"Cánh tay thần chết" của Nga

Hệ thống chỉ huy Perimetr (Chu vi) được Mỹ và phương Tây đặt cho biệt danh “cánh tay thần chết”.

Nhân ngày truyền thống (17/12), Tư lệnh Bộ đội tên lửa chiến lược Nga (RVSN- viết tắt theo tiếng Nga) X.Karakaev khẳng định là lực lượng này hiện đủ khả năng đảm bảo sự cân bằng chiến lược cần thiết (cách hiểu truyền thống về khái niệm cân bằng chiến lược là: sự cân bằng của các loại vũ khí hạt nhân tầm bắn xuyên lục địa (hơn 5.500 km) có trong trang bị của hai siêu cường (Liên Xô- Mỹ trước đây và Nga- Mỹ hiện nay).

Vài lời nói đầu

Cụ thể hơn, đó là khả năng của các loại vũ khí này trong một khoảng thời gian ngắn đạt được các kết qủa quyết định, tiêu diệt một nửa dân số và 2/3 tiềm lực công nghiệp của đối phương dù bất kỳ ai là người phát động tấn công trước – tức đảm bảo chắc chắn tiêu diệt lẫn nhau) và là một phương tiện kiềm chế hiệu quả (loại trừ khả năng đối phương tấn công mà không bị trừng phạt).

Đồng thời, tướng X. Karakaev cũng cho biết là Nga đang thực hiện đổi mới vũ khí chiến lược không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Cụ thể là các tên lửa đạn đạo Xô Viết sẽ trực chiến tối đa đến năm 2022 và trong giai đoạn từ 2018 đến 2020, các tên lửa đạn đạo mới nhất Sarmat (chưa có nhiều thông tin về loại tên lửa này) sẽ dần thay thế loại tên lửa huyền thoại Xô Viết Voevoda (Quỷ Sa tăng - theo cách gọi của NATO).

Tuy nhiên, thế cân bằng chiến lược hiện nay đang đứng trước một số thách thức mới mà đích thân Tổng thống Nga V.Putin đã đề cập đến trong Hội nghị quân sự mở rộng BQP Nga cuối năm 2013:

1/ Khả năng Lực lượng kiềm chế hạt nhân của Nga bị tê liệt nếu đối phương tiến hành một đòn tấn công ồ ạt bằng vũ khí chính xác cao – ví dụ hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn quả trên lửa có cánh từ biển và từ trên không.

2/ Mỹ đang tìm cách hoàn thiện hệ thống MD (hệ thống này rõ ràng là để chống lại Nga) và đây cũng là một đe dọa (vì vô hiệu hóa khả năng đánh đòn đáp trả của Nga như đã nói ở trên).

Nhưng cũng nói như V.Putin thì: “Chúng tôi hiểu rất rõ các mối đe dọa đó và tự biết mình phải làm gì”. Nga sẽ làm gì? Đấy là câu chuyện về sau, chỉ biết rằng thời Liên Xô, các nhà khoa học và kỹ sư Xô Viết đã chế tạo được một loại vũ khí (có thể gọi như vậy) đảm bảo chắc chắn là trong bất kỳ trường hợp nào đối phương cũng sẽ bị trừng phạt bằng vũ khí hạt nhân. Xin giới thiệu với bạn đọc một số chi tiết mới được giải mật thời gian gần đây về loại vũ khí này:

Đòn tấn công “báo thù” - “Cánh tay thần chết”

Cả Mỹ và Liên Xô khi chế tạo thành công bom nguyên tử đã nghĩ ngay đến việc tránh một đòn tấn công “tước khí giới” và đảm bảo khả năng đánh đòn trả đũa trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Một trong những giải pháp kỹ thuật được Liên Xô thực hiện để giải quyết nhiệm vụ trên là hệ thống chỉ huy Perimetr (Chu vi) mà Mỹ và phương Tây đặt cho biệt danh là “cánh tay thần chết”.

 Phiên bản đầu tiên của “Cánh tay thần chết”
Phiên bản đầu tiên của “Cánh tay thần chết”

Bản chất (hay nhiệm vụ) của Perimetr như sau: Ngay cả trong trường hợp bị tấn công bất ngờ và toàn bộ giới lãnh đạo chính trị và quân sự tối cao của đất nước bị tiêu diệt thì lệnh đánh đòn trả đũa bằng vũ khí hạt nhân sẽ được đưa ra một cách tự động và chắc chắn sẽ được chuyển đến các khẩu đội tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các thành tố khác của Lực lượng hạt nhân còn sống sót.

Lúc ấy sẽ không cần “các va li hạt nhân”, hệ thống chỉ huy Kazbek cũng như đường dây liên lạc với các Bộ tham mưu của RVSN và Hải quân.

Chi tiết hơn: Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân ồ ạt vào lãnh thổ Liên Xô, một quả tên lửa giống hệt như tên lửa Voevoda sẽ được tự động phóng lên từ một hầm phóng. Nhưng quả tên lửa này không mang đầu đạn mà mang một hệ thống các thiết bị điện tử cực kỳ tinh vi – đó chính là Perimetr. Các thiết bị điện tử này sẽ liên tục kiểm tra và đo một loạt các tham số trên lãnh thổ Liên Xô như: mức độ phóng xạ, có hay không các điểm bức xạ ion và bức xạ điện từ, các dao động địa chấn.

Tiếp đó là kiểm tra cường độ các cuộc trao đổi trên mạng liên lạc vô tuyến quân sự và kiểm tra tình trạng các sở chỉ huy. Nếu các sở chỉ huy đã bị tiêu diệt, nếu tất cả các tham số được kiểm tra cho thấy thực sự đã có một cuộc tấn công hạt nhân – lúc đó lệnh đánh đòn trả đũa sẽ được Perimetr tự động truyền ngay lập tức đến các cụm quân của Lực lượng hạt nhân còn lại trong các hầm phóng, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân.

      Phóng thử nghiệm “Cánh tay thần chết”
Phóng thử nghiệm “Cánh tay thần chết”

Nguyên tắc làm việc của Perimetr

V. Iarynhich- một trong những nhà thiết kế Perimetr cho biết thêm: “Hệ thống được thiết kế theo nguyên tắc nó sẽ ở trong trạng thái “chờ” nếu quan chức cao cấp có thẩm quyền chưa ra lệnh kích hoạt trong tình huống khủng hoảng. Khi được kích hoạt nó sẽ giám sát một hệ thống các cảm biến- địa chấn, phóng xạ, áp suất không khí để kiểm tra có các dấu hiệu của các vụ nổ hạt nhân hay không.

Trước khi phát lệnh đánh đòn trả đũa, hệ thống này phải kiểm tra lại 4 “nếu” (“có” hoặc “không”) gồm:

1/ Có việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Xô Viết hay không (qua các tham số như đã nói ở trên).

2/ Nếu điều đó có vẻ đúng, hệ thống kiểm tra tiếp xem có các liên lạc (ví dụ như giữa Bộ tham mưu RVSN, Hải quân ..) với Bộ Tổng tham mưu hay không.

3/ Nếu có liên lạc, hệ thống sẽ tự động ngắt một khoảng thời gian – từ 15 phút đến 1 tiếng- trong trường hợp không có các dấu hiệu tấn công tiếp theo, với mặc định cho rằng những quan chức có thể ra lệnh phản công vẫn còn sống.

4/ Nhưng nếu như không có liên lạc nào với Bộ Tổng tham mưu, Perimetr quyết định là ngày phán xét cuối cùng đã đến và ngay lập tức chuyển quyền ra quyết định phóng tên lửa trực tiếp cho bất kỳ ai (sỹ quan trực chiến) vào thời điểm đó đang có mặt tại các boongker sâu dưới lòng đất mà không cần qua các cấp chỉ huy trung gian khác.

Lịch sử “Cánh tay thần chết”

Hệ thống “Cánh tay thần chết” được thiết kế chế tạo dưới sự lãnh đạo của Công trình sư thiết kế tên lửa nổi tiếng V. Utkin theo quyết định của Chính phủ Liên Xô ngày 30/8/1974. Lần phóng tên lửa chỉ huy 15A11 với đầu 15B99 mang hệ thống Perimetr đầu tiên được thực hiện tháng 12/1979. Năm 1982, hoàn thành tất cả công tác thử nghiệm. Tổ hợp được đưa vào trực chiến tại sư đoàn tên lửa cận vệ cờ đỏ số 7 đóng tại vùng Tver.

Hiện nay không ai biết chắc chắn số phận của Perimetr. Điều đó cũng dễ hiểu vì đây là bí mật quân sự. Chỉ biết chắc chắn về 2 thông tin:

1/ Theo Hiệp ước về vũ khí tấn công chiến lược START-1 thì trung đoàn được trang bị tên lửa 15A11 này đã giải thể ngày 1/9/1995 (nhưng không loại trừ khả năng đây không phải là trung đoàn duy nhất được trang bị loại tên lửa này) .

2/ Tháng 12/2011, Tư lệnh Bộ đội tên lửa chiến lược X.Karakaev cho biết là hệ thống Perimetr vẫn đang trực chiến.

Phiên bản “Perimetr” cải tiến
Phiên bản Perimetr cải tiến

Trong tương lai

Cuối năm 2013, Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng Nga D.Rogozin đã tuyên bố là trong trường hợp bị tấn công (kể cả bằng vũ khí thông thương) thì trong một số trường hợp nhất định, Nga dành cho mình quyền giáng trả bằng vũ khí hạt nhân (Học thuyết quân sự Nga cũng có điều khoản này).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi là Nga sẽ thực hiện đòn đánh trả hạt nhân bằng cách nào? Khi giao nhiệm vụ thiết kế Perimetr, không ai có thể hình dung là Mỹ có khả năng đánh đòn “tước vũ khí” lực lượng hạt nhân của Nga bằng vũ khí phi hạt nhân chính xác cao.

Hiện nay, Mỹ đang ráo riết triển khai chiến lược “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” – tức là tiêu diệt mục tiêu ở bất kỳ điểm nào trên trái đất bằng vũ khí thông thường chính xác cao chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ sau khi nhận lệnh.

Một chuyên gia quân sự Nga đã đưa ra một kịch bản như sau: Hàng nghìn quả Tomahawk được phóng đi từ các tàu và máy bay từ Vùng Cực, Biển Địa Trung Hải, Biển Baltic hay Biển Đen hoặc từ Thái Bình Dương. Lực lượng phòng không và Không quân tiêm kích (Nga) sẽ tiêu diệt được một phần trong số đó nhưng chắc chắn không phải là tất cả. Các mục tiêu chủ yếu của một đòn tấn công như vậy với xác xuất gần 100% sẽ là các căn cứ tên lửa và các sở chỉ huy của Nga.

Nếu ý tưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Nga X.Shoigu về việc thành lập Trung tâm phòng thủ quốc gia đặt tại tòa nhà của Bộ Tư lệnh Lục quân Nga tai phố Frunsenskaia Nabereznaia dọc sông Moscow được thực hiện thì không cần quá nhiều Tomahawk để xóa sổ một lần toàn bộ giới lãnh đạo chính trị - quân sự Nga.

Perimetr lúc ấy cũng trở thành vô dụng (cho dù nó vẫn đang trực chiến). Đơn giản vì lúc ấy sẽ không có phóng xạ, không có bức xạ ion hoặc bức xạ điện từ (Tomahawk mang đầu đạn thông thường). Sẽ không còn ai để ra lệnh đánh đòn trả đũa.

Biện pháp đối phó của Nga như thế nào, xin dẫn các nhận xét của 2 nhân vật rất am hiểu trong lĩnh vực này (trong đó có một nhân vật có thẩm quyền).

Iasin, cựu tham mưu trưởng Bộ đội tên lửa chiến lược Nga (lược ý):

“Trong điều kiện Mỹ phát triển hệ thống NMD và các loại vũ khí chính xác cao thì mọi việc hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của nền công nghiệp quốc phòng Nga. Nếu tăng công suất của nhà máy Votkin thì đến năm 2020- 2022, Bộ đội tên lửa chiến lược sẽ có tới 97 % số tên lửa thế hệ mới.

Kể cả trong trường hợp Mỹ tăng cường hệ thống NMD toàn cầu thì lực lượng tên lửa chiến lược này của Nga vẫn có thể khoan thủng hệ thống NMD dù nó được bố trí theo chiều sâu. Chúng ta có thể mang một khối lượng đầu tác chiến đủ để gây những tổn thất không thể chịu đựng nổi cho đối phương. Bất kỳ một kẻ xâm lược tiềm năng nào cũng hiểu rằng phát động một cuộc chiến tranh trong trường hợp như vậy là không thể".

Ông cũng cho rằng, ít nhất cũng phải vào giữa thập kỷ sau (tức từ năm 2025 trở đi) thì Mỹ mới có đủ tiềm lực vũ khí chính xác cao để làm tê liệt lực lượng hạt hạt nhân chiến lược của Nga. Nga có đủ thời gian để tìm thuốc trị.

Còn D. Rogozin, Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng tuyên bố tại Duma quốc gia ngày 10/12/2013: “Sẽ không có gì là lộ bí mật nếu nói là cả Mỹ và Nga đều đang tiến hành nghiên cứu thiết kế vũ khí siêu thanh (tốc độ từ 5M trở lên). Bí mật là ở chỗ khác. Chỉ có thể nói với các vị rằng trong lĩnh vực này Nga ngang ngửa với Mỹ”.

D.Rogozin cho biết thêm: “Quỹ các nghiên cứu triển vọng” trong thời gian tới sẽ nghiên cứu phương án quân sự- kỹ thuật để đối phó với chiến lược “đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” của Mỹ. Quỹ này đã xem xét hơn 1.000 dự án khoa học- kỹ thuật, 52 trong số đó được xác nhận là có triển vọng và 8 có tầm quan trọng số một.

“Tôi không có quyền tiết lộ hết các thông tin, chỉ có thể nói rằng một trong các dự án đó chính là chuẩn bị phương án đáp trả “đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu”, - như kịch bản mà một chuyên gia quân sự Nga nói tới ở phần trước của bài viết này.

Không khó để dự đoán là sẽ có một cái gì đấy tương tự như Perimetr.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại