Theo Richard Miles, Hải quân Trung Quốc đang ngày càng mạnh, giống như hình bóng của lực lượng hải quân Đức 100 năm trước.
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy, Miles cho biết: Thuở thiếu thời, sau khi nhìn thấy những con tàu của hạm đội Anh tại Portsmouth and Plymouth, Hoàng đế Đức Wilhelm II đã quyết tâm rằng ông muốn xây dựng một hạm đội tương tự cho nước Đức.
Wilhelm II đã bắt tay vào thực hiện một chương trình tham vọng, đưa Đức từ lực lượng hải quân lớn thứ 6 thế giới vươn lên vị trí số 2.
“100 năm sau đó, Trung Quốc cũng đang nhanh chóng và vững vàng xây dựng hạm đội hải quân viễn dương” – Miles viết.
Mặc dù thời thế đã thay đổi nhưng vẫn có một số điểm tương đồng giữa 2 phía, đặc biệt là tốc độ phát triển nhanh chóng.
Hải quân Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng...
Dẫn một bản báo cáo của Trung tâm phân tích hải quân, Foreign Policy nhấn mạnh rằng, vào năm 2020, Trung Quốc “sẽ trở thành lực lượng Hải quân “biển xa” mạnh thứ 2 thế giới”.
Theo Miles, củng cố sức mạnh quân sự sẽ giúp Trung Quốc ngăn chặn nguy cơ xung đột ở Đài Loan, cũng như cho phép nước này tham gia vào các cuộc tập trận hải quân quốc tế và công tác an ninh trên toàn cầu.
Trong khi Hải quân Trung Quốc ngày một lớn mạnh thì Hải quân Mỹ lại đang suy yếu. Vào năm 1989, Hải quân Mỹ có gần 600 tàu, dưới thời Tổng thống George W. Bush, lực lượng này còn 316 tàu.
Hiện nay, dưới thời Tổng thống Obama, Hải quân Mỹ chỉ còn 270 tàu - quy mô nhỏ nhất kể từ năm 1916.
... trong khi Hải quân Mỹ từ một lực lượng vô cùng hùng hậu đang ngày càng co hẹp.
Bản báo cáo công bố đầu năm nay của tổ chức tư vấn RAND cho biết, chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc kể từ năm 1996 đã chú trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo và hiện đại hóa trang thiết bị quân sự.
Trong số này có thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới Type 094 (lớp Jin), trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2, mang lại cho Trung Quốc năng lực răn đe đáng tin cậy đầu tiên trên biển.
Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa vào biên chế 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công hiện đại lớp Shang và dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 4 tàu lớp Shang cải tiến.
Trong giai đoạn 2004-2005, Trung Quốc còn biên chế 8 khu trục hạm tiên tiến, trang bị các tên lửa đất-đối-không với tầm bắn 100km hoặc xa hơn.
“Cuối năm 2003, chỉ 14% số tàu khu trục và 24% số khinh hạm của Trung Quốc được đánh giá là hiện đại (đủ khả năng phòng thủ và tấn công trước một đối thủ mạnh). Nhưng đến năm 2015, những con số đó đã tăng lên 65% và 69%” – Bản báo cáo viết.
Bản báo cáo cho rằng, sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc đặt ra nhiều thách thức cho Mỹ, thậm chí, nếu xảy ra xung đột, Trung Quốc có khả năng sẽ giành phần thắng mà chưa cần bắt kịp Mỹ về số lượng, chất lượng hay mức độ tinh vi của các hệ thống chiến đấu.