Theo đó, trong bài viết có tiêu đề: "Các đơn vị kinh tế - quốc phòng tại miền Trung ra quân đầu năm" đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng vào ngày 25/2/2015 cho biết, vào tháng 7/2015, Nhà máy đóng tàu Sông Thu sẽ đặt ky đóng mới tàu Cảnh sát biển DN-4000.
Còn bài viết với tiêu đề: "Đà Nẵng bàn giao hai tàu Cảnh sát biển hiện đại nhất Việt Nam" đăng trên báo Nhân dân điện tử vào ngày 9/7/2015 cũng nhắc đến việc Nhà máy Sông Thu sắp tới sẽ đặt ky đóng mới tàu tuần tra DN-4000.
Như vậy, cả hai nguồn tin trên đều cho thấy dự kiến Nhà máy đóng tàu Sông Thu sẽ là nơi đóng mới tàu Cảnh sát biển DN-4000.
Dựa theo cách đặt tên với lớp tàu DN-2000 hiện đang có trong biên chế lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thì DN-4000 nghĩa là tàu "đa năng" với lượng giãn nước khoảng 4.000 tấn.
Trước đó, hình ảnh về một loại tàu tuần tra cỡ lớn mới của Cảnh sát biển Việt Nam đã xuất hiện trên tấm backrop tại Hội nghị Tổng kết công tác Cảnh sát biển năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác kỹ thuật năm 2015 được tổ chức vào ngày 21/1/2015.
Con tàu xuất hiện trong tấm backrop trên có kích thước lớn hơn hẳn so với lớp tàu DN-2000, chiều dài của nó có thể lên đến 120 m, rộng khoảng 16 m, lượng giãn nước khoảng 4.000 tấn và rất có thể đây chính là tàu tuần tra DN-4000 sắp được đóng tại Nhà máy đóng tàu Sông Thu.
Cho đến nay vẫn chưa có thông tin về việc Nhà máy đóng tàu Sông Thu đã bắt đầu đóng tàu DN-4000 hay chưa, nhưng nếu được hoàn thành thì đây sẽ là loại tàu tuần tra có kích thước lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam cũng như tại khu vực Đông Nam Á.
Việc đóng thêm tàu tuần tra DN-4000 còn giúp nâng cao khả năng hoạt động xa bờ cũng như giúp đảm bảo sự hiện diện của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam tại các vùng biển phức tạp.