Khi Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù
Báo cáo “Chiến lược quân sự quốc gia” năm 2011 của Mỹ ngầm chỉ Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất và chuyển trọng điểm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ tuyên bố điều chuyển 60% lực lượng hải quân đến Thái Bình Dương, thường xuyên tổ chức tập trận, triển khai hàng loạt loại vũ khí mới, căn cứ quân sự mới ở châu Á… Dù luôn miệng phủ nhận nhưng thế giới hiểu rằng, Mỹ đang ráo riết triển khai vòng vây nhằm khống chế đối thủ mới nổi: Trung Quốc. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương đang như một chiếc thòng lọng ngày càng siết chặt Trung Quốc.
Có thể thấy, Mỹ hình thành 3 tuyến phòng ngự chiến lược để đối phó với Trung Quốc: Tuyến thứ nhất ở sát lãnh thổ Trung Quốc, dựa vào các căn cứ quân sự tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, phối hợp với Đài Loan và căn cứ hải quân Singapore. Tuyến thứ hai gồm các căn cứ Guam và Hawaii, phối hợp với các căn cứ tại Australia. Tuyến thứ ba gồm các căn cứ tại California và Alaska.
Mục tiêu của việc bố trí lại các tuyến căn cứ quân sự trên lãnh thổ Mỹ và các nước đồng minh ở Đông Á-Tây Thái Bình Dương-Australia là để kiểm soát việc hải quân Trung Quốc tiếp cận các vùng biển quốc tế. Mục tiêu tổng quát là ngăn chặn hiệu quả việc Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải và tạo sự răn đe tiềm ẩn đối với Trung Quốc.
Đòn phản công (tưởng tượng) của Trung Quốc chống lại vành đai kìm kẹp của Mỹ
Việc thực hiện những kế hoạch địa-chính trị/quân sự khổng lồ này sẽ gây ra một sự chuyển biến trong quân đội Mỹ và quan hệ đồng minh. Một tài liệu của Lầu Năm Góc dự báo: Điều này sẽ tăng thêm sức mạnh thể chế và tập trung vào sự hiện diện, khả năng triển khai và sức mạnh răn đe của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Rõ ràng trọng tâm chú ý sẽ đặt vào lực lượng hải quân - đặc biệt là các tàu sân bay và các hạm đội tàu chiến - và vào những máy bay và tên lửa đời mới nhất. Nước Mỹ dự kiến sẽ đầu tư một lượng tiền đáng kể để trang bị các loại vũ khí cho quân đội chống lại chiến lược “chống tiếp cận” của Trung Quốc và “chống xâm nhập khu vực” của các đối thủ tiềm tàng.
Căn cứ Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc khiến Trung Quốc không thể cựa quậy
Sau thế chiến II, Mỹ duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ ở Nhật Bản và Hàn Quốc với sự có mặt đầy đủ của các quân, binh chủng. Hai nước được coi là tiền tuyến của Mỹ chống lại phe xã hội chủ nghĩa. Một khoảng thời gian sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ bị khủng hoảng về mục tiêu chiến lược vì không có đối thủ cụ thể nhưng Trung Quốc gần đây nổi lên với thái độ hiếu chiến và được Mỹ nhận diện là đối thủ số một. Do vậy lực lượng quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc không những bị giảm đi mà ngày càng được tăng cường cả về con người lẫn các vũ khí hiện đại nhất.
Bản đồ căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Mỹ có khoảng 28.500 quân, cùng nhiều vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại của cả Lục quân và Không quân.
Lục quân Mỹ ở Hàn Quốc có sở chỉ huy đóng tại Seoul với gần 20 đơn vị trực thuộc gồm: Sư đoàn Bộ binh cơ giới số 2; Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 1 và 2; Lữ đoàn thông tin số 1; các quân đoàn yểm trợ chiến trường số 19 và 55; Lữ đoàn tên lửa phòng không số 35; Lữ đoàn kỵ binh không quân số 6; Lữ đoàn quân báo số 501; Lữ đoàn quân cảnh số 8; Lữ đoàn công binh số 1; các quân đoàn yểm trợ tác chiến vùng 20, 23 và 34; Trung đoàn pháo binh số 17; Trung đoàn Không quân lục quân số 2..
Các đơn vị bộ binh cơ giới được trong bị hàng loạt xe tăng, xe bọc thép, xe thiết giáp chở quân, xe tải quân sự, vũ khí cá nhân và đạn dược. Đây được coi là một "quả đấm sắt" của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra trên bán đảo Triều Tiên cũng như những hành động khiêu chiến của Trung Quốc.
Lực lượng tên lửa phòng không được trang bị hệ thống Patriot đặt tại các vị trí được coi là xung yếu, với chức năng sẵn sàng đánh chặn bất kỳ tên lửa hay các máy bay chiến đấu nào.
Lực lượng kỵ binh không quân và Không quân lục quân với chức năng đổ bộ đường không, được trang bị trực thăng lên tới 80 chiếc, bao gồm: Các trực thăng vận tải UH-1, AH-1 và C-130; 24 trực thăng đa năng AH-64D Block I, II; các trực thăng trinh sát OH-58. Ngoài ra, trang bị nhiều loại pháo, súng cối, xe bọc thép hạng nhẹ, xe bọc thép chở quân….
Lực lượng công binh, hiện được Mỹ đặc biệt quan tâm trang bị nhiều trang bị kỹ thuật, máy móc hiện đại, vũ khí và vật liệu nổ có sức công phá mạnh.
Mục đích nâng cao khả năng xây dựng các công trình quân sự, công sự, lắp đặt hệ thống vũ khí, rà phá bom mìn, xây dựng hệ thống vật cản, hệ thống phòng ngự…., có khả năng sẵn sàng yểm trợ cho các lực lượng tác chiến tiến hành hoạt động nhanh chóng và thuận lợi.
Các lực lượng pháo binh được trang bị nhiều loại pháo dã chiến, pháo tự hành, pháo hạng nhẹ các loại gồm: 60 mm, 82 mm, 107 mm, 120 mm, 122 mm, 152 mm, 155 mm, 203 mm và nhiều loại khác.
Về không quân Mỹ bố trí tại căn cứ Osan từ tháng 9/1986 với các đơn vị trực thuộc gồm: Liên đội chiến đấu chiến thuật số 8 đóng tại Kunsan, Liên đội chiến đấu chiến thuật số 51 đóng tại Osan, Cụm tác chiến số 607 và Phi đội chỉ huy tác chiến số 554. Các đơn vị này được chỉ huy trực tiếp từ Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương quân đội Mỹ.
Liên đội chiến đấu chiến thuật số 8 nằm cách thủ đô Seoul khoảng 150 dặm về phía Nam. Liên đội được biên chế 2 phi đội máy bay F-16 (Phi đội số 8 và số 35). Ngoài ra, biên chế các đơn vị như nhóm tác chiến không quân, nhóm yểm trợ tác chiến, đơn vị hậu cần và kỹ thuật.
Căn cứ không quân Mỹ tại Usan, Hàn Quốc
Máy bay do thám không người lái Global Hawk đồn trú tại Hàn Quốc
Hiện nay, không quân Mỹ đang thực hiện chương trình thay thế các máy bay F-16 bằng F-18, nhằm nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng máy bay chiến thuật tại Hàn Quốc, trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
Liên đội chiến đấu chiến thuật số 51 đóng tại Osan, được biên chế 1 phi đội máy bay F-16, phi đội máy bay A-10 và 24 chiếc PAA và máy bay vận tải C-12.
Theo Không quân Mỹ, quân đội Mỹ đang nghiên cứu chương trình hợp tác với Hàn Quốc để đưa các máy bay F-22 và F-35 vào biên chế cho các đơn vị không quân đóng trên đất Hàn Quốc trong tương lai.
Cụm tác chiến số 607 có nhiều chức năng đặc biệt khác nhau như hoạt động về không quân và vũ trụ, yểm trợ tác chiến, hỗ trợ hậu cần, tiếp dầu trên không và yểm trợ tác chiến trên không. Ngoài chức năng yểm trợ tác chiến cho không quân Mỹ, Cụm 607 còn hỗ trợ cho lực lượng Không quân Hàn Quốc khi có yêu cầu.
Tại Nhật Bản tính cho đến thời điểm hiện nay lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Nhật Bản đã tăng lên con số tương đối lớn khoảng 50.000 quân thuộc các Tập đoàn không quân số 5 đóng tại Yokota; Lực lượng Hạm đội 7 đóng tại Yokosuka; lực lượng Hải quân đánh bộ đóng tại Okinawa và các đơn vị khác của Lục quân Mỹ đóng tại Okinawa và Dama.
Trong đó, Tập đoàn không quân số 5 thuộc Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ Thái Bình Dương bao gồm: Liên đội không quân hỗn hợp số 18 đóng tại căn cứ không quân Kadena; Liên đội chiến đấu chiến thuật số 35 đóng tại căn cứ Misawa; Liên đội máy bay vận tải số 374 tại Yokota và Cụm tác chiến không quân số 605.
Liên đội không quân hỗn hợp số 18 đóng tại căn cứ không quân Kadena thuộc quần đảo Okinawa được coi là một lực lượng không quân có tầm quan trọng chiến lược và lớn nhất tại khu vực Viễn Đông.
Các đơn vị trực thuộc Liên đội 18 gồm: Phi đội tác chiến chiến thuật số 44 và 67, được biên chế các máy bay F-15 C/D, hiện được thay thế bằng các máy bay F-16 và F-18. Ngoài ra được bổ xung thêm 12 chiếc máy bay tàng hình F-22 (theo kế hoạch triển khai luân phiên); Phi đội máy bay tiếp dầu trên không số 909, biên chế các máy bay KC-135R; Phi đội máy bay kiểm soát và cảnh báo trên không, biên chế các E-3B/C; Phi đội máy bay cứu hộ số 33, biên chế các HH-60G.
Đặc biệt, Liên đội hỗn hợp 18 còn được biên chế Phi đội máy bay do thám số 390, Phi đội Máy bay trinh sát số 82 và 1 Phân đội Tình báo không quân. Các đơn vị này được trang bị các loại máy bay trinh sát hiện đại RC-135, RC-135S, U-2, EP-3, P-3.
Để tăng cường khả năng trinh sát tầm xa, căn cứ Kadena, quân Mỹ còn huy động cả máy bay trinh sát nghe trộm sóng điện từ EP-3, máy bay trinh sát quan sát từ xa RC-135S, máy bay trinh sát có thể phát hiện dấu hiệu trong không khí từ các vụ nổ hạt nhân WC-135W.
Máy bay hiện đại nhất của Mỹ F-22 được triển khai ở Nhật Bản
Lực lượng Hải quân Mỹ đồn trú tại Yokosuka với chức năng là sở chỉ huy của Hạm đội 7 thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, được biên chế khoảng 50 – 60 tàu chiến các loại, cùng lực lượng không quân hạm tương đối mạnh.
Hạm đội 7 có các đơn vị trực thuộc gồm: Lực lượng đặc nhiệm số 70 (TF-70) có chức năng là lực lượng tác chiến mặt nước, biên chế các lực lượng tàu khu trục, khinh hạm và là sở chỉ huy của Biên đội tàu sân bay USS George Washington (CVN-73); Lực lượng đặc nhiệm số 72, có chức năng tiến hành tuần tiễu trinh sát trên biển và tác chiến chống ngầm, được trang bị các máy bay P-3 Orion và EP-3; Lực lượng đặc nhiệm số 74, tác chiến ngầm, trang bị các lực lượng tàu ngầm hạt nhân và thông thường; Đặc nhiệm số 76, tác chiến đổ bộ viễn chinh; Đặc nhiệm số 79, tác chiến đổ bộ viễn chinh và Hải quân đánh bộ, trang bị các tàu tác chiến đổ bộ và máy bay trực thăng.
Lực lượng Lục quân Mỹ tại Nhật Bản gồm: Bộ Tư lệnh tác chiến khu vực số 9 đóng tại Dama, Cụm yểm trợ khu vực số 10 đóng tại Okinawa và Dama, Tiểu đoàn đặc nhiệm số 1 đóng tại Okinawa.
Thiết giáp lội nước hải quân đánh bộ Mỹ diễn tập trên bờ biển Iwo Jima
Như vậy có thể thấy, lực lượng quân sự Mỹ đóng tại các căn cứ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, có quân số rất lớn và được trang bị vũ khí hiện đại. Lực lượng này sẽ đón vai trò xung kích, là lực lượng trong tuyến đầu của chiến lược bao vây Trung Quốc.
(còn nữa)
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng.