Ngày 22/12/1939, ba tháng sau khi phát xít Đức tấn công Ba Lan, một chiếc máy bay mang tên VI-100 được tổ chức bay thử. Hai năm sau, VI-100 trở thành Pe-2 và chính thức đi vào biên chế Không quân Hồng quân Liên Xô, nhanh chóng lập hàng loạt chiến công vang dội. Đây là kiệt tác của tổng công trình sư Vladimir Petlyakov và các cộng sự ở viện thiết kế của ông. Đằng sau chiếc máy bay chiến đấu huyền thoại này là cả một câu chuyện dài.
Vladimir Mikhailovich Petlyakov sinh ngày 15/6/1891 ở Sambek, nay là Novoshakhtinsk, Nga. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng kĩ thuật Taganrog năm 1910, Petlyakov tiếp tục theo học ở Đại học Kĩ thuật Quốc gia Moskva Bauman, nhưng vì nhà nghèo khiến ông phải bỏ lỡ việc học giữa chừng.
May mắn đã đến với Petlyakov khi Cách mạng tháng Mười nổ ra năm 1917. Hồng quân lúc bấy giờ còn rất nghèo khó, thiếu thốn trang bị, nhưng các lãnh đạo nhà nước Xô viết non trẻ luôn rất chú trọng phát triển khoa học, bao gồm cả hàng không. Petlyakov trở lại Đại học Kĩ thuật Quốc gia Moskva Bauman với tư cách kĩ thuật viên của phòng thí nghiệm khí động lực. Ông vừa làm việc vừa học tập dưới sự hướng dẫn của Nikolay Yegorovich Zhukovsky (1847-1921), nhà khoa học ưu tú, được coi như cha đẻ của hàng không và thủy động lực học hiện đại. Petlyakov đã thu được những tri thức quí giá về hàng không trong quãng thời gian này.
Năm 1922, ông tốt nghiệp và về làm việc ở Viện Thủy động lực học Trung ương, dưới quyền của tổng công trình sư tài ba Andrei Tupolev. Ở đây, ông đã phát huy tài năng của mình. Đến năm 1936, khi đã trở thành một nhà khoa học uyên bác có thâm niên, Petlyakov được bổ nhiệm làm lãnh đạo ở một nhà máy hàng không. Ông đã tham gia nghiên cứu chế tạo và có đóng góp trong việc phát triển các máy bay ném bom TB-1 và TB-3 cho Không quân Xô viết.
Cũng trong quá trình nghiên cứu, Petlyakov đã sớm nhận ra nhiều vấn đề: Các máy bay ném bom của không quân Xô viết rất lạc hậu. Chúng to lớn, kềnh càng và không hiệu quả. Quan điểm cũ kĩ cho rằng mục tiêu duy nhất của không quân ném bom là bộ binh, trong khi xu thế phát triển của lục quân là tăng cường cơ giới hóa, trang bị thêm xe tăng, xe bọc thép … Kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Tây Ban Nha và ở Phần Lan cho thấy: Rất cần những loại máy bay ném bom bổ nhào, giống như chiếc Junkers Ju 87 Stuka của phát xít Đức.
Và thế là Petlyakov và các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu. Ban đầu, ông và các cộng sự tiến hành thiết kế một chiếc máy bay tiêm kích hai động cơ để làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom tầm xa. Mẫu thử VI-100 cất cánh bay thử lần đầu vào ngày 7/5/1939, và sau đó bay thử lần hai thành công cuối năm 1939. Trên cơ sở VI-100, Petlyakov phát triển mẫu thử PB-100, và sau đó trở thành máy bay ném bom bổ nhào Pe-2.
Thực tế đã chứng minh, khi chiến tranh vệ quốc vĩ đại bùng nổ năm 1941, phần lớn không quân Xô Viết tê liệt. Nhiều máy bay cũ kĩ bị ném bom phá hủy ngay trên sân bay. Số ít các phi vụ ném bom được tổ chức vội vã bị các máy bay tiêm kích phát xít Đức nghiền nát. Chính trong hoàn cảnh đó, Pe-2 đã tham chiến và phát huy rõ uy lực. Đã có đến 11.427 chiếc Pe-2 được sản xuất trong toàn bộ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít.
Chiếc Pe-2 dài 12,66m, sải cánh 17,13m, diện tích cánh 40,5m2, khối lượng cất cánh thông thường 7.540kg, tối đa là 8.500kg, tổ lái 3 người. Pe-2 được trang bị hai động cơ Klimov M-105P công suất 1.100 mã lực, cho phép đạt tốc độ tối đa 540km/h (452km/h khi bay sát mặt nước biển). Bán kính chiến đấu của Pe-2 lên đến 1.300km, với khả năng mang từ 600kg đến tối đa 1.000kg bom, cùng 4 đại liên ShKAS 7,62mm (2 súng ở phía mũi, 2 súng ở phía sau).
Khi tham chiến, Pe-2 đã tỏ rõ sự linh hoạt và hiệu quả trong tác chiến, nên được sản xuất với qui mô lớn ở Kazan. Bên cạnh vai trò máy bay ném bom, Pe-2 còn có thể làm nhiệm vụ trinh sát và cả máy bay chiến đấu ban đêm. Buồng lái được bọp thép dày 9mm bảo vệ tốt cho tổ bay khỏi hỏa lực đối phương. Chiếc máy bay mang tên Petlyakov đã trở thành nỗi kinh hoàng của quân phát xít, thực hiện vô số cuộc ném bom vào đối phương.
Nhưng không ai ngờ được nhà thiết kế thiên tài Petlyakov đã hi sinh ngay trên chiếc máy bay huyền thoại của mình. Ngày 12/1/1942, ông có việc gấp phải về họp ở Moskva. Tuy nhiên, chiếc máy bay vận tải Douglas của ông lại bị trục trặc. Do đó, ông và cấp phó của mình đã bay bằng một chiếc Pe-2 để đến Moskva.
Nhưng khi máy bay mới cất cánh được 30 phút thì gặp trục trặc do việc lắp ráp máy bay ở nhà máy có sai sót. Phi công tắt động cơ và cố gắng quay về sân bay, nhưng không kịp. Máy bay bốc cháy và ngọn lửa lan đi rất nhanh, biến chiếc Pe-2 của Petlyakov trở thành quả cầu lửa bùng cháy, lao từ độ cao 500m xuống đất.
Định mệnh nghiệt ngã đã chấm dứt cuộc đời mới 51 tuổi của viện trưởng Vladimir Petlyakov. Ông qua đời để lại nhiều dự định dang dở, trong đó có dự án máy bay ném bom đường dài Pe-8. Cả cuộc đời mình, dù đã có lúc bị nghi ngờ, vu oan và bị bắt giam, nhưng Petlyakov luôn hết lòng phục vụ Tổ quốc Xô viết, đã cống hiến toàn bộ tài năng của mình cho việc chế tạo các máy bay ném bom hiện đại cho Hồng quân Liên Xô.
Ông mất đi, nhưng còn hàng vạn chiếc máy bay do ông chế tạo vẫn sát cánh cùng các chiến sĩ Hồng quân trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, để lại một huyền thoại về vị Tổng công trình sư thiên tài nhưng đoản mệnh.