Bật lửa "chống gió"
Chiếc bật lửa Zippo được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1933 bởi công ty Zippo Manufacturing. Kiểu dáng của loại bật lửa này chịu nhiều ảnh hưởng từ một loại bật lửa của Áo và cái tên Zippo bắt nguồn từ “zipper” - khóa kéo.
Ban đầu, những chiếc Zippo được làm bằng đồng thau nhưng sau đó do nguyên liệu khan hiếm nên người ta chủ yếu sử dụng thép để thay thế, về sau vàng khối, bạc khối, đồng khối…cũng được đưa vào sử dụng. Cho đến nay, sau hơn 80 năm phát triển, đã có tới trên 500 triệu chiếc Zippo được sản xuất, chúng có mặt trên 200 quốc gia và được ưa chuộng không chỉ bởi kiểu dáng đặc biệt mà còn bởi nổi tiếng là chiếc bật lửa “chống gió”, nghĩa là vẫn cháy tốt trong gió và có thể giữ lửa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, mỗi chiếc Zippo đều có chế độ bảo hành trọn đời. Công ty kiêu hãnh khẳng định trên webite của mình: “Trong gần 75 năm, không một ai mất một xu nào để sửa chữa chiếc bật lửa Zippo, bất chấp tuổi tác hay điều kiện sử dụng của nó”.
Zippo được sử dụng với một loại xăng riêng, tuy nhiên đó không phải là xăng máy bay như nhiều người lầm tưởng. Loại xăng của Zippo có khói không màu, mùi nhẹ, nhạy lửa, đồng thời có tác dụng bảo vệ các chi tiết và phụ kiện khác. Tất nhiên người sử dụng có thể thay thế loại xăng này bằng bất cứ loại nhiên liệu hóa lỏng nào, ví như trong thời chiến người ta thường sử dụng cồn, dầu diesel và dầu hỏa nhưng nó sẽ không đảm bảo tính “chống gió” vốn tạo nên tên tuổi cho loại bật lửa đặc biệt này.
Zippo được sử dụng phổ biến trong quân đội Mỹ, nhất là trong thế chiến II. Thời kỳ này, người ta đã dừng sản xuất những sản phẩm bật lửa cho thị trường tiêu dùng và dành toàn bộ sức sản xuất cho quân đội Mỹ. Mặc dù giữa công ty Zippo và quân đội chưa bao giờ có một hợp đồng chính thức nhưng tất cả các cửa hàng quân nhu đều bán chiếc bật lửa hữu dụng này.
Kết thúc thế chiến II, Zippo được dùng nhiều trong việc quảng cáo cho các công ty lớn nhỏ suốt thập niên 60. Sau đó, dòng sản phẩm này tiếp tục được sản xuất rộng rãi và thay đổi theo sự phát triển của công nghệ với hàng nghìn kiểu dáng và thiết kế, tuy nhiên, điều đặc biệt là kết cấu của chiếc bật lửa vẫn không hề thay đổi.
Bùa chú tinh thần của lính Mỹ tại Việt Nam
Trong thời kỳ tham chiến tại Việt Nam, những chiếc Zippo được các binh sĩ Mỹ cực kỳ ưa chuộng. Hàng trăm nghìn lính mỹ đã mang Zippo sang Việt Nam. Có thể nói, "vật bùa chú, đồ dùng cá nhân, quà tặng, vũ khí" đều là những danh từ gắn liền với Zippo. Những người lính Mỹ ngoài việc dùng nó để hút thuốc, nắp bật có thể dùng để soi gương, họ còn trữ muối ở phần dưới bật lửa cho mỗi bữa ăn. Có người nói rằng Zippo còn được binh lính Mỹ dùng để truyền tín hiệu và cản đạn.
Một chiếc Zippo với biểu tượng phản chiến và lời oán thán của lính Mỹ: "Chúng tôi bị dẫn dắt bởi một đám bất tài để giết những con người bất hạnh và phải chết mà chẳng ai nhớ tới"
Một thói quen phổ biến nhất của lính Mỹ là họ thường khắc cả tên, hình vẽ và những khẩu hiệu lên chiếc bật lửa này. Hình ảnh được ưa chuộng nhất thời đó là hình bản đồ Việt Nam. Mỗi dòng chữ là mỗi cảm xúc khác nhau, có khi là hài hước, cũng có khi là nỗi nhớ nhà hay nỗi bức xúc với chính phủ Mỹ và cả nỗi tuyệt vọng về cuộc chiến không lối thoát. Bởi vậy, mỗi chiếc bật lửa gần như là một chứng tích về tâm trạng của lính Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam, chúng được nhìn nhận như một phần ký ức lịch sử.
Hình ảnh những chiếc Zippo cũng gắn liền với đau thương của đồng bào miền Nam khi hàng nghìn ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong các cuộc càn quét của lính Mỹ.
Hiện nay, do số người hút thuốc giảm dần nên mỗi năm số lượng Zippo được sản xuất lại ít đi. Mặc dù vậy giá thành của chúng vẫn rất đắt đỏ.
Sau chiến tranh Việt Nam, bởi chứa đựng những ý nghĩa vô giá mà ngày nay những chiếc Zippo thời chiến trở thành một dòng riêng biệt đối với những người sưu tập Zippo. Những chiếc Zippo đời đầu và những chiếc được chạm khắc bởi lính Mỹ sử dụng trong chiến tranh vẫn luôn được các nhà sưu tập lùng sục.
Tuy nhiên, có người khẳng định rằng những chiếc Zippo ấy đã không còn nữa, tất cả những chiếc đang được rao bán đều là hàng giả. Những người sành về Zippo nói rằng họ có thể phân biệt dễ dàng giữa một chiếc Zippo giả và một chiếc Zippo thật chỉ bằng tiếng “tách” khi mở, đóng nắp, hoặc nhờ kiểu chữ khắc trên đó, chữ được khắc trên một chiếc Zippo giả thua xa một chiếc thật. Thế nhưng không thể phủ nhận được rằng những chiếc Zippo giả ấy thật khó có thể phát hiện, chúng đã lừa được cả những nhà sưu tập trên thế giới!