Cái nhìn ngược hoàn toàn về Triều Tiên

Đáp lại nghị quyết trừng phạt của LHQ, Bình Nhưỡng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, đối đầu với Mỹ và đồng minh.

Tình hình bán đảo Triều Tiên lại trở nên hết sức căng thẳng. Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm thành công việc đưa vệ tinh “Kvanmenson-3” vào quỹ đạo bằng tên lửa mang “ Unha-3”. Để đáp lại, cả 5 ủy viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thiết chặt các biện pháp trừng phạt nước này.

Một số nước khác trên thế giới (trong đó có cả Trung Quốc) đã lên tiếng về vụ việc này, nhẹ thì bày tỏ  “lấy làm tiếc”; “quan ngại sâu sắc“, nặng thì “lên án mạnh mẽ”. Nói chung là phản ứng tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng có những cái nhìn khác về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và A.A Khramchilin là người có cái nhìn trái chiều như vậy.

Ngày 01/03, ông đã có bài viết đăng trên báo “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) với tiêu đề “Bom để bảo vệ chủ nghĩa cộng sản Triều Tiên”. Xin được lược dịch để giới thiệu với bạn đọc nhằm cung cấp những thông tin đa chiều về các vấn đề gây tranh cãi này.

Bắc Triều Tiên đã lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh “Kvanmenson-3” bằng tên lửa mang “Unha-3”. Để đáp lại, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thiết chặt các biện pháp cấm vận và trừng phạt nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên Hội đồng bảo an tăng cường các biện pháp trừng phạt để đối phó với các vụ  phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Và cũng như mọi lần khác trước đó, phản ứng của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần này cũng vậy - hết sức cứng rắn.

Nhân dân lao động Triều Tiên nhiệt liệt ủng hộ chính sách củng cố an ninh của đảng và nhà nước Triều Tiên. Ảnh Reuters

Bắc Triều Tiên từ bỏ quy chế phi hạt nhân

Đáp lại nghị quyết trừng phạt mới nhất của Hội Đồng bảo an LHQ, Bình Nhưỡng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên (ít nhất là cho đến khi hoàn thành việc phi hạt nhân hóa trên toàn thế giới) và bắt đầu cuộc “đối đầu tổng lực” với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Các thành viên của Hội đồng bảo an, kể cả Nga và Trung Quốc đều bị Bắc Triều Tiên gọi là “những kẻ hèn nhát”, “một lũ bù nhìn”, bỏ phiếu theo sự chỉ đạo của Mỹ, còn Cộng hòa Triều Tiên- là “đồ cạn bã“ và “bọn phản bội”.

Bình Nhưỡng tuyên bố rút lại cam kết năm 1992 về quy chế phi hạt nhân của bán đảo Triều Tiên và đe dọa tiến hành chiến tranh chống lại Nam Triều Tiên nếu nước này cũng tham gia vào các biện pháp trừng phạt. Sau đó, ngày 12 tháng 2 Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của mình (02 lần trước là vào các năm 2006 và 2009).

Cần phải một lần nữa thừa nhân rằng, cách cư xử của “cộng đồng quốc tế” –  thực ra trong trường hợp này là 5 nước ủy viên thường trực HĐBA, Nhật Bản và Hàn Quốc (với các nước khác thì vấn đề Triều Tiên  không liên quan nhiều) đối với Triều Tiên là cực kỳ không hợp lý.

Có thể đe dọa được Bắc Triều Tiên không?

Không thể dọa nạt Triều Tiên bằng các cuộc tấn công quân sự: nước này có một đội quân một triệu người, binh lính và sĩ quan được huấn luyện tốt và đặc biệt là có tinh thần chiến đấu rất cao.

Vũ khí của Lực lượng vũ trang Bắc Triều Tiên tuy tương đối lạc hậu, nhưng lại có rất nhiều và trong trường hợp này thì số lượng vũ khí hoàn toàn có thể bù đắp cho những khiếm khuyết về chất lượng.

Hơn nữa, Bắc Triều Tiên tự sản xuất được gần như tất cả các loại vũ khí (điều này cực kỳ quan trọng vì như thế Bắc Triều Tiên sẽ không bị lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào). Nam Triều Tiên và Mỹ về mặt lý thuyết có thể có khả năng chiếm được lãnh thổ Bắc Triều Tiên, nhưng đối với họ đây sẽ là một chiến thắng cay đắng bởi vì tổn thất về sinh mạng và sự tàn phá sẽ rất khủng khiếp.

Không những thế, việc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ làm cho nước này trên thực tế là không thể bị tổn thương trước các cuộc xâm lược từ bên ngoài.

Lại càng không thể dọa nạt Bình Nhưỡng bằng các biện pháp cô lập và trừng phạt, đơn giản bởi vì từ lâu nước này đã tự cách ly mình đối với thế giới bên ngoài.

Mặc dù vậy, Bắc Triều Tiên vẫn duy trì các mối quan hệ kinh tế, chính trị nhất định với Trung Quốc, Nga, một số nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG- thuộc không gian hậu Xô Viết), Iran, Pakistan, một số nước Châu Phí khác và điều đó cho phép nước này có thể thỏa mãn ở mức tối thiểu các loại hàng hóa thiết yếu.

Như vậy, sử dụng sức mạnh để gây sức ép đối với Bình Nhưỡng là vô ích, đặc biệt là đã từ lâu tất cả đều thấy rõ một điều - không một nước nào sẵn sàng gây chiến với Bắc Triều Tiên. Còn vô nghĩa hơn nữa khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nước này, vì tất cả các biện pháp trên đều chỉ dẫn đến một kết quả duy nhất- lập trường của Bắc Triều Tiên ngày càng trở nên cứng rắn hơn. Ít nhất là cho đến nay chưa thấy bất kỳ một trường hợp ngoại lệ nào.

Không những thế, Bắc Triều Tiên cũng rất công bằng khi chỉ ra các “tiêu chuẩn kép” trong lập trường của “cộng đồng thế giới” (trong quan hệ với nước này) và điều này gần như đã được khẳng định trên thực tế.

Một ví dụ, ngày 30 tháng 1 năm 2013, Nam Triều Tiên đã lặp lại thành tích của Bắc Triều Tiên khi cũng  phóng thành công vệ tinh đầu tiên của mình bằng tên lửa KSLV (tầng một của tên lửa được sản xuất tại Nga). Không hiểu tại sao trong trường hợp này lại không có bất kỳ ai nghĩ tới việc áp dung các biện pháp trừng phạt đối với Nam Triều Tiên, hoặc chí ít cũng là vài lời lên án hoặc “lấy làm tiếc”.

Nếu Nam Triều Tiên có quyền tiến hành các vụ phóng tên lửa vũ trụ, thì tại sao Bắc Triều Tiên lại không có quyền đó? Đồng ý là công nghệ sản xuất tên lửa mang và tên lửa đạn đạo có liên quan chặt chẽ với nhau nhưng hai công nghệ trên không phải là một. Dù sao cũng rất không công bằng khi áp dụng với hai nước Triều Tiên hai tiêu chuẩn khác nhau.

Cả trong vấn đề liên quan đến việc sở hữu công nghệ hạt nhân cũng thế. Giữ bí mật một công nghệ (hạt nhân) đã có tuổi đời 68 năm là điều rất không thực tế. Tuy nhiên chỉ có 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an mới chính thức có quyền sở hữu công nghệ hạt nhân. Đây cũng chính là một loại tiêu chuẩn kép.

Nhưng mọi việc không dừng lại ở đó mà còn trở nên tồi tệ hơn, - hóa ra là trên thế giới này còn có một nguyên tắc nữa là: “Làm vua cũng thua thằng liều“. Nguyên tắc này đã được Nam Phi, Ấn Độ, Israel và Pakistan thực hiện rất thành công khi lần lượt sở hữu vũ khí hạt nhân (tuy sau đó Nam Phi đã từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng đây là sự lựa chọn của chính họ chứ không có ai bắt buộc).

Các nước trên tuyệt nhiên không gặp phải một vấn đề gì, mà ngược lại, họ đã nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế và có một điều khác cực kỳ quan trọng nữa là tăng cường khả năng đảm bảo an ninh quân sự. Xác suất các cuộc tấn công xâm lược chống lại bất kỳ một nước nào trong số đó đến thời điểm này gần như bằng không.

Tại sao Bắc Triều Tiên lại không có quyền tham gia vào câu lạc bộ hạt nhân? Đây không phải là tiêu chuẩn kép nữa mà là “tiêu chuẩn ba mặt”. Lập luận cho rằng Israel và Ấn Độ là các nước dân chủ (nên có quyền sử hữu vũ khí hạt nhân) cũng không mấy thuyết phục, vì không một ai có thể phủ nhận một mối nguy hiểm chết người đối với toàn thế giới của tiềm lực hạt nhân Pakistan.

Thế mà không những không có bất kỳ một nước nào đứng ra áp dụng các biện pháp trừng phạt để bóp nghẹt Pakistan mà nhiều nước còn ca ngợi, thán phục và cung cấp cho nước này rất nhiều tiền và vũ khí.

Tuyên bố của Bộ ngoại giao  Bắc Triều Tiên ngày 12 tháng 2 năm 1013 nêu rõ: “Trong lịch sử hơn 60 năm của LHQ , trên toàn thế giới đã có hơn 2.000 vụ thử hạt nhân và 10.000 vụ phóng vệ tinh, nhưng chưa có bất cứ một nghị quyết nào của Hội đồng bảo an cấm các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa vũ trụ”. Và rõ ràng đây là một sự thật không thể chối cãi được .

Không thể đối thoại

Mô tả thêm một lần nữa tính chất đặc thù của chế độ Bắc Triều Tiên là không cần thiết, - nó đã quá rõ và không dễ chịu chút nào. Nhưng nếu như không ai sẵn sàng tiêu diệt chế độ ấy bằng lực lượng quân sự và các biện pháp trừng phạt chắc chắn chỉ mang lại hiệu ứng ngược, thì tại sao lại không bắt đầu các cuộc đối thoại với Bắc Triều Tiên?

Đối thoại không phải lúc nào cũng vô tác dụng. Khi mà vào cuối những năm 90 và đầu các năm 2000 Xe-ul thực hiện chính sách “ánh dương ấm áp” đối với Bắc Triều Tiên, lập trường của nước này  đã mềm mỏng đi rất nhiều. Sau đó Xe-ul thiết chặt chính sách. Bắc Triều Tiên lại đáp trả bằng một sự cứng rắn tương tự.

Hiện nay cả hai miền Triều Tiên đã có hàng ngũ lãnh đạo mới. Không chỉ có thế, tại Nam Triều Tiên cũng bắt đầu xuất hiện cái gọi là “Triều đình tổng thống” với việc ngày 25 tháng 2 năm nay, con gái của cố tổng thống Pắc Chung Hi là Pắc Kim Khe cũng đã chính thức nhậm chức Tổng thống sau cuộc bầu cử tháng 12 năm ngoái. Có thể, bà này sẽ dễ tìm tiếng nói chung với nhà lãnh đạo Kim Châng Un chăng?

Tuy nhiên, Xe-ul rất sợ là giúp Bắc Triều Tiên cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích nước này chống lại mình. Nỗi quan ngại đó nếu đứng trên góc độ con người là rất dễ thông cảm, không những thế, nó còn có cở sở thực tiễn rất chắc chắn.

Nhưng mặt khác, không giúp Bắc Triều Tiên không những không làm suy yếu được nước này mà còn làm cho nó ngày càng trở nên cứng rắn hơn. Nhưng nếu nhìn tổng thể thì còn một khía cạnh khác còn tồi tệ hơn nhiều- đó là sự phụ thuộc trong chính sách của Xe-ul.

Người Nam Triều Tiên quá quan tâm đến việc giới lãnh đạo Washinton, Bắc Kinh, Tokyo và Matxcova sẽ nghĩ gì. Bên cạnh đó, dù người Nam Triều Tiên rất căm ghét Nhật Bản nhưng lại cũng rất sợ làm phật lòng nước này. Kết quả là Bắc Triều Tiên bác bỏ thẳng thừng khả năng đối thoại với Nam Triều Tiên và đòi gặp gỡ tay đôi với Mỹ. Tuy điều đó là rất đáng tiếc nhưng một lập trường cứng rắn như vậy cũng có cơ sở của nó.

Còn bây giờ xin đề cập đến Washinton. Việc xử lý các vấn đề liên Triều lẽ ra phải được thúc đẩy nhiều bởi chủ nghĩa hòa bình của Tổng thống Mỹ hiện tại là Obama. Không những thế, đây chính là thời điểm thích hợp nhất vì ông không phải băn khoăn gì về việc tái đắc cử nữa (đã tái đắc cử rồi) và trong bối cảnh cần phải cắt giảm một cách đáng kể ngân sách quân sự thì chủ nghĩa yêu hòa bình như vậy lại càng nên được thể hiện một cách rõ ràng và nhất quán hơn.

Sẽ không ai gây khó khăn gì cho Obama nếu ông này đưa ra một cam kết chính thức với Kim Châng Un là Mỹ sẽ không tấn công Bắc Triều Tiên. Không thể không thừa nhận một điều là đối với Bắc Triều Tiên thì vũ khí hạt nhân trước hết là phương tiên để kiềm chế ( răn đe) Mỹ để nước này không tấn công Bắc Triều Tiên.

Đến thời điểm này thì một cuộc tấn công quân sự như vậy hoàn toàn bị loại trừ. Thế thì tại sao Mỹ lại không đưa ra các cam kết chính thức? Làm như vậy không có nghĩa là  Mỹ phải từ bỏ trách nhiệm đối với đồng minh Nam Triều Tiên, bởi vì Mỹ chỉ cần cam kết với Bắc Triều Tiên là sẽ không tấn công trước.

Nhưng hiện nay dư luận có cảm tưởng rằng chính sách đối với Triều Tiên của B. Obama mang sức ỳ quá lớn. Vấn đề này hình như nằm ở ngoại vi sự quan tâm của ông. Có vẻ như B. Obama cũng chưa sẵn sàng cho việc tìm kiếm một cách tiếp cận mới cho vấn đề Triều Tiên. Ít nhất là cho đến thời điểm này.

Đối với Nhật Bản thì nhu cần giải quyết vấn đề Triều Tiên cũng không lớn. Trong cách nhìn của Nhật Bản thì Triều Tiên là kẻ thù trong lịch sử và là đối phương và đối thủ cạnh tranh trong hiện tại. Tokyo tuyệt đối không quan tâm đến việc thống nhất một cách hòa bình hai miền Triều Tiên. Nhật Bản quá hài lòng với thực trạng một bán đảo Triều Tiên suy yếu do bị chia cắt  và hai miền luôn ở trạng thái gầm ghè lẫn nhau.

Nhưng ở một góc độ khác, Nhật Bản lại rất sợ mối đe dọa tên lửa- hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Vì thế sẽ không có ai gây khó khăn cho Tokyo nếu nước này cũng đưa ra một cam kết chính thức là sẽ không tấn công Bắc Triều Tiên. Dĩ nhiên, một cuộc tấn công như vậy về mặt nguyên tắc là không thể thực hiện được, và nếu đã biết như vậy thì chỉ cần chính thức thông báo điều đó cho Bình Nhưỡng biết. Cam kết không tấn công Bắc Triều Tiên cũng sẽ không gây bất cứ tổn hại nào cho khả năng tự vệ của Nhật Bản. .

Giữa Bắc Kinh và Matxcova

Mọi người thường cho rằng, trong việc giải quyết các vấn đề liên Triều thì Trung Quốc có một vai trò đặc biệt vì nước này có một mối quan hệ cũng rất đặc biệt với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Trên thực tế, tình hình phức tạp hơn nhiều.

Hiện nay cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều cố che giấu sự không ưa nhau. Vấn đề là ở chỗ Bắc Kinh cần Bình Nhưỡng với tư cách là một bù nhìn câm lặng trong khi không có một người nào trong gia đình họ Kim lại chấp nhận như vậy. Các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên thừa hiểu Trung Quóc muốn gì ở họ- đó là sự thần phục tuyệt đối.

Không những thế, họ cũng hiểu rất rõ là sự giúp đỡ của Trung Quốc không hề vô tư một chút nào. Đơn giản vì Trung Quốc cần Bắc Triều Tiên trong vai trò một khu đệm cần thiết ở biên giới Đông Bắc của mình.

Mặt khác, Trung Quốc cũng thừa hiểu là nếu gây sức ép lên Triều Tiên thì điều đó có thể dẫn tới việc cắt đứt các mối quan hệ và Trung Quốc sẽ mất chút ảnh hưởng hạn chế mà mình đang có đối với Bắc Triều Tiên. Nhìn toàn cục thì lập trường của Trung Quốc, thoạt nghe thì rất khó tin, nhưng gần như không khác gì lập trường của Tokio và Washinton.

Tất cả họ đều muốn Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên từ bỏ vũ khi hạt nhân và duy trì nguyên trạng, có nghĩa là chia cắt Triều Tiên và hai miền vĩnh viễn trong trạng thái đối đầu nhau.

Và cuối cùng, Nước Nga. Không giống như các cường quốc khác, Nga rất quan tâm đến việc hòa bình thống nhất bán đảo Triều Tiên. Một nước Triều Tiên thống nhất sẽ là một đồng minh cực kỳ quan trọng của Nga ở Châu Á. Matxcova có mối quan hệ bình thường với cả Bình Nhưỡng và Xe-ul, có thể trở thành một nước trung gian lý tưởng giữa quốc gia này.

Hơn nữa, đã hai năm nay Bình Nhưỡng rõ ràng là đang tìm mọi cách để xích lại gần hơn với Matxcova với hy vọng Nga sẽ trở thành một đối trọng với Bắc Kinh. Nhưng rất tiếc là chính sách đối ngoại của Nga hiện nay đang chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Quốc cho nên Nga đã để mất rất nhiều cơ hội, khả năng và cả đồng minh nữa.

Bây giờ thì trong vấn đề Triều Tiên, lịch sử lại lặp lại, Matxcova đã bất chấp lợi ích của mình, ngoan ngoãn đi theo luồng của Bắc Kinh và Washington, bỏ phiếu ủng hộ tất cả các nghị quyết thiết chặt trừng phạt, dù những biện pháp trừng phạt và cấm vận đó đó chỉ làm tình hình càng thêm xấu đi.

Liên quan đến vấn đề này không thể không đặt ra một câu hỏi: Tại sao chúng ta (Nga) không đòi hỏi chấm dứt ngay lập tức các chương trình hạt nhân và tên lửa của Pakistan? Đây chính là mối đe dọa trực tiếp đối với chúng ta và các đồng minh trong Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể.

Tại sao chúng ta luôn xung phong làm luật dư bào chữa miễn phí cho Teheran (Iran), trong khi chưa một lần nào nhận được một sự biết ơn dù là nhỏ nhất dưới bất kỳ hình thức nào? Tại sao chỉ đối với Bắc Triều Tiên chúng ta mới thể hiện tính nguyên tắc của mình? Nhưng hỏi thế thôi, khó mà trông chờ một phản ứng phù hợp với hoàn cảnh đơn thuần chứ chưa dám nói đến một cách tiếp cận sáng tạo đối với các vấn đề đặt ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại