Tạp chí Forbes (Mỹ) đăng tải bài phân tích về quyết định của Mỹ khi cung cấp hệ thống tên lửa phòng không MEAS cho Ba Lan. Dưới đây là nội dung bài viết:
Chiến dịch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm sáp nhập bán đảo Crimea đã làm dấy lên những căng thẳng quân sự tại Đông Âu khi các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và những nước láng giềng phương Tây của họ băn khoăn rằng bước đi tiếp theo của Moscow sẽ là gì.
Mặc dù Crimea đã là một phần của Nga trong nhiều thế kỷ, trước khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev "tặng" cho Ukraine vào năm 1954 nhưng các nhà hoạch định quân sự tại Đông Âu không thể phớt lờ khả năng Tổng thống Putin sẽ tìm cách thu hồi những vùng lãnh thổ bị mất khác. Điều này khiến Mỹ và phương Tây đặc biệt lo ngại về Ba Lan, một đất nước với 38 triệu dân, gia nhập NATO năm 1999 và Liên minh châu Âu (EU) năm 2004, giáp biên giới với 3 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và lãnh thổ của Nga tại Kaliningrad.
Với ít rào cản tự nhiên để giữ chân các thế lực xâm lược, Ba Lan phải dựa vào đồng minh phương Tây để củng cố những nỗ lực phòng thủ nội địa của mình. Và các quốc gia phương Tây cũng thay phiên nhau cần tới sự ủng hộ của khối Ba Lan đối với bất cứ biện pháp trừng phạt nào mà họ áp đặt vào Nga để ngăn chặn sự bành trướng.
Tuy nhiên, lịch sử dạy cho người Ba Lan rằng họ không thể phụ thuộc vào các nước khác để tự cứu mình, vì vậy rất lâu trước khi khủng hoảng Ukraine diễn ra, Ba Lan đã quyết định sắm một mạng lưới phòng thủ để chống lại những mối đe dọa trước mắt từ Nga. Mạng lưới này được gọi là "lá chắn Ba Lan", một dự án trị gái 43 tỷ USD, có khả năng đánh chặn máy bay chiến đấu, ném bom, máy bay không người lái, các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật. Các tên lửa đạn đạo tầm xa có thể bị khắc chế bởi những hệ thống phòng không trên mặt đất và trên biển mà Mỹ đang triển khai tại khu vực này.
Thành phần then chốt của "lá chắn Ba Lan" là một gia đình các loại radar di động và tên lửa đất đối không mà Ba Lan mua từ các nhà cung cấp nước ngoài, nhằm mục đích tạo nhiều công việc sản xuất cho các nhà thầu địa phương. Quân đội Ba Lan đã thu hẹp số lượng các nhà cung cấp tiềm năng thành 4 đội - 2 đội do các công ty Mỹ đứng đầu, 1 đội từ các công ty Pháp và đội còn lại từ Israel. Nhà vô địch truyền thống của Mỹ trong những cuộc thi này là hãng Raytheon với hệ thống phòng không Patriot được phát triển từ thời Chiến tranh lạnh. Mỹ đã lên kế hoạch phát triển một "hậu duệ" của Patriot là MEADS, tuy nhiên, quân đội Mỹ quyết định đóng băng chương trình này vài năm trước do thiếu kinh phí.
Hệ thống phòng không MEADS trong một cuộc thử nghiệm
Không có nhiều nghi ngờ rằng hệ thống phòng không MEADS thế hệ tiếp theo sẽ có nhiều khả năng hơn Patriot, ít nhất là sẽ như vậy nếu được đưa vào sản xuất. Nó cung cấp radar 360 độ và rất dễ di chuyển, có thể đặt trên chiếc xe tải cỡ trung phổ biến của quân đội Mỹ. Tất cả các cảm biến, tên lửa và trung tâm chỉ huy có thể được chở bằng máy bay vận tải C-130 hoặc A400. Các tổ hợp Patriot chỉ cung cấp radar quét 90-120 độ và vận chuyển cũng vất vả hơn. Việc di chuyển nhưng hệ thống này khi chúng đã được triển khai trên mặt đất là một thách thức về hậu cần.
Quân đội Mỹ đã quyết định gắn bó một phần với Patriot bởi tại thời điểm đó, Mỹ đang chiến đấu với quân nổi dậy không có nhiều máy bay và tên lửa. Điều này khiến hệ thống phòng không trở thành ưu tiên thứ yếu. Tuy nhiên, giờ đây, nó không còn đơn thuần giữ vai trò thứ yếu nữa, khi chiến lược của Mỹ đã tập trung vào việc chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, nơi quân đội Mỹ đang phải đối phó với sự phát triển ngày càng nhanh của Trung Quốc và giờ Nga đã buộc hệ thống phòng không quay trở lại những sự tính toán của quân đội Mỹ. Lực lượng tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí đổ bộ đường không mang lại thách thức lớn cho Patriot ở hiện tại và đặt ra yêu cầu những loại vũ khí như vậy phải có nhiều khả năng hơn nữa trong tương lai.
Trong một động thái bất thường, chính quyền Tổng thống Obama cuối tuần trước đã cho phép nhà thầu Lockheed Martin cung cấp hệ thống tên lửa phòng không MEADS cho Ba Lan để sử dụng trong "lá chắn Ba Lan". Ba Lan đã từng biết tới MEADS, bởi 2 quốc gia châu Âu khác là Đức và Ý đã đóng góp 42% chi phí cần thiết để phát triển hệ thống này. Một phái đoàn Ba Lan đã bắt đầu các cuộc kiểm tra vào tháng 11, trong đó nguyên mẫu hệ thống MEADS mô phỏng khả năng đánh chặn một UAV và 1 tên lửa đạn đạo từ nhiều hướng khác nhau. Ba Lan đã bị ấn tượng và đã đưa MEADS vào danh sách những hệ thống có thể phù hợp để phòng thủ trước một cuộc tấn công của Nga.
Điều này đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền Tổng thống Obama lại đồng ý bán hệ thống này cho Ba Lan? Có 3 nhân tố ảnh hưởng tới quyết định này.
Đầu tiên, các chính trị gia Mỹ đã không khỏi sốc vào năm ngoái khi Thổ Nhĩ Kỳ chọn hệ thống phòng không Trung Quốc, thay vì Patriot và hệ thống phòng không của Pháp, xếp Patriot vào sự lựa chọn thứ 3.
Mặc dù Ankara có vẻ vẫn đang do dự về quyết định của mình do áp lực từ phía các đồng minh NATO nhưng nếu lựa chọn với Trung Quốc bị hủy bỏ, luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ yêu cầu chính phủ nước này mua hệ thống được xếp hạng thứ 2 là từ Pháp, thay vì Patriot của Mỹ.
Thứ hai, Washington muốn đáp ứng càng nhiệt tình với Ba Lan càng tốt, sau những bước đi vụng về trong hệ thống phòng không châu Âu trước đây. Một thời gian ngắn sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã quyết định trì hoãn kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan trong 7 năm, một phần là do những chỉ trích từ Moscow. Tuy nhiên, khi Đông Âu đang sợ hãi trước các động thái quân sự của Nga ở Crimea, Washington đang gồng mình để trấn an những đồng minh trong khu vực như Ba Lan để các quốc gia này tin tưởng vào cam kết của Mỹ đối với an ninh quốc gia của họ.
Thứ ba, hệ thống phòng không MEADS phù hợp với châu Âu để ngăn chặn sự xâm lược của Nga, bởi Đức và Pháp có thể sẽ đi tiên phong trong việc sản xuất hệ thống này khi Mỹ không tham gia. Lockheed Martin và Raytheon sẽ có mặt tại Warsaw (thủ đô của Ba Lan) trong 2 tuần tới để thảo luận về việc hợp tác trong chương trình "Lá chắn Ba Lan".
Vấn đề cốt lõi mà Washington phải đối mặt trong khủng hoảng hiện tại là làm cách nào để đảm bảo và bảo vệ các đồng minh Đông Âu mà không cần triển khai lực lượng quân sự (một bước tiến có thể dẫn tới bất ổn leo thang ở cả 2 phía). Công dân Mỹ cũng không ủng hộ việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng việc bán các công nghệ phòng thủ tiến tiến cho đồng minh NATO như Ba Lan chỉ là một sự tiếp tục cho những gì Mỹ vốn tiến hành bấy lâu nay.
Khuyến khích Ba Lan xây dựng lá chắn phòng thủ từ những công nghệ mới nhất của Mỹ có thể gửi tới Moscow một thông điệp chuẩn xác khi nước này đang nhâm nhi chiến thắng của mình ở Crimea.