đông của Trung Quốc, radar IRBIS-E chỉ là hữu danh vô thực mà thôi. Nếu Trung Quốc có thể nhập khẩu Su-35, cùng tên lửa không đối không tầm xa K-100 thì đó mới là nhân tố thực sự tăng sức mạnh cho không lực nước này.

Tên lửa K-100 (vốn có tên là R-172) được cho là có tốc độ tối đa là 3 Mach, tầm bắn lớn nhất tới 300km. Tầm phóng của K-100 vượt khoảng cách dò tìm của radar trang bị cho Su-27, Su-30, vì vậy, K-100 khi kết hợp với máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc sẽ tăng sức chiến đấu lên gấp bội cho máy bay chiến đấu thế hệ mới của Trung Quốc, thậm chí có thể dùng cho J-10 hoặc J-20.

Tên lửa không đối không tầm xa K-100 (còn gọi là R-172)
Tên lửa không đối không tầm xa K-100 (còn gọi là R-172)

Trong khi đó, động cơ 117S và radar IRBIS-E vốn là nguồn cảm hứng của đạo của Trung Quốc với Su-35 nhưng theo bài báo, chúng không phải là sản phẩm tiên tiến nhất thế giới, thậm chí chỉ là sản phẩm cấp 2 ở Nga. Radar Irbis-E càng chỉ là radar mảng pha quét điện tử bị động lỗi thời, kém xa động cơ máy bay thế hệ thứ tư thực sự và radar AESA. Từng có thông tin rằng chính các chuyên gia Trung Quốc cũng phải thừa nhận IRBIS-E thừa hưởng những "khiếm khuyết nghiêm trọng" truyền thống ở các radar của Nga, điển hình là trọng lượng và thể tích lớn, thiếu độ tin cậy và mức độ bảo dưỡng.

Theo một nguồn tin từ ngành công nghiệp của Đài Loan, nước này có thể sử dụng khả năng gây nhiễu của radar cảnh báo sớm đặt tại núi Leshan để đối phó với các hệ thống radar khác nhau của Trung Quốc. Hệ thống radar của Đài Loan ở Leshan được coi là một trong những hệ thống radar mạnh mẽ nhất trên thế giới. Một nguồn tin không chính thức cho biết nó có thể truyền dữ liệu trực tiếp tới quân đội Mỹ để cho phép họ kiểm soát và theo dõi hoạt động của máy bay và tên lửa trong lãnh thổ Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại