“Miếng bánh” thị trường châu Á
Trong bài viết trên tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), nhà phân tích Benjamin David Baker cho biết: Như đã đưa tin trước đó, một số quốc gia châu Á đang chi mạnh tay để mua sắm trang thiết bị quân sự.
Các nước như Indonesia, Malaysia và Trung Quốc đang mua máy bay chiến đấu, còn Australia và Pakistan đang lựa chọn tàu ngầm mới.
Trái với thời Chiến tranh Lạnh, khi các giao dịch mua bán quân sự chủ yếu được định đoạt bởi mối quan hệ chính trị với Mỹ hay Nga (cũng có thể là với Anh, Trung Quốc, Pháp nhưng hiếm hơn), thị trường vũ khí châu Á ngày nay hội tụ các nhà cung cấp khắp thế giới.
Công ty Dassault của Pháp là một trong những “người chơi” đang cố gắng mở rộng hoạt động tại khu vực này.
Tiêm kích Mirage IIICJ trong bảo tàng Không quân Israel.
Được biết đến với mẫu chiến đấu cơ Mirage, Dassault từng giành được được hợp đồng cung cấp cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Israel, Argentina và Đài Loan.
Những máy bay này trở nên phổ biến nhờ độ tin cậy cao và giá cả phải chăng, đồng thời là một phương án thay thế hợp lý cho các mẫu chiến đấu cơ của Mỹ và Liên Xô.
Rafale vật vã phá vỡ “lời nguyền” 14 năm
Rafale, mẫu máy bay chiến đấu mới nhất của Dassault, là phương tiện chiến đấu ưu việt.
Máy bay có 2 động cơ, là tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4, tức là nó có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ như tác chiến không-đối-không, không-đối-đất, không-đối-hải và trinh sát tầm xa.
Ngoài ra, Rafale có thể mang theo vũ khí hạt nhân và là một thành phần trong lực lượng răn đe hạt nhân trên không và trên biển của Pháp.
Được đưa vào biên chế từ năm 2001, Rafale đóng vai trò là tiêm kích chủ lực của quân đội Pháp, cùng với máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon và Mirage 2000 – mẫu chiến đấu cơ hiện đại khác của Dassault.
Rafale từng tham gia chiến đấu tại Libya, Mali, Afghanistan và hiện đại đang tham gia chiến dịch chống IS của Pháp ở Syria.
Các nguồn tin quân sự cho biết, vào hôm qua (23/11), loạt máy bay tiêm kích của Pháp đã cất cánh từ tàu sân bay Charles De Gaulle để tấn công IS.
Máy bay Pháp xuất kích từ tàu sân bay đánh IS
Rafale còn được xuất khẩu sang Ai Cập và Qatar, mỗi nước đặt hàng 24 chiếc. Nhưng đây là những thành công không dễ gì đạt được. Trước đó, Rafale vẫn luôn bị “ám” bởi cái dớp 14 năm đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa xuất được chiếc nào.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Rafale là Ấn Độ.
Ban đầu, Ấn Độ có kế hoạch mua 126 chiếc Rafale vào năm 2012 nhưng thỏa thuận này đã gặp phải rất nhiều rào cản do sự bất đồng về giá cả và những yêu cầu điều chỉnh tính năng kỹ thuật máy bay mà Ấn Độ đưa ra.
Hiện tại, số lượng máy bay mà Ấn Độ đặt mua đã giảm xuống còn 36 chiếc, 2 phía vẫn đang tiếp tục đàm phán các vấn đề chuyển giao công nghệ và các điều khoản bồi hoàn.
Tiêm kích Pháp cất cánh từ tàu sân bay đánh IS
Có cơ hội cho Rafale?
Theo nhà phân tích Baker, mặc dù gặp thất vọng tại Ấn Độ nhưng Dassault vẫn có những khách hàng tiềm năng khác tại châu Á – Thái Bình Dương.
Malaysia bắt đầu thay thế các máy bay chiến đấu MiG-29 đã già cỗi và đang đề nghị các công ty trên khắp thế giới tham gia đấu thầu.
Ngoài Rafale, Eurofighter Typhoon, Gripen C/D của Saab (Thụy Điển) và F/A-18E Super Hornet của Boeing đang được chính phủ Malaysia cân nhắc.
Mặc dù có nhiều suy đoán rằng mẫu tiêm kích Gripen sẽ giành chiến thắng nhờ mức giá cạnh tranh nhưng Dassault vẫn tự tin rằng Rafale có cơ hội thắng cuộc.
Theo hãng tin Reuters, Dassault hy vọng cung cấp cho Kuala Lumpur 18 máy bay Rafale.
Dassault vẫn tự tin rằng Rafale (trên) có thể vượt qua Gripen (dưới) để giành chiến thắng ở Malaysia.
Ngoài phạm vi châu Á, Canada vừa tuyên bố sẽ rút khỏi chương trình tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter sau chiến thắng của Đảng Tự do trong cuộc bầu cử tại nước này vào tháng trước.
Dassault có vẻ sẽ “chào hàng” Canada mẫu tiêm kích Rafale để thay thế cho F-35, nó có một số lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh Typhoon, Gripen và Super Hornet.
Dù kết quả thế nào thì việc Canada rút khỏ dự án F-35 sẽ gây ra những tác động rất lớn đến các nước thành viên khác trong chương trình này, như Australia do JSF vốn đã là vấn đề gây tranh cãi tại quốc gia này.
Rafale cho thấy Dassault vẫn là một “đấu thủ” toàn cầu trên sàn vũ khí quốc tế.
Mẫu máy bay này đang thực hiện rất tốt vai trò của mình trong quân đội Pháp và việc giành được hợp đồng tại Ai Cập, Qatar cho thấy Rafale có thể cạnh tranh với những loại chiến đấu cơ tốt nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, Dassault cũng đã nhiều lần thất bại. Tại châu Á – Thái Bình Dương, Rafale đã không thể giành được hợp đồng với Singapore và Hàn Quốc.
Theo Baker, những ngày hoàng kim của Dassault trong Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.
Điều này không có nghĩa công ty Pháp sẽ sản xuất ra những chiến đấu cơ chất lượng kém nhưng có vẻ như họ sẽ phải nỗ lực hơn nữa để cạnh tranh được trên thị trường ngày càng đông đúc này.