Đồng thời, các nước cũng huy động một loạt các nhà khoa học hàng đầu tham gia vào nỗ lực nhằm xác định xem liệu vụ thử hạt nhân đầy thách thức của Triều Tiên có thành công như lời tuyên bố của giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hay không.
Giữa lúc các nước Châu Á đang từng bừng chào đón tết cổ truyền Quý Tỵ thì Triều Tiên hôm qua (12/2) bất ngờ tuyên bố, nước này vừa thực hiện thành công một vụ nổ hạt nhân tại một địa điểm ngầm dưới lòng đất nằm ở phía đông bắc xa xôi của nước này.
Vụ thử hạt nhân mới nhất được xem là một bước đi quan trọng của Triều Tiên trong việc tiến tới mục tiêu chế tạo một quả bom hạt nhân đủ nhỏ có thể đưa lên tên lửa bắn tới Mỹ.
Bình Nhưỡng cho biết, họ đã thử một “quả bom A nhẹ và nhỏ hơn so với những lần trước nhưng sức nổ lại lớn hơn". Tuy nhiên, các nước bên ngoài vẫn chưa thể xác định chính xác những thông tin xung quanh vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên.
Bước đi trên đã tạo ra một loạt các hoạt động ngoại giao hối hả của các cường quốc trong và ngoài khu vực. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua đã tiến hành họp khẩn để bàn về sự kiện Triều Tiên thử hạt nhân. Trong khi đó, các quan chức Mỹ đã liên lạc với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc để tìm biện pháp đối phó với Triều Tiên.
Tổng thống Barack Obama trong thông điệp liên bang của mình đã tuyên bố sẽ bảo đảm an toàn cho các đồng minh trong khu vực Châu Á đồng thời đưa ra lời cảnh báo “sẽ hành động kiên quyết” với Bình Nhưỡng.
"Những hành động khiêu khích mà chúng ta chứng kiến ngày hôm qua sẽ chỉ làm cho Triều Tiên thêm bị cô lập bởi vì chúng ta luôn sát cánh bên cạnh các đồng minh, củng cố khả năng phòng thủ tên lửa của chúng ta và dẫn đầu thế giới trong nỗ lực hành động mạnh tay để đối phó với những mối đe dọa kiểu đó", ông chủ Nhà Trắng cho biết.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là sẽ thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn đối với Triều Tiên. Ngoài hành động mạnh mẽ trên mặt trận ngoại giao, nhiều nước Châu Á đang rầm rộ chuẩn bị các bước đi về mặt quân sự để đối phó với một Triều Tiên ngày càng thách thức và táo bạo.
Hàn Quốc báo động quân đội, triển khai tên lửa siêu mạnh
Hàn Quốc là nước đầu tiên tăng mức báo động trong quân đội đồng thời triển khai các tên lửa có khả năng tấn công bất kỳ địa điểm nào trên đất Triều Tiên. Seoul cũng tuyên bố sẽ đẩy mạnh phát triển tên lửa đạn đạo.
"Chúng tôi đã triển khai một tên lửa hành trình có độ chính xác cao cấp độ thế giới, có thể tấn công bất kỳ địa điểm nào hay toàn bộ các khu vực ở Triều Tiên”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc – ông Kim Min-seok cho các phóng viên biết tại một cuộc họp báo.
"Và chúng tôi cũng sẽ tăng cường phát triển các tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 800km dựa vào hiệp ước tên lửa vừa được sửa đổi với Mỹ”, Bộ trưởng Kim cho biết đồng thời nói thêm rằng, Hàn Quốc cũng sẽ xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa gọi là Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Không gian.
Theo thỏa thuận sửa đổi ký với Mỹ, Hàn Quốc được phép phát triển các tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 800km, hơn gấp đôi so với giới hạn tầm xa của tên lửa mà nước này được quyền phát triển trước đây.
Quân đội Hàn Quốc tuyên bố sẽ giám sát mọi dấu hiệu tiềm năng về các vụ thử tên lửa và hạt nhân thêm nữa từ phía Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ “có những đòn thứ hai, thứ ba mạnh mẽ hơn”, nếu Washington không từ bỏ chính sách thù địch đối với họ.
Seoul cũng sử dụng máy bay và tàu cùng với các chuyên gia để thu thập các mẫu không khí nhằm phân tích mức độ phóng xạ tăng lên sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Nhật Bản lo lắng tìm biện pháp đối phó với Triều Tiên
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vài giờ sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera đã miêu tả đó là một mối đe dọa lớn không chỉ đối với Nhật Bản mà với tất cả khu vực Đông Á.
Tokyo có lý do để lo ngại bởi gần như toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên – Rodong.
Bộ trưởng onodera tuyên bố, Nhật Bản sẽ củng cố khả năng quốc phòng, trong đó có khả năng đánh chặn tên lửa, để đối phó với mối đe dọa kiểu như trên. Tuy nhiên, vì Hiến pháp hòa bình ngăn cản khả năng Nhật Bản có được vũ khí hạt nhân và giới hạn phạm vi của lực lượng quân đội nước này nên Bộ trưởng onodera tin rằng, việc củng cố liên minh an ninh Mỹ-Nhật là vô cùng quan trọng.
Nhật Bản đang tìm cách thắt chặt liên minh với Mỹ và Hàn Quốc để đối phó với Triều Tiên. Cụ thể, Mỹ sẽ triển khai máy bay ném bom chiến lược tới Guam. Những chiếc máy bay của Không quân Mỹ có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân.
Song song với đó, Nhật Bản muốn bắt tay với Hàn Quốc để xây dựng khả năng răn đe Triều Tiên dựa trên vũ khí thông thường.