LTS: Sự kiện người hùng không gian người Nga, Yuri Gagarin (1934 -1968), lần đầu tiên bay vào vũ trụ, thế mà đã cách xa 55 năm. Khi mới ở tuổi 27, con người này đã một mình làm cuộc hành trình quanh Trái Đất, trong 108 phút.
Nhớ về anh, người ta lại càng xót xa nuối tiếc, bảy năm sau, vào lúc 10 giờ 31 phút sáng 27 tháng 3 năm 1968, anh đã hy sinh khi mới 34 tuổi, trong một chuyến bay huấn luyện cùng đồng đội là Seregin.
Làng Novosjolovo tỉnh Vladimir là nơi chiếc máy bay MiG-15UTI của các anh đã rơi xuống, trong một vòng xoáy định mệnh.
Gần đây đã có thêm nhưng thông tin mới về vụ tai nạn này, vì vậy chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những "bí mật" phần nào được hé lộ qua tổng thuật của Đại tá Trần Danh Bảng.
Kỳ 1: CHUYẾN BAY ĐỊNH MỆNH
Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Gagarin (1934-1968) là Phó giám đốc đào tạo của Trung tâm huấn luyện phi hành gia và đang bắt đầu quay lại với vai trò một phi công chiến đấu.
Ngay từ ngày 10/03 năm ấy, Gagarin bắt đầu bay trong hai chỗ ngồi MiG-15UTI với Đại tá Vladimir Seregin. Họ bay bốn ngày một tuần, ngày và đêm với tầm nhìn tối thiểu. Ngày 27/03/1968, thời tiết có tầm nhìn 800-1.000m, đáy mây 450 đến 500m.
Đại tá Vladimir Seregin (1922-1968) hơn Gagarin đúng một giáp, là phi công lái máy bay chiến đấu từ thời Chiến tranh vệ quốc. Năm 1953, V. Seregin tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật hàng không Zhukov. Là phi công thử nghiệm.
Từ 1955 là chỉ huy huấn luyện của Trung tâm Đào tạo phi hành gia Liên Xô. Seregin từng thực hiện 140 lần không chiến và nhận danh hiệu anh hùng năm 1945.
Trang Secrets-world viết: "Chiếc máy bay hai buồng lái UTI.MiG-15 của Gagarin cất cánh vào 10g18 phút. Lúc 10g25 phút, các phi công đã lấy được độ cao qui định là 4.200m, thực hiện bài tập đầu tiên quay hai vòng phối hợp (số tám).
Sau đó Gagarin báo cáo cho trạm chỉ huy bay về tình hình làm việc trong vùng trời, xin phép được lượn trở lại hướng 320 độ".
Máy bay đã xuống tầng mây phía dưới, góc nghiêng máy bay đã đạt tới 70 đến 90 độ, rồi đột nhiên máy bay bổ xuống theo phương thẳng đứng.
Cách mặt đất chỉ còn 250 đến 300 mét nữa, họ phối hợp chặt chẽ với nhau, cố đưa máy bay ra khỏi trạng thái bổ nhào thẳng đứng, nhưng không thành công.
Các tư liệu cho thấy có vẻ như máy bay của Gagarin đã rơi ở độ cao 4.200 xuống đất ở vận tốc 470 km/h và chỉ có 55 giây từ lúc rơi đến khi tiếp đất. Các nhân chứng cho rằng, chắc chắn máy bay không không bị nổ trong không gian.
Loại trừ việc động cơ cháy trước đó, hoặc giả bị khủng bố bằng chất nổ.
Người ta đã dò tìm từng centimet tại khu vực có bán kính 3000m quanh cái hố hình phễu mà chiếc MIG 15 tạo ra khi lao xuống. Từng mảnh vụn bé nhất của chiếc máy bay được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Sau này, nhiều năm vẫn không có kết luận rõ ràng, một bức màn bí mật từ đó đã phủ lên cái chết của Gagarin.
Những phán đoán khác nhau?
Mỗi ngày qua đi, cái chết của Gagarin được coi là một bí ẩn trong suốt mấy thập kỷ. Trong nhiều giới, tồn tại nhiều “phiên bản lập luận, giải đoán” khác nhau.
Ban đầu qua Tạp chí "Hàng không dân dụng" №3 năm 1988, người dân biết được nguyên nhân rơi máy bay là do MiG-15 va chạm bóng thám không - thời tiết, hoặc vật thể lạ là ngỗng trời, máy bay rơi vào một vòng xoáy, gây thất tốc.
Hai phi công không còn thời gian để xử lý bất trắc. Kết cục, họ đã hy sinh.
Không thể “đánh thuế lời đồn đoán thế gian”. Có người cho rằng Gagarin bị giết hại, có người đoán anh đã tự tử.
Cũng có người nghi ngờ anh đã đụng độ với vật thể bay không xác định của người ngoài hành tinh... Cú đâm mạnh đến mức chiếc máy bay nặng 5 tấn đã vỡ tan hệt như một cái lọ thủy tinh bị đập vào bức tường bê tông.
Năm 1991, để kỷ niệm lần thứ ba mươi của chuyến bay vũ trụ Yuri Gagarin, nói về cái chết của anh, người ta đã rất ác tâm đưa ra các phỏng đoán vô lý nhất, như "họ bay trong khi say rượu", "họ bay săn nai", "họ đã bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không".
Nhiều cựu binh không quân Nga đọc và lắng nghe với tất cả tâm trạng đau đớn, khi truyền hình cho những người không biết gì về hàng không nói nhảm nhí.
Một tài liệu giải mật hồi năm 2003 tiết lộ rằng Cơ quan an ninh tình báo Liên Xô nghi ngờ rằng các nhân viên kiểm soát không lưu đã vô tình góp phần gây ra vụ tai nạn do cung cấp dữ liệu thời tiết sai.
Chuyên gia thiết bị hàng không là Đại tá nghỉ hưu người Nga Igor Kuznetsov trong một nghiên cứu đưa gia thuyết là ca bin máy bay đã bị hở, khoang lái của chiếc máy bay MiG-15 không được hàn kỹ lưỡng, khiến các phi công trong khoảnh khắc bị mất tri giác.
Cụ thể hơn, ông cho rằng một van thông khí trong buồng lái đã bị mở ra trong quá trình bay khiến áp suất giảm.
Một nhà điều tra người Nga mới đây tuyên bố rằng hành động vội vàng của Yuri Gagarin trong một chuyến bay huấn luyện có thể là nguyên nhân khiến nhà du hành đầu tiên trên thế giới tử nạn. Còn có quá nhiều điểm chưa rõ.
“Cá nhân tôi không khẳng định dứt khoát sai lầm của phi công" - Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Vũ trụ Nga A. Dzeleznyakov nói - "Có một loạt nguyên nhân, khi phi công nhìn thấy phía trước có một vật thể, anh ta sẽ phản ứng theo bản năng để tránh va chạm”.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Gagarin bay vào vũ trụ, một nhóm các nhà du hành và chuyên viên vũ trụ đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Putin đề nghị công bố toàn bộ 30 tập điều tra về vụ này....
Đồ thị thời gian và độ cao rơi của MiG-15.
Lại...giả thiết
Một Ủy ban điều tra (UBĐT) của Liên Xô được thành lập sau một ngày xảy ra tai nạn, bao gồm bốn tiểu ban. Đó là:
- Tiểu ban nghiên cứu việc chuẩn bị chuyến bay (tiểu ban bay).
- Tiểu ban nghiên cứu và phân tích các vật liệu của máy bay MiG-15UTI (tiểu ban kỹ thuật).
- Tiểu ban đánh giá tình trạng phi công trước và trong chuyến bay, nhận dạng người chết (tiểu ban y khoa).
- Tiểu ban KGB, theo "tuyến riêng" điều tra liệu tai họa có phải là kết quả của một âm mưu, khủng bố.
Thật cố gắng, người ta đã thu thập tới 90% mảnh vỡ của chiếc máy bay, thông thường, tìm được 40 đến 60% đã được coi là thành công lớn.
Phỏng vấn trước Russian Today, Leonov, một nhà phi hành Nga kể: "Chúng tôi đã huy động một nhóm đến đó và tìm thấy những gì còn lại của chiếc máy bay và cơ phó Seryogin. Một tiểu đoàn bộ binh đến sục sạo cả khu rừng suốt đêm.
Họ vừa tìm vừa la hét với hy vọng Gagarin có thể nghe thấy họ nhưng tất cả những gì họ tìm được là một chiếc dù. Các dây đai dù không bị xé rách mà được chủ tâm cắt đi?
Chỉ đến ngày hôm sau, chúng tôi mới tìm thấy phần thi thể của Gagarin. Gherman Titov và tôi được mời tham gia điều tra với vai trò là các chuyên viên."
Một chiếc MiG-15UTI.
Về góc độ điều tra, những giả thiết buộc UBĐT đưa ra:
Một là: Khủng bố. Công việc của tiểu ban này cực kỳ bí mật. Không một thông tin nào bị rò rỉ, thậm chí các kỹ sư trong cùng tiểu ban cũng không được phép thảo luận với nhau các kết quả.
Sự kiện chiếc dù bị cắt khiến cho họ chú ý, nhưng có thể những kẻ hôi của ở làng lân cận đã cắt những mảnh vải dù, có lợi cho công việc nhà quê.
Hai là: Ngay sau đó, người ta cho rằng máy bay Gagarin đã va phải chim (ngỗng) và bị bổ nhào. Các nhà điểu cầm học được mời tới đã phủ nhận khả năng này.
Ba là: Hai phi hành gia say rượu? Từ ngày 26-3, cả hai không uống giọt nào.
Bốn là: Sự vô trách nhiệm. Chiếc MiG-15UTI đó không có hộp đen. Nhưng có các máy tự động ghi lại các vận tốc và độ cao của máy bay.
Vào ngày hôm đó, người ta lại quên lắp cuộn giấy vào các máy tự động! Còn hai máy vô tuyến định vị theo dõi chuyến bay. Một có nhiệm vụ theo dõi hướng bay, cái kia là độ cao. Điều này rất quan trọng bởi cùng lúc trong cùng một khu vực.
Cùng MiG-15UTI có tới bảy máy bay đang bay ở các độ cao khác nhau.
Vào ngày hôm đó, máy vô tuyến định vị chiều cao lại không hoạt động, còn màn hình của vô tuyến theo dõi hướng bay lại không chụp ảnh sau mỗi 30 giây như qui định.
Thiếu máy ghi tự động và định vị chiều cao đã ngăn trở các chuyên gia dựng chính xác của thảm họa.
Năm là: Cho rằng chiếc MiG-15UTI đã rơi vào luồng xoáy của chiếc máy bay khác bay ngang, mất kiểm soát, bị rơi xoắn ốc và đâm xuống đất. Một phi hành gia nổi tiếng khác là Aleksey Arkhipovish Leonov cũng ủng hộ giả thiết này. Nhưng không bằng chứng.
Sáu là: Phi hành gia Gherman Titov nói, chiếc máy bay đã va phải một khinh khí cầu thời tiết mà thời đó thường được thả để thu thập dữ liệu thời tiết. Ông giả định chiếc khinh khí cầu này đã va vào đèn của máy bay làm máy bay bị giảm áp và bổ nhào.
UBĐT đã xem xét hầu như tất cả: từng chiếc đinh vít, mảnh kính tới từng mẩu quần áo. Họ cũng tính toán vận tốc mà máy bay trở về mặt đất, góc nghiêng và khả năng thoát khỏi máy bay trong tình trạng bổ nhào.
Nhưng tất cả các sự kiện này lại không gặp nhau trong một lập luận chung, nên không thể có một kết luận đơn giản.
Kỳ tới: Cái chết bí ẩn của phi hành gia Gagarin: Một sai lầm quá lớn?