Tờ The Christian Science Monitor đăng bài viết cho hay:
Dự án tiêm kích thế hệ năm T-50 đầy tham vọng của Nga được phát triển để trở thành đối thủ của 2 mẫu máy bay tàng hình Mỹ, đó là F-22 Raptor và F-35 Lightning-II.
Tuy nhiên, giờ đây, có vẻ như T-50 không phải là đối thủ của F-35 về sức mạnh chiến đấu, mà là ở các vấn đề phát triển.
Mới đây, Kremlin tuyên bố giảm số lượng tiêm kích T-50 xuống còn ¼ so với kế hoạch ban đầu.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết:
“Trước đó, Bộ Quốc phòng có kế hoạch mua 52 chiếc T-50 trong giai đoạn đến năm 2020 để trang bị cho Không quân. Hiện nay, Bộ chỉ có kế hoạch mua 12 chiếc T-50”.
Tiêm kích tàng hình T-50
Quyết định này có vẻ là một bước lùi trong chương trình tái trang bị của Tổng thống Putin– một nhân tố quan trọng trong những nỗ lực của Nga nhằm lấy lại vị thế siêu cường thời Xô Viết.
Tuy nhiên, sự cắt giảm mạnh trong kế hoạch mua mẫu máy bay thế hệ mới này cũng cho thấy sự sáng suốt của một bộ phận lãnh đạo quân đội Nga.
Có vẻ họ đã nhớ lại rằng, Liên bang Xô Viết từng rơi vào cảnh kiệt quệ như thế nào khi dấn thân vào một cuộc chạy đua vũ trang toàn lực với Mỹ.
Theo tờ Kommersant (Nga), những khó khăn về tài chính là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định cắt giảm số lượng T-50.
“Trong điều kiện kinh tế mới, kế hoạch mua sắm loại siêu tiêm kích T-50 ban đầu sẽ được điều chỉnh lại”– Ông Borisov nói.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng các vấn đề kỹ thuật có thể đóng vai trò nhất định trong quyết định này.
Tháng 6/2014, một nguyên mẫu T-50 đã bất ngờ bốc cháy khi vừa hoàn thành bay thử nghiệm. Tới nay, nguyên nhân vẫn chưa được công bố chính thức.
Cận cảnh khu vực bị cháy trên chiếc T-50
Alexander Golts, một chuyên gia quân sự độc lập nói:
“Chúng ta có thể cho rằng có vấn đề nhưng hiện có rất ít thông tin chắc chắn.
Chẳng hạn như, các nguyên mẫu T-50 đang sử dụng động cơ cũ, liệu loại động cơ mà chúng cần đã được phát triển hay chưa? Chúng ta không có thông tin nào về điều này”.
Hiện nay, tiêm kích tàng hình “thế hệ 5” duy nhất đang hoạt động trên thế giới là F-22.
Dây chuyền sản xuất mẫu máy bay này đã bị hủy bỏ vào năm 2009, sau khi chưa đầy 200 chiếc được chế tạo.
Quân đội Mỹ đang chờ đợi một mẫu tiêm kích mới hơn nhưng cũng vô cùng đắt đỏ, đó là F-35.
Tuy nhiên, chương trình F-35 đã gặp phải những trì hoãn và các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng.
T-50, mẫu máy bay tàng hình tiên tiến với những khả năng mà các máy bay thế hệ trước không có được, đã khiến phương Tây có phần lo ngại.
Moscow đưa ra dự án T-50 để chứng tỏ khả năng nhảy vọt của Nga qua quãng thời gian suy yếu, sau khi tổ hợp công nghiệp – quốc phòng Nga “sụp đổ” theo Liên bang Xô Viết.
Ngoài ra, thông qua dự án này, Nga muốn tung ra một loại vũ khí của thế kỷ 21 mà có thể trở thành đối thủ của loại vũ khí tốt nhất Mỹ từng đưa ra.
Phần lớn các loại vũ khí hiện tại của Nga đều được chế tạo từ thời Liên Xô dù đã được tích hợp công nghệ mới.
Chỉ có 3 dự án đang trong giai đoạn thử nghiệm là hoàn toàn được phát triển ở thời hậu Xô Viết.
Đó là dự án tiêm kích tàng hình T-50, xe tăng T-14 Armata và tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo Bulava.
Theo một số thông tin gần đây, Nga cũng đã quyết định cắt giảm đơn đặt hàng xe tăng Armata và thay vào đó là tiếp tục sử dụng các mẫu xe tăng cũ hơn từ thời Xô Viết trong vài năm tới.
Hiện không có thông tin nào về số phận của những dự án lớn mà các lãnh đạo quân đội Nga đã tuyên bố.
Chúng bao gồm dự án siêu tàu sân bay vượt trội tàu sân bay Nimitz của Mỹ và dự án máy bay vận tải siêu thanh khổng lồ có thể vận chuyển 400 xe tăng đến bất cứ nơi nào trên thế giới.