Cách người Do Thái khắc chế MiG Liên Xô

Từ khi thành lập (1948), Israel trải qua nhiều cuộc chiến quy mô khác nhau với nhiều nước thuộc thế giới Arập và luôn giành phần thắng. Tại sao lại như vậy?

Bắt đầu từ những máy bay chiến đấu Liên Xô

Trong mấy chục năm tồn tại của Liên Xô, việc các phi công quân sự trốn ra nước ngoài bằng máy bay là chuyện không quá hiếm và luôn là vấn đề đau đầu với giới lãnh đạo và Cơ quan tình báo Xô Viết.

Trong những năm sau chiến tranh (vệ quốc), đã có 9 trường hợp máy bay chiến đấu Xô Viết bị chính các phi công của mình sử dụng làm phương tiện để trốn ra nước ngoài.

Cho đến khi Liên Xô tan rã, cũng đã có hàng chục vụ cướp máy bay chiến đấu Liên Xô do phi công các nước đồng minh của Liên Xô hoặc được Liên Xô hậu thuẫn thực hiện. Danh sách cụ thể - đó là phi công các nước Ba Lan, Cuba, Bắc Triều Tiên và các nước Arập.

Một vài dẫn chứng:

Năm 1949, trung úy phi công Quân đội Ba Lan Korobchinski đã lái chiếc máy bay cường kích Il-2M3 bay sang đảo Hotland của Thụy Điển. Năm 1953, cũng lại một phi công Ba Lan khác là Iaretski đã cướp chiếc máy bay tiêm kích MiG-15 hiện đại nhất lúc đó và hạ cánh xuống một sân bay của Hà Lan.

Ngày 20/3/1991, thiếu tá phi công Quân đội Cuba L.Peres đã lái chiếc MiG-23 bay sang Mỹ. Sau khi hạ cánh, viên phi công này đã thuê một chiếc máy bay “Cessna-210” bay trở lại Cuba. Tại một địa điểm đã hẹn trước, L.Peres đón vợ cùng 2 con về Mỹ.

Nhưng đáng chú nhất là các vụ cướp máy bay chiến đấu của Liên Xô do các phi công các nước Arập thực hiện. Đáng chú ý bởi: 1/ xảy ra nhiều nhất; 2/ đều được đưa về Israel và 3/ đứng đàng sau các vụ này là Cơ quan tình báo đối ngoại Israel “MOSSAD”.

Vì sao là “ MOSSAD”?

Trên thực tế, Liên Xô hầu như viện trợ không hoàn lại vũ khí và trang bị kỹ thuật cho các nước Arập đánh nhau với Israel. Chỉ riêng Syria, số vũ khí mà Syria tiếp nhận từ Liên Xô có trị giá 26 tỷ đô la.

Trong số các loại vũ khí đó có tới 1.200 máy bay chiến đấu và 5.000 xe tăng. Các trường cao đẳng quân sư và học viện quân sự Xô Viết đã đào tạo hàng nghìn phi công và các chuyên gia quân sự các chuyên ngành khác nhau cho quân đội các nước Arập.

Tình báo Israel (MOSSAD) đã tiến hành nhiều chiến dịch cướp máy bay Xô Viết (và không chỉ máy bay- ngày 22/01/1969, lính Israel đã đổ bộ xuống đảo Shaduan lấy đi một trạm radar mới nhất mà Liên Xô mới cung cáp cho Ai cập) để nghiên cứu tìm phương án đối phó.

Đến hôm nay, qua các tài liệu đã được giải mật, đã có các thông tin chính thức về các chiến dịch cướp (hoặc đào tẩu) máy bay chiến đấu Liên Xô do các phi công một số nước Arập thực hiện.

Ngày 19/01/1964, phi công Ai Cập M.A.Khilmi đã đào tẩu sang sân bay Khatsior tại Israel từ sân bay El- Arish (Ai Cập) cùng chiếc máy bay Yak-11.

Các chuyên gia Israel đang nghiên cứu chiếc máy bay Yak-11 của Ai cập tại sân bay Khatsior
Các chuyên gia Israel đang nghiên cứu chiếc máy bay Yak-11 của Ai cập tại sân bay Khatsior

Năm 1965, một phi công Syria lái một chiếc MiG-17F từ căn cứ sang Israel.

Ngày 16/8/1966, phi công Iraq Munnir Radfa cướp một chiếc MiG-21F-13 và bay từ Iraq sang Israel.

Trong thời gian cuộc chiến 6 ngày 1967, 3 chiếc MiG-21F-13 và 6 chiếc MiG-17F của Algeria đã hạ cánh xuống căn cứ không quân El- Arish trên bán đảo Xinai. Trường hợp này chưa xác định rõ nguyên nhân, nhưng nhiều khả năng là do các phi công Algeria đã không được thông báo kịp thời về tình hình chiến sự, - khi các máy bay này hạ cánh thì căn cứ không quân El- Arish của Ai cập đã bị xe tăng của Israel chiếm giữ.

Năm 1968, lại 2 chiếc máy bay MiG-21 của Syria hạ cánh xuống Israel.

Tháng 4 năm 1989, một phi công Syria đào tẩu trên một chiếc MiG- 23 ML và đích đến vẫn là Israel.

Tháng 10/1989, một phi công Syria khác là Abdel Bassem lại lái một chiếc MiG- 23ML nữa đến Israel.

Nhưng đáng chú ý nhất trong các vụ đào tẩu cùng máy bay nói trên là vụ viên phi công Không quân Iraq M. Radfa lái chiếc MiG-21 từ Iraq sang Israel năm 1966 vì nó được Tình báo Israel chuẩn bị rất công phu và tỏ ra rất hiệu quả (được thể hiện sau này). Sau đây là diễn biến toàn bộ chiến dịch trên của “MOSSAD”:

Chuẩn bị công phu

Máy bay tiêm kích MiG-21 của Liên Xô được đưa vào trang bị cho quân đội các nước Arập vào năm 1961 (mãi đến cuối năm 1965, đầu năm 1966 - Liên Xô mới cung cấp MiG-21 cho Việt Nam).

Theo các thỏa thuận liên chính phu đã được ký kết, Liên Xô chịu trách nhiệm cung cấp máy bay và các phương tiện kỹ thuật đi kèm, bảo dưỡng kỹ thuật và huấn luyện phi công. Cũng từ thời điểm này (1961), học viên các nước Arập nói trên bắt đầu được đào tạo tại các trường đào tạo phi công tại Liên Xô.

Đối với Israel, đây là một thông tin không mấy vui vẻ: đối phương (các nước Arập) đã tiếp nhận các máy bay tiêm kích Xô Viết, trong khi Phương Tây chưa hề có thông tin gì về các loại máy bay này.

Chiến tranh với người Arập đã cận kề, và để chiến thắng cần phải có các dữ liệu chi tiết về các máy bay mới này để huấn luyện phi công Israel cách đối phó trong các trận không chiến sắp tới.

Bộ tư lệnh Không quân Israel yêu cầu “MOSSAD” bằng mọi cách phải thu thập bằng được các thông tin cực kỳ quan trọng này.

Lãnh đạo “MOSSAD” lúc đó là tướng Meir Amit (Slutski) đã tiếp cận vấn đề một cách hết sức sáng tạo – ông đưa ra một kế hoạch có mục tiêu cao hơn - không chỉ gói gọn trong việc tìm kiếm các thông tin về tính năng kỹ- chiến thuật của máy bay tiêm kích Xô Viết mới, mà còn phải mang về Israel một chiếc máy bay còn nguyên vẹn, chưa bị hỏng (để có thể bay thử nghiệm) để nghiên cứu một cách chi tiết loại máy bay này.

Mấy dòng về Amit: vào thời điểm đó, Amit mới nhậm chức giám đốc “MOSSAD”. Trước đó ông đã thăng tiến rất nhanh trên con đường binh nghiệp, lên tướng từ năm 34 tuổi, là Cục trưởng Cục tác chiến (cơ quan quan trọng bậc nhất) của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Israel.

Nhưng một tai nạn trong một lần huấn luyện nhảy dù đã buộc ông phải rẽ ngang. Sau 18 tháng điều trị tại quân y viện, tướng Amit chuyển sang phụ trách tình báo quân sự và 2 năm sau đó lãnh đạo Cơ quan tình báo đối ngoại “MOSSAD”.

Amit nói được tiếng Nga – cha mẹ ông gốc Kharkov (đông Ukraine), còn em họ ông - Boris Slutski là một nhà thơ Xô Viết rất nổi tiếng.

Sau khi phân tích mọi phương án có thể để có lấy một chiếc MiG-21 còn nguyên vẹn, tướng Amit đưa ra kết luận: phương án tối ưu là tuyển mộ một phi công Arập có thể sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cực kỳ mạo hiểm - cướp một chiếc MiG-21 của nước đó rồi bay về Israel.

Để có thể giải bài toán này, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tìm ra các ứng cử viên tiềm năng. Tình báo Israel đã có gần như đầy đủ hồ sơ của các sỹ quan quân đội các nước Arập, việc cần làm là phân tích tất cả các thông tin và dữ liệu có được, kể cả từ các cuộc trao đổi của các phi công với các đơn vị phục vụ dưới mặt đất.

Tướng Meir Amit (Slutski)
Tướng Meir Amit (Slutski)

Sau khi phân tích, các chuyên gia “Mossad’ cho rằng, con người cần thiết và thích hợp để thực hiện phi vụ này tốt nhất là một phi công thuộc một nhóm thiểu số tôn giáo hoặc sắc tộc bị phân biệt đối xử trong thế giới Hồi giáo Arập, và tốt hơn cả là người theo đạo Thiên chúa.

Người theo đạo Thiên chúa trong những nước Arập Hồi giáo là những người có vị thế thấp nhất và bị phân biệt đối xử.

Theo tiêu chí trên, danh sách ứng cử viên cướp MiG- 21 chỉ còn có một – trong quân đội các nước Arập hầu như không có phi công nào là người Thiên chúa giáo – chỉ duy nhất có một người như vậy phục vụ trong Không quân Iraq.

Đấy là đại úy Munir Radfa, người được coi là một trong những phi công xuất sắc nhất của Không lực Iraq. M.Radfa được huấn luyên bay ở Trường huấn luyện phi công Liên Xô và lúc này đang là biên đội phó một biên đội MiG-21.

Gần như ngay sau đó, Tình báo Israel đã có trong tay đầy dủ thông tin về M.Radfa – viên phi công này trong các buổi nói chuyện riêng với người thân đã tỏ ra bất mãn với việc truy bức những người theo đạo Thiên chúa và cũng hiểu rằng - một số phận không mấy sáng sủa của những người theo đạo Thiên chúa trong một thế giới Hồi giáo có thể đổ ập xuống đầu mình và những người thân bất cứ lúc nào.

Việc tuyển mộ Radfa được “MOSSAD” tiến hành trong kỳ nghỉ của viên đại úy này cùng gia đình trên một chuyến tàu du lịch trên biển dọc bờ Địa Trung Hải.

Dù đã tính toán từ trước nhưng các nhân viên “MOSSAD” vẫn hơi ngạc nhiên – Radfa chấp nhận gần như ngay lập tức lời đề nghị của tình báo Israel, nhưng đưa ra 2 điều kiện – 1/ 1 triệu đôla và 2/ Israel phải cung cấp nơi tỵ nạn cho tất cả các thành viên trong gia đình anh ta tại Israel.

Để Radfa tin hoàn toàn vào các cam kết của phía Israel, “MOSSAD” đề nghị anh này bí mật bay đến Israel trong thời gian 2 ngày.

Ngay khi đến Israel, Radfa đã được đích thân Tư lệnh Không quân - Tướng Mordekhai Khod tiếp. Tư lệnh Không quân Israel và Radfa đã cùng lên kế hoạch chi tiết và vạch các tuyến bay có thể trên bản đồ từ Iraq đến Israel – cần phải bay qua không phận Iraq và Jordan với cự ly gần 900 km.

Sau khi nhận được các bảo đảm của Israel, Radfa quay trở về Iraq, còn Tình báo Israel bí mật đưa gia đình Radfa từ Iraq qua Iran, đến London và từ đó đưa về Israel. Đến lúc này, Radfa đã không còn đường lùi (dù có muốn).

Hưởng thành quả

Ngày quyết định đã đến, đó là ngày 16/8/1966. Đúng 7h30, máy bay của Radfa cất cánh và bay về hướng đông. Nhưng chỉ mấy phút sau, chiếc máy bay tiêm kích này đột ngột chuyển hướng tây và từ đó không trả lời bất cứ mệnh lệnh nào của Sở chỉ huy của Không quân Iraq – Radfa bay theo đúng tuyến bay đã thỏa thuận từ trước với tướng Mordekhai Khod ở độ cao cực thấp.

Cũng vào thời điểm đó, tại căn cứ không quân Khtserim, một phi đội tiêm kích “Mirage” do thiếu tá chỉ huy phó đại đội không quân tiêm kích sô 101 Không quân Israel Ran Ronen chỉ huy đã trực chiến trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất 3 ngày đêm.

Viên thiếu ta này được coi là một trong những phi công giỏi nhất của Không quân Israel. Xin nói thêm - 6 tháng sau sự kiện này, trong cuộc chiến tranh 6 ngày, chính viên thiếu ta này đã bắn hạ 7 chiếc MiG -21 của đối phương.

Được lệnh cất cánh. Ngay sau khi lấy độ cao, thiếu tá Ronen nhận lệnh từ Sở chỉ huy: hướng 90 độ, đánh chặn máy bay của đối phương bay từ phía Jordan và tiêu diệt.

Ronen ra lệnh cho số 2 chuẩn bị pháo 30mm và tên lửa.

Nhưng ngay sau đó, Ronen nhận được lệnh của đích thân Tư lệnh Không quân Mordekhai Khod: “ Ran (Ronnen) , sau mấy phút nữa cậu sẽ thấy vật thể gì đấy và không được phép bắn hạ. Bay theo nó và ép nó hạ cánh xuống căn cứ ”.

Chiếc MiG-21của phi công Iraq M.Radfa được trưng bày tại Bảo tàng Không quân Israel. Ảnh năm 2006 của Cơ quan báo chí Bảo tàng Không quân Israel
Chiếc MiG-21của phi công Iraq M.Radfa được trưng bày tại Bảo tàng Không quân Israel. Ảnh năm 2006 của Cơ quan báo chí Bảo tàng Không quân Israel
Và chiếc MiG-21 số hiệu 4324 (do nhiều phi công Việt Nam lái) bắn hạ tổng cộng 14 máy bay Mỹ tại Bảo tang lịch sử quân sự Việt Nam.
Và chiếc MiG-21 số hiệu 4324 (do nhiều phi công Việt Nam lái) bắn hạ tổng cộng 14 máy bay Mỹ tại Bảo tang lịch sử quân sự Việt Nam.

Chỉ ít phút sau, Ran Ronen đã phát hiệu ra chiếc MiG-21 Iraq đang bay ngược lại. Tình huống khó dự đoán trước: nếu chiếc máy bay là một “thần phong” (máy bay cảm tử) thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Vì thế, thiếu tá Ronen lệnh cho số 2 bám đuôi chiếc MiG- 21 và ở cự ly 250 m luôn giữ mục tiêu trong tầm ngắn để trong trường hợp cần thiết có thể tiêu diệt nó ngay lập tức.

Còn chính Ronen tiếp cận MiG-21 từ trên cao, đến cự ly 10 m.

Từ cự ly này, Ronen nhìn rất rõ phi công trong buồng lái. Viên phi công kia cũng nghiêng cánh chào. Ronen dùng tay ra hiệu “Bay theo tôi”- phi công MiG- 21 lập tức chấp hành lệnh. Thiếu tá Ronen dẫn chiếc máy bay lạ này bay theo mình nhưng sẵn sàng tiêu diệt nếu nó đổi hướng.

MiG- 21 do 2 chiếc tiêm kích của Israel kèm đã hạ cánh xuống căn cứ quân sự Khatsor. Viên phi công lái chiếc máy bay này chính là Munir Radfa.

Bay thử nghiệm MiG- 21

Như vậy là Israel đã có được một chiếc MiG-21 nguyên vẹn như dự kiến, việc tiếp theo là bay thử nghiệm.

Công việc khó khăn này được giao cho phi công xuất sắc nhất, phi công thử nghiệm của Không quân Israel - đại tá Dan Shapira. Đại tá D.Shapira đã bay thử nghiệm hàng chục loại máy bay có trong trang bị của Không quân Israel. Tướng Mordekhai Khod khi giao nhiệm vụ đã nói với D.Shapira “Cậu là phi công Phương Tây đầu tiên lái MiG-21”.

Việc đầu tiên mà Shapira làm – thay toàn bộ các chữ tiếng Nga trong buồng lái MiG- 21 bằng tiếng Do thái. Chỉ vài ngày sau khi máy bay được đưa về, Shapira đã cho cất cánh. Tổng cộng trong quá trình thử nghiệm, Shapira đã có 120 chuyến bay trên chiếc tiêm kích Xô Viết và tiến hành các trận không chiến (giả định) với các máy bay tiêm kích Israel.

Mục tiêu của các chuyến bay và “không chiến” với máy bay tiêm kích Israel là tìm ra điểm yếu của tiêm kích Xô Viết để đưa ra chiến thuật không chiến hiệu quả nhất chống MiG-21.

Quan điểm của đại tá D.Shapir về MiG- 21 như sau: “Đây là một con ngựa thồ rất đáng tin cậy” và là một “Volkswagen” (một loại xe hơi nổi tiếng của Đức) có cánh”; và như người ta thường nói “cứ đổ xăng vào và bay”. Nhưng điều quan trọng nhất trong kết luận của Shapir: “khả năng quan sát của phi công MiG-21 ở bán cầu sau rất kém.

Nếu tiếp cận MiG- 21 từ phía sau chếch dưới ở cự ly 150 m thì phi công MiG- 21 không thể nhìn thấy máy bay đang công kích mình. Đấy là vị trí thuận lợi nhất để tấn công và đảm bảo chắc chắn tiêu diệt MiG-21”.

Các phi công tiêm kích Israel ngay sau đó được lệnh tiến hành các buổi tập theo các chỉ dẫn của Shapira. Kết quả cũng không phải chờ đợi lâu. Ngày 7/4/1967, trong trận không chiến trên bầu trời cao nguyên Golan, các máy bay tiêm kích Israel đã bắn hạ 6 chiếc MiG- 21 của Syria.

Trong cuộc chiến tranh này, các phi công Israel đã bắn rơi 686 máy bay đối phương, trong đó phần lớn là MiG. Nổi tiếng nhất là phi công tiêm kích đại tá Giora Even- Epshtein – ông này đã bắn hạ 17 chiếc MiG và Su, và được công nhận là phi công tiêm kích hiệu quả nhất của Phương Tây.

Hai sự kiện ngoài lề

1. Cùng thời gian đó (những năm 1967, 1968), MiG-21 cũng đã tham chiến trên bầu trời Việt Nam. Người viết không có số liệu chính thức nhưng theo V.Ilyin, nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh Nga thì trong giai đoạn một của cuộc chiến tranh phá hoại đường không tại miền Bắc Việt Nam (từ tháng 4/1965 đến tháng 11/1968) trên bầu trời Việt Nam đã diễn ra 268 trận không chiến, có 244 máy bay Mỹ và 85 máy bay Việt Nam bị bắn rơi (trong đó có MiG-21). (để so sánh – năm 1969, trong các cuộc không chiến Ai cập- Israel, phía Ai cập mất 48 máy bay- Israel -5, số liệu từ “Bách khoa toàn thư nghệ thuật quân sự - các cuộc chiến tranh nửa sau thế kỷ XX – Minsk, Literatura -1998).

Thời kỳ đầu khi MiG-21 và F-4 tham chiến, MiG-21 Việt Nam đã bắn hạ nhiều F-4 của Mỹ

2. Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô (Quốc hộ) N.Podgornyi khi bác bỏ cáo buộc của phía Ai Cập cho rằng vũ khí Liên Xô chất lượng kém đã cáu tiết nói thẳng: “Vấn đề không phải ở chỗ là các xe tăng và máy bay của chúng tôi xấu mà là ở chỗ người Arập không biết cách sử dụng chúng”.

Còn Đại sứ Liên Xô Asimov cũng đã nhắc lại vấn đề này trong một cuộc trao đổi với Tổng thống Syria Haphez Asad: “Chúng tôi cung cấp cho các ngài một khối lượng khổng lồ những loại vũ khí mà các đồng chí Việt Nam của chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy".

Tuy nhiên, quân đội Việt Nam, dù được trang bị kém hơn các ngài rất nhiều nhưng đang chiến đấu và chiến thắng một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới”. (nguồn “Bách khoa toàn thư nghệ thuật quân sự- các cuộc chiến tranh nửa sau thế kỷ XX- Minsk – literature-1998 ).

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại