Căn cứ quân sự Mỹ "cắm chi chít" ở châu Á để "bủa vây" Trung Quốc?

Minh Thu |

Mỹ đang xây dựng chiến lược chuyển dịch các căn cứ quân sự của nước này tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mục đích chính là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo tờ China Youth Daily.

Dẫn thông tin từ tờ tin tài chính Quartz của Mỹ, China Youth Daily cho hay Mỹ có ít nhất 686 căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ quốc gia và hoạt động tại 74 nước trên thế giới.

Theo đó, chính quyền Washington, lực lượng hải quân, không quân, lính thủy đánh bộ, lục quân được giao nhiệm vụ quản lý các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Mô hình hoạt động của các căn cứ này được chia thành 3 loại.

Lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia một cuộc tập trận với quân đội Hàn Quốc năm 2013.

Mô hình thứ nhất là “Căn cứ hành quân đầu não” vốn được mô tả là “một căn cứ thường trực, hỗ trợ triển khai quân và tăng khả năng tiếp cận bằng đường biển cũng như đường không”.

Những căn cứ kiểu này hiện được Mỹ triển khai tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.

Mô hình thứ hai là “Căn cứ hành quân tiền phương” chuyên hỗ trợ các hoạt động chiến thuật. Đây còn là nơi lưu trữ kho vũ khí của Mỹ, triển khai quân đi làm nhiệm vụ và tham gia các nhiệm vụ khẩn cấp.

Những căn cứ này được Mỹ hình thành trong cuộc chiến tại Afghanistan va Iraq, cũng như nhiều quốc gia lân cận.

Mô hình thứ ba là “Địa điểm hợp tác an ninh”, nơi hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho nhiệm vụ huấn luyện trong vùng và phản ứng nhanh trước các tình huống xảy ra bất ngờ trên mọi lục địa.

Tuy nhiên, những căn cứ này dường như không cần sự có mặt của giới chức Mỹ song lại đòi hỏi tính hiệu quả hoạt động cao. Đây cũng là lý do Washington mới chỉ có ý tưởng xây dựng mô hình này trong tương lai.

Trong khi gần đây, các căn cứ quân sự của Mỹ đã được rải rác khắp toàn cầu từ Hawaii, Guam, Đông Bắc Á, Alaska, Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ Latinh.

Nhưng gần đây, trước quyết định thi hành chiến dịch “quay trở lại châu Á”, chính phủ Mỹ dường như đang chú trọng tới việc dịch chuyển nhiều căn cứ quân sự tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn.

Hôm 8/1, giới chức Mỹ đã đưa ra thông báo cho biết 15 căn cứ quân sự của nước này sẽ phải đóng cửa ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, tới ngày 10/4, nhân chuyến thăm tới Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho hay Washington sẽ cho triển khai nhiều loại vũ khí hiện đại tới châu Á bao gồm các oanh tạc cơ tàng hình tối tân và một số đơn vị chiến tranh mạng.

“Những vũ khí hiện đại nhất và mới nhất của Mỹ sẽ được chuyển tới khu vực châu Á”, ông Carter nhấn mạnh.

Tầm ảnh hưởng rộng lớn của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương còn được thể hiện rõ nét qua việc Washington cho mở cửa ngày càng nhiều căn cứ quân sự ở khu vực này.

Hiện nay, Mỹ đang cho triển khai 50.000 binh sĩ đóng quân tại 109 căn cứ quân sự ở Nhật Bản. Trong đó, có tới 42 căn cứ quân sự của Mỹ phối hợp hành động với Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Điển hình, Hạm đội của Mỹ tại Yokosuka là nơi neo đậu lớn nhất và trung tâm sửa chữa tàu thuyền của Hải quân Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Căn cứ này đủ sức chứa 4 tàu ngầm hạt nhân và 150 loại tàu thuyền khác. Ngoài ra, Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa cũng là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương.

Khu vực này có thể chứa 100 chiếc máy bay ném bom hạng nặng và 150 chiến đấu cơ.

Trong khi đó, Lục quân Mỹ đã cho triển khai 28.000 binh sĩ tới 65 trong tổng số 85 căn cứ quân sự của Washington tại Hàn Quốc.

Giai đoạn đầu năm 2010, một bản báo cáo quốc phòng của Mỹ đã khẳng định tầm quan trọng của việc tăng tính linh động cho các lực lượng quân sự Mỹ đồng thời nhấn mạnh Washington cần tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Đông Nam Á và Australia.

Siêu tàu sân bay hạt nhân USS George Washington của Hải quân Mỹ cập cảng Busan.

Hồi tháng 4/2014, chính phủ Mỹ đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng có thời hạn trong vòng 10 năm với chính phủ Philippines. Đây là cơ hội để quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Philppines.

Sau hai tháng ký kết thỏa thuận, nhiều nguồn thông tin cho rằng Philippines đang cho nâng cấp một căn cứ hải quân tại khu vực bờ biển phía tây đảo Palawan.

Theo giới chuyên gia, ngay khi hoàn thành quá trình nâng cấp, căn cứ này sẽ phục vụ hoạt động của Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, sự hiện diện của Mỹ tại đây có thể làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trong khu vực.

Còn trong tháng 4/2012, Mỹ đã đưa 200 lính thủy đánh bộ tới Australia, đánh dấu lần đầu tiên quân đội Mỹ đóng quân thường trực tại quốc gia này.

Tới tháng 8/2014, chính phủ hai nước đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chính thức, mở đường cho 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ đặt chân tới Darwin.

Tờ Wall Street Journal nhận định khả năng Mỹ coi sự hiện diện của quân đội nước này tại Australia đáng giá hơn là tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay đảo Guam. Bởi nhờ khoảng cách xa, tầm tấn công từ lực lượng tên lửa của Trung Quốc tới Australia đã bị hạn chế đi nhiều.

Trong khi đó, dẫn lời một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ, tạp chí quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly ở Anh cho rằng Washington còn có ý định đưa 4 tàu chiến ven bờ tới Singapore vào năm 2018 với mục đích chính là ngăn chặn khả năng tấn công của Trung Quốc.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ China Youth Daily, nhật báo chính thức của Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại