Theo đó, trong đợt huấn luyện kéo dài 10 ngày (từ 21/7), các phi công Ấn Độ, với những chiến đấu cơ Su-30MKI do Nga chế tạo, đã tỏ ra vượt trội so với các kíp phi công điều khiển tiêm kích Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh (RAF).
Phía Ấn Độ tuyên bố họ đã chiến thắng các cuộc không chiến với kết quả vô cùng ấn tương: 12-0.
Tuy nhiên, một nguồn tin của RAF đã nhanh chóng phản bác tuyên bố này:
"Những gì được công bố không khớp với kết quả phân tích của chúng tôi. Các phi công RAF và Typhoon đều thể hiện rất tốt trong suốt đợt huấn luyện, khi kết hợp, cũng như khi "đối đầu" với Không quân Ấn Độ" - Nguồn tin nói với tờ International Business Times.
"Cả 2 phía đều học hỏi được nhiều điều từ đợt huấn luyện và RAF rất mong chờ cơ hội tiếp theo để huấn luyện cùng với IAF" - Nguồn tin cho biết thêm.
Su-30MKI có thực sự đánh bại được Typhoon?
Tony Osborne, trưởng văn phòng của Aviation Week tại London, đồng tình với ý kiến của RAF.
Phát biểu trên tờ Independent, ông Osborne cho biết, điểm số mà IAF tuyên bố có vẻ ấn tượng, song đó chắc chắn chưa thể là thước đo thực tế khả năng chiến đấu.
Mặc dù vậy, ông Osborne cũng đánh giá rằng, Su-30MKI là một trong những mẫu máy bay chiến đấu mà Typhoon được thiết kế để đối phó và đánh bại. Vì thế, đây sẽ là một thách thức tiềm năng lớn.
Trước đó, tạp chí National Interest (Mỹ) đã xếp máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon vào danh sách 5 loại vũ khí đáng gờm nhất của châu Âu.
Theo đó, mặc dù Typhoon là máy bay chiến đấu thế hệ 4 nhưng nó lại có một vài tính năng của tiêm kích thế hệ 5, như “tàng hình”.
Chẳng hạn, Typhoon có diện tích phản xạ radar nhỏ và thiết kế giúp giảm độ bộc lộ radar.
Do Typhoon mang nhiều vũ khí bên ngoài thân nên công nghệ tàng hình của nó không được tiên tiến như các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Song, National Interest cho rằng, những đặc tính này giúp Eurofighter vượt trội hơn so với các mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4 khác vẫn còn hoạt động tới ngày nay.
Tốc độ và tính linh hoạt của Eurofighter khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều quốc gia trong và ngoài châu Âu.
Trong khi đó, theo RT, Anh đang gặp phải một số vấn đề với chương trình tiêm kích Typhoon.
Tháng 6 năm nay, Văn phòng kiểm toán của Anh (NAO) cho biết chương trình đào tạo máy bay chiến đấu Typhoon đã chậm trễ 6 năm so với kế hoạch.
NAO cảnh báo rằng, nếu chương trình này không được đẩy nhanh thì nước Anh sẽ thiếu hụt các kíp phi công được huấn luyện đúng cách.
Với Su-30MKI, RT cho biết, đây là một trong những mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến nhất do Nga thiết kế và được vận hành bởi một quốc gia nước ngoài.
Su-30MKI ban đầu được chế tạo tại Nga, sau đó Ấn Độ đã tự sản xuất các máy bay này theo giấy phép chuyển giao công nghệ năm 2004.
Quân đội Nga đã đặt hàng một mẫu chiến đấu cơ nội địa dựa trên phiên bản của Ấn Độ, chỉ thay thế một số thiết bị để phù hợp với tiêu chuẩn của Không quân Nga.