Căng thẳng Nga - EU: Đức vội vã “tậu” thêm “hổ biết bay”

Đào Cảnh |

Đức sẽ mua thêm 40 trực thăng tấn công Eurocopter Tiger, được mệnh danh là “con hổ biết bay của châu Âu”, 80 trực thăng vận tải NH-90 và 22 trực thăng NH-90S cho lực lượng quốc tế.

Trang tin quốc phòng và tình báo Janes.com cho biết, Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức đã ký hợp đồng với tập đoàn Airbus Helicopters về việc cung cấp 162 trực thăng tấn công và vận tải. Giá trị của hợp đồng này lên đến 8,5 tỷ euro.

Theo đó, Đức sẽ mua thêm 40 trực thăng tấn công Eurocopter Tiger. Nó được mệnh danh là “con hổ biết bay của châu Âu”, 80 trực thăng vận tải NH-90 và 22 trực thăng NH-90S cho lực lượng quốc tế.

Tiger là chiếc trực thăng tấn công do Đức, Pháp phối hợp thiết kế và chế tạo, có trọng lượng bằng một nửa loại AH-64 Apache. Hiện Pháp, Đức, Italy và Australia đang sử dụng loại trực thăng này.

Trực thăng tấn công Tiger được chế tạo bằng loại vật liệu đặc biệt, trong đó có 80% là sợi các-bon được gia cố bằng polymer và kevlar (kevlar là vật liệu làm áo chống đạn), còn lại 11% là nhôm và 6% là titan.

Cấu tạo trên giúp Tiger vừa có khối lượng nhẹ, tính linh hoạt cao và khả năng chống chịu tốt các loại đạn phòng không 12,7 mm, 14,5 mm, gắn trên xe tăng và đạn 23 mm của pháo phòng không tự hành (như loại ZSU-23-4 Shilka của Nga).

Cánh quạt của Tiger cũng được làm bằng sợi thủy tinh, nhờ đó có thể chống chịu tốt với các va đập và ảnh hưởng của vũ khí điện từ.

Thiết kế hình dạng ngoài của Tiger cùng lớp sơn phủ hấp thụ sóng radar cũng khiến nó giảm khả năng bị phát hiện và có nhiều cơ hội "sống sót" trên chiến trường hơn.

Do làm bằng các vật liệu nhẹ nên Tiger có khả năng thao diễn khá ưu việt so với các dòng trực thăng cùng loại.

Tiger đạt tốc độ tối đa khoảng 181 dặm/giờ, được trang bị tên lửa chống tăng Hellfire, Spike, Pars3 và HOT3; tên lửa "không-đối-không” Mistral cũng như tên lửa "không-đối-đất". Vì vậy, các chuyên gia quân sự đánh giá Tiger là kẻ “săn lùng xe tăng” đáng sợ.

Trực thăng MH-47

Ngoài ra, Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức cũng phê duyệt cho Hải quân Đức mua 18 trực thăng quân sự Sea Lion.

Do đó, Hải quân Đức sẽ không còn nhu cầu dùng 12 trực thăng MH-47. Trong tương lai gần, các loại trực thăng này sẽ được thay thế bằng loại trực thăng Sea Lion.

Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức đã phân bổ cho dự án này 1,45 tỷ euro. Trong đó, có 200 triệu euro được phân bổ trước đó để mua 40 trực thăng NH-90S cho quân đội. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị hủy bỏ.

Tất cả 40 trực thăng tấn công Tiger sẽ được chuyển giao cho quân đội Đức vào năm 2018. Hải quân Đức sẽ nhận trực thăng Sea Lion trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021.

Tháng 9/2014, báo chí Đức đã trích dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Đức cho biết, tất cả 22 máy bay trực thăng của Hải quân Đức không thực hiện được các chuyến bay do phát hiện trong thân máy có vết rạn nứt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại