Theo hãng thông tấn RIA Novosti, Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã chốt thời điểm bàn giao cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ hai cho Hải quân Việt Nam vào năm 2017 và sẽ thảo luận về việc cung cấp thêm 2 tàu tiếp theo.
So với cặp tàu Gepard đầu tiên thì cặp thứ hai chỉ có một thay đổi đáng kể đó là đã được bổ sung chức năng chống ngầm.
Tuy nhiên sang đến cặp thứ ba, rất có thể chúng sẽ có sức mạnh cả tấn công lẫn phòng thủ tương đương với các khu trục hạm 4.000 tấn, điều này cũng phù hợp với đường hướng phát triển và thực tế diễn ra trong thời gian qua.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard nâng cấp
Ông Renat Mistahov, Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cho biết, họ có kế hoạch trang bị tên lửa Klub cho các tàu Gepard và khả năng cao đây sẽ là phương án dành cho phía Việt Nam.
Trước đó, tàu Gepard số hiệu 693 mang tên Tatarstan của Hải quân Nga đã bắn thử thành công tên lửa Klub, cho thấy việc tích hợp vũ khí này lên tàu là hoàn toàn khả thi.
Dựa trên mô hình mới nhất được Nga công bố và nhiều khả năng Việt Nam sẽ chọn cấu hình trên thì pháo A-190 cỡ 100 mm sẽ chiếm vị trí của pháo AK-176M cỡ 76,2 mm, 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M ở đuôi tàu cũng được nâng cấp bằng 2 module Palma.
Thay đổi đáng kể nhất, giúp mang lại sức mạnh vượt trội đó là bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK mang 8 tên lửa Klub được lắp đặt phía trước phần thượng tầng, thay thế vị trí của module Palma trên các tàu cũ.
Bên cạnh đó Gepard mới còn có hangar để mang theo trực thăng trong những chuyến đi biển dài ngày.
Với cấu hình trên, cặp tàu Gepard thứ ba của Việt Nam ngoài việc vươn lên trở thành “sát thủ diệt hạm” hàng đầu khu vực sẽ có thêm khả năng tấn công các mục tiêu trong đất liền của đối phương, đây là điều mà rất ít lực lượng hải quân trên thế giới có được.
Có thể nhận thấy ở cấu hình này, tàu tuy mạnh về năng lực tấn công nhưng lại không thể đảm nhiệm vai trò phòng không hạm đội, điều mà Hải quân Việt Nam đang thiếu, do vậy chúng ta còn có một lựa chọn sau đây.
Mô hình nâng cấp thứ hai của tàu Gepard đã xuất hiện trước đó khá lâu, có một số nét tương đồng với cấu hình trên như cũng sử dụng pháo A-190 và 2 module Palma ở phía đuôi tàu.
Tuy vậy, ở vị trí bệ phóng UKSK của tên lửa Klub lại là 12 ống phóng thẳng đứng của tên lửa 9M317M thuộc hệ thống phòng không tầm trung Shtil-1. Tàu vẫn trang bị tên lửa diệt hạm Uran-E và không có nhà chứa máy bay.
Trường hợp lựa chọn cấu hình này, chúng ta sẽ có một chiến hạm đủ sức tạo nên chiếc ô phòng không hạm đội đúng nghĩa, thay vì chỉ bảo vệ được bản thân với hệ thống Palma.
Ngoài ra, do đã chính thức giới thiệu tên lửa chống hạm KCT 15 (được cho là dựa trên nguyên mẫu Uran-UE với tầm bắn 260 km) nên rất có thể các tàu chiến tương lai của Hải quân Việt Nam đều sẽ dùng "hàng nhà trồng được", đây là lợi thế lớn của phương án thứ hai.
Tóm lại, cả hai cấu hình nâng cấp của tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard đều có sức mạnh vượt trội so với nguyên bản, không hề thua kém các chiến hạm có lượng giãn nước lên tới 4.000 - 5.000 tấn.
Bất kể lựa chọn phương án thứ nhất hay thứ hai thì sức mạnh đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam cũng sẽ được nâng lên một tầm cao mới.