Trong lịch sử phát triển 100 năm qua, các kỹ sư vũ khí đã chế tạo ra nhiều hệ thống xạ kích an toàn từ thiết kế đơn sơ ban đầu.
Thế chiến I…
Thế chiến I xứng đáng được gọi là chiến tranh hầm hào. Ban đầu là quân Pháp, sau đó đến lượt quân Anh đã cải tiến các súng trường quân dụng để ngắm bắn bằng kính tiềm vọng. Thiết kế thành công nhất do hạ sĩ Anh William Beech từ Sydney đề xuất cho súng trường Lee Enfield vào tháng 5/1915. Nhanh chóng nhiều lính Australia tham chiến trên bán đảo Gallipoli, Thổ Nhĩ Kỳ đã được tặng thưởng huân chương quân công cao quý nhất của Anh "Victoria Cross" vì diệt được nhiều lính Thổ. Độ chính xác bắn ở tầm đến 300 m. Súng này cũng thuận tiện để quan sát chiến hào đối phương. Tuy nhiên cuối cùng quân Thổ vẫn đánh thắng quân Australia.
Người Nga cũng tiến hành nghiên cứu chế tạo các kính tiềm vọng để xạ kích. Năm 1916, họ đã đề xuất một khí cụ gương cho phép ngắm bắn từ sau lan can. Nó có độ chính xác thấp, nhưng lại được sản xuất với số lượng lớn so với các hệ thống của Anh. Tác giả của sáng chế này là Đại tá Mordakh.
Những dự án vô nghĩa
Trong Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô, lính Đức sử dụng các thiết kế kính tiềm vọng cách đó 25 năm cho súng trường bán tự động Mauser G.41 với độ cao của khí cụ ngắm là 190 mm. Kính ngắm này nặng 5,6 kg. Điểm yếu rõ ràng của cơ cấu ngắm gián tiếp là trọng tâm bị dịch chuyển về phía trước và cấu trúc khá cồng kềnh. Nếu như một lính Đức trang bị súng này mà bị bắt làm tù binh, anh ta thường không thể sống sót vì bị gọi là kẻ hèn nhát, không đáng sống.
Năm 1943, các xe tăng Đức bắt đầu được lắp súng máy MG.34 với nòng cong theo thiết kế của Hans-Joachim Shaede. Tuy nhiên súng không ổn định và hao mòn nhanh. Nhiều khi chỉ được 100 viên là súng máy này đã không thể bắn được nữa. Chỉ sau khi chuyển sang loại đạn chuyên dụng với sơ tốc thấp hơn mới tăng được tuổi thọ của nòng lên đến 2.000 viên, nhưng thực ra là với độ chính xác rất thấp.
Năm 1944, Wehrmacht (quân đội phát xít Đức) đã nhận được các súng trường tấn công mới với nòng cong và kính ngắm tiềm vọng, cho phép bắn từ đùi. Và một lần nữa, trong điều kiện tác chiến đường phố thực tế (bắn từ góc) hay từ chiến hào, súng này không nhận được các đánh giá tích cực.
Liên Xô cũng đã tiến hành các nghiên cứu tương tự. Năm 1943, họ đã thử nghiệm tiểu liên PPSh với nòng cong 300. Các nghiên cứu này do Nikolai Fyodorovich Makarov thực hiện. Các kết quả thử nghiệm, cũng giống như của người Đức là không đạt.
Theo lối cũ
Trong thời kỳ sau chiến tranh, việc phát triển vũ khí ngắm bắn gián tiếp diễn ra theo lối cũ. Năm 1950, ở Mỹ xuất hiện súng bắn từ chiến hào dùng kính ngắm tiềm vọng do S. Douglas thiết kế. Và một lần nữa, người ta đã không khắc phục được moment hất lùi mạnh.
Năm 1973, Pháp đã thử nghiệm súng tự động dùng kính tiềm vọng lắp trên giá ba chân vững chắc do A. Clement thiết kế. Thử nghiệm cho thấy các kết quả đạt yêu cầu chỉ khi bắn phát một. Trong số các nhược điểm rõ ràng, các chuyên gia có nêu ra yếu tố trọng lượng của khí cụ.
Là nước có lực lượng xe tăng hùng mạnh nhất, Liên Xô vào cuối thập kỷ 1940 và trong thập kỷ 1950 đã tiến hành nhiều dự án nghiên cứu chế tạo súng máy trên xe tăng dùng để bắn ở “góc chết”. Các nghiên cứu này do N. Makarov và K. Kurenkov lãnh đạo. Năm 1956, đã thử nghiệm súng máy Degtyarev với nòng cong 900. Mặc dù súng này hoạt động ổn định nhưng nó không thuận tiện khi bắn. Có số phận may mắn hơn là các súng máy nòng cong của Goryunov. Trong thời gian dài, chúng được sử dụng trên biên giới Xô - Trung trong các công trình hầm hào cố định.
Bắn từ vị trí an toàn
Trong nhiều bản tin hiện nay về chiến tranh, có thể thường xuyên trông thấy cảnh bắn loạn xạ từ góc khuất. Việc đó thường do các binh lính không chuyên hay phiến quân ô hợp thực hiện. Thò súng trường tiến công ra ngoài, họ bắn hết loạt này đến loạt khác vào khoảng không.
Nhưng hóa ra có thể thực hiện xạ kích như vậy một cách chính xác. Aleksandr Golodyaev vào năm 1995 đã giới thiệu hệ thống ngắm, trong đó vật kính bên trên nòng súng được nối bằng ống dẫn quang với thị kính trên mũ. Kết quả cho thấy, ở cự ly 100 m, một người lính được huấn luyện sử dụng thiết bị này có thể bắn trúng bia người đứng trong 7 trên 10 lần bắn.
Hệ thống “dẫn động bắn từ nơi ẩn nấp” mà các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật đặc biệt Bộ Nội vụ Liên bang Nga phát triển cũng có cấu tạo tương tự. Trong trường hợp này, súng (AK) được lắp trên một giá ba chân đặc biệt, còn xạ thủ thì ở nơi an toàn.
Mỹ cũng phát triển một giá có điều khiển TRAP Т2 dành cho súng trường bắn tỉa cỡ nòng từ 5,56 - 7,62 mm. Chẳng hạn, súng trường M-16 gắn trên giá ba chân và với sự trợ giúp của khối điều khiển T2L, xạ thủ bắn tỉa bắn từ nơi ẩn nấp. Hướng nghiên cứu này được xem là có triển vọng nhất.
Corner Shot
Năm 2003, trên toàn thế giới người ta nói đến hệ thống Corner Shot của công ty Corner Shot Holdings. Bộ thiết bị ngắm này có thể sử dụng với đa số các loại súng ngắn như Glock, SIG Sauer, CZ hay Beretta. Các nhà thiết kế khẳng định rằng, thiết bị bắn Corner Shot giúp tăng cơ hội sống sót nhờ việc có thể dịch chuyển nòng súng về bất kỳ hướng nào tùy ý xạ thủ.
Ngoài ra, còn có một camera độ phân giải cao có thể “nhìn” cả trong đêm và khi có khói. Thử nghiệm đã cho thấy có thể bắn hiệu quả nhờ thiết bị này ở tầm bắn đến 200 m tùy thuộc chủng loại súng ngắn. Hiện nay, hệ thống này được trang bị cho các đơn vị đặc nhiệm ở 18 quốc gia.
Các cơ quan đặc vụ Nga cũng đã mua các hệ thống Cornet Shot. Các binh sĩ đặc nhiệm của đơn vị phản ứng nhanh "Rys" của Bộ Nội vụ Nga được trang bị các hệ thống này.
Tuy nhiên hãng Corner Shot đã không duy trì được lâu thế độc quyền. Trung Quốc đang sản xuất 2 hệ thống tương tự là HD-66 và CF-06. Các chuyên gia Trung Quốc khẳng định rằng các bộ thiết bị ngắm này là hoàn toàn của Trung Quốc và dành cho súng ngắn QSZ-92. Hàn Quốc, Pakistan, Iran cũng đã tuyên bố phát triển thành công các thiết bị ngắm bắn từ góc.
Giới thiệu súng ngắm bắn từ góc khuất
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA